Vẫn mơ về một con đường thực sự dành cho sách

12/05/2016 06:56 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Đường sách TP.HCM đã khai trương trên đường Nguyễn Văn Bình bên hông bưu điện thành phố. Đường sách diễn ra nhiều sự kiện như ra mắt, triển lãm sách, giao lưu với tác giả rất rộn ràng nhưng vẫn còn nhiều bất cập khiến cho người thích đọc sách chưa vui trọn vẹn.

Nhiều người đóng góp cho sự ra đời của đường sách, trong đó có ý tưởng xuất phát từ một bài báo của nhà văn Lê Văn Nghĩa. Nhà văn suy tư, tại sao Hà Nội có phố sách Đinh Lễ, Nguyễn Xí còn một đô thị lớn như TP.HCM lại không có một đường sách.

Mặc dù đường sách đã hình thành, nhưng theo Lê Văn Nghĩa, hoạt động diễn ra vẫn chưa đúng như nguyện vọng về một con đường thực sự dành cho sách.

TP.HCM có những con đường sách được bán rất nhiều, mọi người nhất là sinh viên có thể đến tìm mua với giá hợp túi tiền. Trong khi Đường sách trên phố Nguyễn Văn Bình chủ yếu mang nặng tính giao lưu tác giả - tác phẩm, trưng bày làm thương hiệu hơn là mua bán sách.


Người dân hào hứng tìm sách đọc trong ngày khai trường Đường sách TP.HCM

Thông thường, người đi nhà sách luôn có tâm trạng nhẩn nha, lựa chọn và tìm kiếm. Nhưng với không gian mỗi gian hàng khá nhỏ, các đơn vị thường ưu tiên sách mới “ra lò” để trưng bày thay vì các cuốn đã xuất bản trước đó.

Nhiều người đã thất vọng ra về khi không tìm được cuốn sách xuất bản vài tháng trước, vì không còn trên kệ. Muốn mua sách cũ, sách cần tìm nhưng chưa mua kịp xin mời đến… chỗ khác.

Ngoài không gian dành cho sách, trên đường Nguyễn Văn Bình còn có hai quán cà phê để giới thiệu tác phẩm và giao lưu cùng tác giả. Theo lẽ thông thường phải có nhà vệ sinh phục vụ khách, nhưng có lẽ đây là hai quán cà phê đặc biệt nên không có… toilet. Khi “có nhu cầu”, người đến với đường sách tìm mỏi mắt không có chỗ để… “giải sầu”.

Gần đường sách này có một nhà hàng thức ăn nhanh. Nhà hàng này luôn phục vụ miễn phí nhu cầu đi WC với thực khách, nhưng tại đây, khách “có nhu cầu” phải trưng ra hóa đơn tính tiền mới được vào “ngôi nhà nhỏ” giải quyết “bầu tâm sự”.

Nếu không có hóa đơn, vui lòng trả tiền mới được sử dụng. Điều này chứng tỏ, lượng người có nhu cầu giải quyết không hề nhỏ đến độ nhà hàng kia phải linh động thu phí, điều mà có lẽ các cửa hành cùng hệ thống chưa bao giờ làm trên toàn thế giới. Giá như có một nhà vệ sinh lưu động thì người đến với sách sẽ… vui hơn.

Thiếu thốn chỗ để xe cũng khiến cho những người yêu sách khó khăn khi đến với đường sách.

Trong các buổi giao lưu sách, vấn đề âm thanh cũng khiến cho không khí kém vui.

Có lần cùng thời gian, hai gian hàng sách kề bên nhau cùng tổ chức giao lưu. Một bên tổ chức nói về một sách văn học, bên kia nói về sách nấu ăn. Để cử tọa của mình nghe rõ lời diễn giả, cả hai cùng tăng âm cực lớn. Kết quả, một cuộc chiến âm thanh xẩy ra ồn như vỡ chợ.

Sẽ khó cho BTC xếp lịch khi mỗi đơn vị thuê gian hàng đều có quyền trên phần đất của mình, chuyện nhường nhịn nhau “giờ vàng” là điều... hiếm.

Đường Nguyễn Văn Bình có hai tác phẩm điêu khắc đặt ở hai đầu đường vừa có tác dụng trang trí vừa giống như hai barie ngăn xe vào.

Tuy vậy, tác dụng “cản đường” nhiều hơn là làm đẹp khi hai bức tượng được đặt thẳng xuống nền đường thay vì trên bục như thường thấy ở các tác phẩm điêu khắc. Có hai cái bục thôi cho hai bức tượng này, sao lại không?

Thanh Kiều
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm