Từ những giọt máu đào...

10/01/2018 07:09 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Giữa tuần qua, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương phát đi lời cảnh báo: lượng máu O tại đây đang khan hiếm, chỉ còn 18,7% kho dự trữ - nghĩa là chỉ đủ cung cấp thêm hai ngày cho nhu cầu điều trị bệnh của hơn 100 bệnh viện và cơ sở y tế khu vực phía Bắc.

Kèm theo cảnh báo là lời kêu gọi hiến máu tình nguyện. Để rồi, trong vài ngày vừa rồi, giữa tiết trời lạnh nhất của mùa Đông, hàng trăm lượt người đã liên tục kéo về đây để tham gia hiến máu.

Như những hình ảnh và thông tin đang tràn ngập trên mặt báo, đều đặn mỗi ngày, dòng người ấy luôn xếp hàng chật ních trong hội trường của Viện Huyết học để chờ được chia sẻ cho người bệnh những giọt máu của mình.

Tính đến sáng ngày 8/1/2018, lượng máu dự trữ tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã đạt gần 10.000 đơn vị (9.814 đơn vị), trong đó máu nhóm O là 3.500 đơn vị.

Chú thích ảnh
Chưa bao giờ những người nhóm O lại hiểu sứ mệnh của mình như lúc này. Ảnh: Báo Tin Tức

Những người hiến máu tình nguyện ấy thuộc đủ mọi tầng lớp: Từ các bạn trẻ, cán bộ, viên chức... cho đến người lao động bình thường. Và, cả những người đứng tuổi.

Dường như, tùy tính cách và hoàn cảnh sống, mỗi người trong số ấy lại có những cách trả lời riêng quanh câu hỏi: Điều gì khiến họ tới đây?

Đơn cử, chị Chu Thị Chạm ở Thạch Thất, người vượt 20km lên quận Cầu Giấy hiến máu, thì nói ngắn gọn: Xem tivi, thấy thông báo là người bệnh cần thì mình đi. Rồi, chỉ sang cô bạn đã cùng đi hiến máu 5 lần trước đó, chị cười, bảo rằng hàng xóm nói "2 con mẹ này" suốt ngày đi hiến máu.

Cũng vượt quãng đường 20km (nhưng đến từ Đông Anh), chị Nguyễn Thị Việt Anh, giáo viên tiểu học thì lại có câu trả lời khác: Đưa con trai theo cùng với mong muốn giáo dục cho con về lòng nhân ái.

Rồi vượt... hơn 1.800 km, tham gia hiến máu nhân chuyến công tác từ TP.HCM ra Hà Nội, một chàng trai tên Mẫn, 36 tuổi, bảo rằng anh có bà ngoại từng được nhận máu để chữa bệnh, nên hiểu rõ tâm trạng của bệnh nhân (và cả người nhà) đang điều trị mà không có máu để truyền.

Rồi, Tổng giám đốc một công ty lớn tại Hà Nội khi bị "bắt gặp" tham gia hiến máu trong những ngày này đã xin báo giới tránh nêu tên bởi "đó đơn giản là trách nhiệm với cộng đồng".

Chắc sẽ có nhiều câu trả lời khác nữa, nếu chúng ta tiếp tục đặt ra câu hỏi về lý do đi hiến máu. Nhưng, mẫu số chung của những câu trả lời, hẳn vẫn khá đơn giản: Họ thấy nên làm, và cần làm.

***

Tới đây, người viết bỗng nhớ lại câu chuyện về đề xuất luật hóa việc hiến máu mà Bộ Y tế đưa ra vào đầu năm 2017. Theo đó, trừ những trường hợp bất khả kháng, mỗi công dân bắt buộc phải hiến máu mỗi năm 1 lần.

Sự thực, như lời giải thích sau đó, đề xuất ấy chỉ mang tính chất giả định (và cũng không được triển khai trên thực tế). Thế nhưng, nó cũng đã kịp nhận về những phản ứng rất gay gắt của cộng đồng.

Gay gắt tới mức, có ý kiến cho rằng cách đặt vấn đề như vậy đã làm hỏng tính chất của 2 từ "hiến máu" - và có cả những ý kiến băn khoăn về việc giám sát, quản lý và phân phối một lượng máu khổng lồ mỗi năm, nếu đề xuất được triển khai.

Nhắc lại chuyện cũ, không phải để so sánh về sự khác biệt giữa "phải hiến máu" và "hiến máu tự nguyện".

Thực tế, từ trong vô thức, bản chất của cộng đồng người Việt chúng ta vẫn là sự nhân ái và sẵn sàng sẻ chia. Sự nhân ái ấy tiềm ẩn ấy không mâu thuẫn gì với xu hướng phản biện đang bắt đầu hình thành như một thói quen thường trực ở mỗi người, trước mọi vấn đề của xã hội.

Mặc trời mưa rét, hàng trăm người vẫn xếp hàng hiến máu nhóm O

Mặc trời mưa rét, hàng trăm người vẫn xếp hàng hiến máu nhóm O

Mặc dù trời mưa rét đột ngột nhưng tinh thần đến hiến máu của người dân không hề giảm khi thông tin thiếu trầm trọng nhóm máu O dự trữ vẫn đang được cộng đồng chia sẻ.

Anh Bảo

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm