Từ lễ tri ân và trưởng thành...

01/06/2018 07:10 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Cuối năm học này nhiều trường học trên toàn quốc đã lần đầu tổ chức lễ tri ân và lễ trưởng thành, nơi sẽ kết nối sự bày tỏ tình cảm của học sinh với phụ huynh, gia đình mình.

Như lời thầy Nguyễn Minh Quý (Hiệu trưởng Trường THPT Trần Nguyên Hãn, Hải Phòng) đã phát biểu tại lễ trưởng thành mới đây: “Cả cuộc đời bố mẹ đã rất nhiều lần rửa mặt, rửa tay, tắm rửa cho chúng ta. Nhưng có khi, lần đầu tiên trong cuộc đời, các em học sinh mới được tự tay làm điều như vậy cho bố mẹ”.

Dẫn lại lời phát biểu này, nhiều báo cho biết các học sinh đã khá bỡ ngỡ và xúc động khi làm một việc tưởng như rất thân thuộc, đơn giản, nhưng gần như họ rất ít làm, nên lóng cóng. Nhiều phụ huynh đã rơi nước mắt khi thấy con cháu mình bày tỏ một nghĩa cử giản dị, nhưng quá xúc động.

Chú thích ảnh
Một tiết mục văn nghệ trong buổi lễ tri ân và trưởng thành. Ảnh: Internet

Thế nào là tri ân hoặc trưởng thành có thể còn phải tranh luận rất nhiều, một hai buổi lễ cũng khó mà giúp cho học sinh thật sự trưởng thành. Có nhiều người rất thành đạt, tuổi gần đất xa trời, vẫn thật thà nhìn nhận mình chưa trưởng thành nhiều mặt, đặc biệt là về tâm lý, về cảm xúc, về tình cảm…

Thế nhưng, khi nhà trường công khai tổ chức lễ trưởng thành và tri ân như thế này, cho cả 3 cấp phổ thông, chắc nhiều học sinh sẽ có dịp để tự vấn hoặc tự điều chỉnh hành vi của mình. Ít nhất đây cũng là cơ hội để họ thực tập về tri ân và trưởng thành, bởi những điều này không hề tự đến như ta tưởng tượng.

Cách đây ít lâu, khi trên Facebook nổi lên phong trào “dậy thì thành công”, nhiều người đã hưởng ứng chân thành, rồi thành thật nhìn nhận bản thân “chưa dậy thì thành công”. Một nhà văn tuổi U70, đã xuất bản hàng chục cuốn sách, cũng tự nhận mình “dậy thì chưa thành công”, nên cảm giác và tâm lý này cứ theo ông.

Giả dụ, nếu trong quá khứ những người như ông cũng được thực tập về nhận thức “dậy thì thành công”, chắc chắn cơ hội để “dậy thì thành công” sẽ nhiều hơn.

Hơn nửa thế kỷ trước, khi nhiều Phật tử ở miền Nam lần đầu tổ chức mùa lễ báo hiếu với bông hồng cài áo, nhiều người cũng nghi ngờ việc đơn giản này sẽ chẳng đi đến đâu. Nhưng qua năm tháng, nhiều người mới nghiệm ra rằng để cài bông hồng lên áo tưởng dễ, nhưng không phải ai cũng còn đủ duyên để làm.

Khi còn mẹ trên đời thì cài hoa màu đỏ, khi mẹ đã mất thì cài hoa màu trắng. Vậy mà nhìn vào đoàn người mùa lễ Vu Lan, nhiều người đã không cầm được nước mắt, vì hoa màu trắng quá nhiều. Từ đó, ai còn mẹ sẽ muốn thương mẹ hơn, có hiếu có nghĩa với mẹ với cha nhiều hơn.

Chú thích ảnh
Hình ảnh xúc động trong ngày lễ Vu Lan. Nguồn: Vietnamnet.net

Lễ tri ân và trưởng thành ra đời trong bối cảnh xã hội nhiều nơi chạy theo đồng tiền, nhiều hành động vô luân, phi nhân, máu lạnh xuất hiện, cũng là một nỗ lực để cân đối với cuộc sống.

Chỉ mong các trường sẽ không rập khuôn, làm lấy lệ, tốn kém, mà sẽ có được những câu chuyện nhân cảm, xúc động để thu hút học sinh. Ví dụ như trong hàng chục sự kiện tri ân và trưởng thành vừa diễn ra, hình ảnh một nữ sinh Trường THPT Xuân Hưng (Đồng Nai) mặc áo dài phụ giúp cha bơm bong bóng một cách vui vẻ, đã được lan truyền trên mạng xã hội với sự thiện cảm.

Nhiều bạn trẻ ngưỡng mộ với hạnh phúc của người cha bán cá viên chiên, bán bong bóng có cô con gái học giỏi; nhiều người ngưỡng mộ sự tự nhiên, không ngại ngùng của cô con gái khi đỡ đần công việc cho cha. Nhiều bình luận rằng mình ở nhà lầu đi xe hơi nhưng không có được hạnh phúc, sự thương yêu giống như vậy.

Trong quan niệm mới về giáo dục thần tượng, các nhà sư phạm nhận ra rằng công trình, thành tích của danh nhân, của thần tượng… không tác động đến học sinh nhỏ tuổi bằng các câu chuyện xúc động từ họ. Vậy thì hãy biến các buổi lễ trưởng thành, tri ân thành cơ hội để học sinh tìm kiếm thêm ý nghĩa sống cho chính mình. Bởi tri ân và trưởng thành là việc nên làm thường xuyên.

Đừng cố đẩy người đi học vào 'cỗ máy giáo dục'

Đừng cố đẩy người đi học vào 'cỗ máy giáo dục'

Mấy ngày trước, một học sinh lớp 10E3 Trường THPT Nguyễn Khuyến (TP.HCM) đã nhảy lầu tự tử tại trường với 2 lá thư tuyệt mệnh. Trong thư gởi gia đình có đoạn: “Con xin lỗi ba má. Con đã không đáp ứng được mong mỏi của ba má”. Theo nhà trường thì: “Em C. có thành tích học tập rất tốt, điểm trung bình học kỳ một là 8,9”. Vậy mà bi kịch vẫn xảy ra.

Vô Ưu

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm