Trường công hay trường tư?

28/09/2017 08:03 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) -  Câu chuyện học phí bỗng trở thành đề tài nóng nhất đầu tuần này, khi nhiều phụ huynh ở một ngôi trường ngoài công lập băn khoăn trước thông báo thay đổi học phí.

Ngược với nó, ở một số ngôi trường công lập khác và với những bức xúc theo kiểu khác, một số phụ huynh lại phẫn nộ tới mức có ý kiến đòi giải tán Ban phụ huynh học sinh. Bởi, với những khoản lạm thu được Ban phụ huynh này đưa ra đầu năm, nhiều người cho rằng ban đại diện chỉ là "cánh tay nối dài" của Nhà trường.

Có nghĩa, dù là trường công hay trường tư, tranh cãi cuối cùng vẫn chuyển về câu chuyện thu tiền – nộp tiền. Nói cách khác, bức xúc chung nằm ở sự hợp lý về số tiền mà phụ huynh phải đầu tư cho việc học của con em mình.

Chú thích ảnh
Tranh minh họa. Nguồn: Internet

Thực tế, chuyện lựa chọn trường tư – trường công vẫn là băn khoăn của nhiều phụ huynh ở các đô thị lớn.

Ai cũng hiểu, giáo dục công lập và ngoài công lập là hai bộ phận hữu cơ của mỗi nền giáo dục quốc dân. Trong đó, nếu trường công trông đợi vào ngân sách của nhà nước thì việc vận hành các trường ngoài công lập dựa vào nhà đầu tư và nguồn thu từ các phụ huynh theo cơ chế xã hội hóa. Tất yếu, học phí ở các trường tư thục phải cao hơn so với công lập.

Và trong sự lựa chọn ấy, trường tư chỉ có một lợi thế duy nhất: sự vượt trội về chất lượng và tiện ích, để cung cấp những gì mà trường công chưa, hoặc không có.

Có điều, trong bối cảnh hiện nay, cái sự chưa/không có ấy ngày càng trở thành nỗi lo lớn của phụ huynh, với những gì mà nền giáo dục Việt Nam đang thể hiện ở các trường công.

Chưa nói tới những giá trị xa hơn, chỉ riêng vấn đề học phí, cách thu theo kiểu "trông vậy mà không phải vậy" đã khiến mức học phí chỉ bằng 1/5, 1/10 hoặc ít hơn (so với trường tư) ở các trường công lập đã không còn đủ sức giữ chân các bậc phụ huynh. Chuyện "giải tán Hội phụ huynh" là điển hình.

Đó không phải là tất cả lý do để lựa chọn. Nhưng chắc chắn, khi đưa con mình vào các trường tư thục rất nhiều người đã hi vọng ở sự rạch ròi và minh bạch, theo cơ chế thị trường.

***

Có điều, trong môi trường kinh doanh, dù là kinh doanh giáo dục, sự rạch ròi và minh bạch chỉ có thể đến từ các đảm bảo bằng hành lang pháp lý, và ở mức thấp hơn là những cam kết theo hình thức thỏa thuận dân sự.

Nói cách khác, khi đã chấp nhận chủ trương xã hội hóa giáo dục, nếu những cơ sở giáo dục tư thục không có sai phạm, ngành quản lý cũng khó lòng can thiệp vào những thỏa thuận cung cấp dịch vụ giữa người mua và người bán – nhất là khi những thỏa thuận hay cam kết ấy không có đủ giá trị pháp lý.

Lá đơn buồn về giáo dục

Lá đơn buồn về giáo dục

Đấy là một lá đơn gây sốc của người đã đứng trong hàng ngũ nhà giáo trong suốt 16 năm qua - anh Đoàn Hùng Cường, giáo viên trường PTDT Nội trú huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh. Anh không phải là một giáo viên bình thường.

Chuyện tăng học phí có thể gây băn khoăn và trở thành vấn đề lớn với phụ huynh học sinh. Nhưng, khi hầu hết các trường tư thục hiện nay không có hợp đồng cam kết đủ giá trị pháp lý về vấn đề này, rõ ràng phụ huynh chỉ còn lại cái quyền lớn nhất: chấp nhận,hoặc hủy bỏ việc cho con em mình tiếp tục theo học.

Đó là sự sòng phẳng (có thể là đáng buồn) trong môi trường giáo dục tư thục - điều khó xảy ra hơn ở các trường công, vốn dĩ phải tuân thủ các quy định riêng về chính sách giáo dục của Nhà nước.

Bây giờ, có những phụ huynh đang ở vào cảnh khó xử giữa hai lựa chọn: hoặc cố thu vén để con mình tiếp tục theo học ở trường tư thục, hoặc "tìm đường" về với trường công (dù là khó). Khó xử, nhưng nếu xét tới mặt bằng hiện trạng giáo dục hiện nay, chúng ta sẽ thông cảm, và hiểu vì sao họ rơi vào cảnh huống ấy.

Bởi thế, câu chuyện này không chỉ là độ chính xác và giá trị pháp lý của những lời cam kết. Xa hơn, đó là nỗi lo chính đáng, khi các trường công lập đang ngày càng khiến phụ huynh mất niềm tin – để rồi phải chấp nhận rủi ro khi đưa con mình về "tị nạn" tại trường tư thục.

Cúc Đường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm