Tranh Đông Hồ:Trời còn để có hôm nay…

28/01/2020 08:00 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Những thăng trầm nối nhau trong suốt một thế kỷ qua của làng tranh dân gian Đông Hồ có lẽ là minh chứng rõ nhất cho câu chuyện về cách tồn tại của một làng nghề dân gian trước những biến đổi về thời cuộc.

Sống chậm cuối tuần: Tranh Đông Hồ - ngàn năm không cũ

Sống chậm cuối tuần: Tranh Đông Hồ - ngàn năm không cũ

LTS: Tranh Đông Hồ đang được xây dựng hồ sơ để trình UNESCO công nhận là di sản thế giới trong thời gian tới. Đây là một tin rất vui đối với những người yêu dòng tranh dân gian này, trong đó có họa sĩ Đỗ Đức. Là họa sĩ sáng tác khá nhiều về đồ họa, từ 40 năm trước, ông đã có những trải nghiệm đáng nhớ về đời sống của tranh Đông Hồ. Xin giới thiệu bài viết của họa sĩ Đỗ Đức.

1. Nhiếp ảnh gia Lê Bích là cái tên mà gần như mọi nghệ nhân ở Đông Hồ đều “nhẵn mặt’. 15 năm qua, anh liên tục xuống Đông Hồ để thực hiện hàng ngàn bức ảnh nhằm ghi lại những gì đang diễn ra – và từng diễn ra – ở làng nghề đặc biệt này.

Đó cũng chính là quãng thời gian mà Đông Hồ đang chuyển mình, để mở ra chút hi vọng mới từ một làng tranh tưởng sắp suy vong.

Như lời Bích, lần đầu tiên anh xuống Đông Hồ chụp là năm 2005, khi dẫn vài người bạn nước ngoài tới đây tham quan và chụp ảnh. Lúc ấy, nghề làm tranh mới chỉ “tái khởi động” ở những bước đi đầu tiên. 2 gia đình nghệ nhân cơ bản còn theo nghề - các cụ Nguyễn Đăng Chế và Nguyễn Hữu Sam – đều làm tranh tại nhà, khách vào xem khá bất tiện.

Chú thích ảnh
Nhiếp ảnh gia Lê Bích (bìa trái) và một nghệ nhân Đông Hồ

Gần một thế kỷ trước đó, 18 xóm của làng Đông Hồ (nay là xã Song Hồ, Thuận Thành, Bắc Ninh) có 17 dòng họ, dòng họ nào cũng theo nghề làm tranh. Trước năm 1917, làng nằm sát bờ sông Đuống, cạnh bến Hồ, vào dịp tháng Chạp thuyền buôn các xứ tới mua tranh tấp nập. Như lời kể, tranh trong làng được làm từ tháng 8 âm lịch, để bán vào 6 phiên chợ chính trong dịp cuối năm.

Chợ mở sớm, đặt trong đình, thương khách tới từ đêm trước ngủ lại, sáng hôm sau qua đây khuân về cả ngàn, cả vạn bức tranh treo Tết. Sau này, khi làng Hồ dời sâu vào trong chừng vài trăm mét, đình làng được dời theo nhưng vẫn giữ nguyên tên gọi “đình Tranh” đến tận bây giờ.

Chú thích ảnh
Một cửa hàng bán tranh Đông Hồ thời Hà Nội xưa. Ảnh TL

Những giả thiết hiện có cho rằng nghề làm tranh Đông Hồ xuất hiện ít nhất từ thế kỷ XVIII, khi người dân nắm bắt được kỹ thuật chạm khắc gỗ từ Liễu Tràng (Hải Dương). Tương truyền, ban đầu, người dân làng chỉ khắc ván gỗ in tranh để thờ cúng và treo chơi trong ngày Tết. Sau rồi, tiếng lành đồn xa, việc treo tranh Đông Hồ dần lan rộng và trở thành cái thú chơi xuân của hầu hết mọi gia đình trên miền Bắc.

Thực tế, nghề làm tranh chỉ bán được vào dịp cuối năm không đủ làm sinh kế cho người dân Đông Hồ. Bởi thế, từ rất sớm, nghề làm hàng mã đã bén rễ tại đây và phát triển mạnh, như một lựa chọn bổ sung để kiếm sống của các gia đình. Nhưng, với thương hiệu của những bức tranh dân gian trên giấy điệp, giai đoạn cho đến trước 1945 vẫn mặc định được coi là thời hoàng kim của làng nghề này.

2. Bước sang thời chống Pháp, chiến tranh khiến việc làm tranh ở Đông Hồ gần như gián đoạn. Phải tới năm 1960, nghề này mới xuất hiện trở lại, dưới hình thức… tổ tranh dân gian nằm trong Hợp tác xã nông nghiệp Song Hồ. Gần 50 nghệ nhân trong làng quy tụ ở đây, mày mò nhặt nhạnh các bản khắc cũ để sản xuất tranh theo mô hình chấm công điểm và chia thóc.

Chú thích ảnh
Sản xuất tranh Đông Hồ thời hợp tác xã. Ảnh TL

Đáng nói, giai đoạn kinh tế khó khăn ấy lại là những năm khá đặc biệt với tranh Đông Hồ - khi mà theo lời kể của các nghệ nhân, họ phần nào sống được bằng nghề. Tổ tranh của làng hoạt động rất quy củ và nghiêm túc, lượng tranh làm ra được bán khắp miền Bắc, rồi xuất khẩu cả sang các nước Đông Âu. Thậm chí, năm 1971, một bộ tranh Đông Hồ truyền thống gồm 15 bức còn được trao Huy chương vàng tại Hội chợ sách quốc tế tại Leipzig (Đông Đức).

“Xem lại các tư liệu về tranh Đông Hồ ngày ấy khá thú vị. Ngoài đề tài truyền thống, nhiều bộ tranh về Truyện Kiều, Thạch Sanh, Lưu Bình Dương Lễ, Tống Trân Cúc Hoa… còn được tách ra in riêng từng tiểu cảnh giống như truyện tranh. Hoặc, để phục vụ nhu cầu, các nghệ nhân tạo ra những “biến thể” vẽ mâm ngũ quả, án thư, câu đối…” - Lê Bích kể - “Và việc tranh Đông Hồ vẫn tồn tại và có thị trường khi ấy chính là một minh chứng về sức sống của di sản này”.

Chú thích ảnh
Một cửa hàng bán tranh Đông Hồ thời bao cấp. Ảnh TL

Ž3. Thời kỳ khủng hoảng chỉ đến với tranh Đông Hồ vào giai đoạn đầu Đổi mới, khi những mẫu tranh này không còn tiêu thụ được trên thế giới. Năm 1989, tổ làm tranh giải thể. Một số nghệ nhân tiếp tục sản xuất và kí gửi tranh tại các cửa hàng mậu dịch nhưng không thành công. Và cứ thế, rất nhanh, chỉ sau vài năm, nghề làm tranh Đông Hồ lụi dần…

Không khó lý giải cho sự suy tàn ấy. Trong quá khứ, quy mô khép kín từ khâu sản xuất đến phân phối của làng Đông Hồ chỉ đủ đáp ứng cho nhu cầu thị trường nông thôn vào dịp cuối năm – khi bản thân các gia đình làm tranh cũng chưa vươn lên thành công xưởng sản xuất lớn. Rồi thời bao cấp khó khăn, khi thói quen treo tranh Tết vẫn còn ăn sâu trong tâm thức của mọi gia đình miền Bắc, tranh Đông Hồ vẫn có thể tồn tại với mô hình “hợp tác xã” của mình. Nhưng, bước sang giai đoạn mở cửa, câu chuyện đã hoàn toàn khác.

Vài năm tiếp theo, nghề làm vàng mã tại Đông Hồ lại có dịp phát triển vô cùng mạnh – khi thị trường thời mở cửa bỗng dưng đặt ra nhu cầu rất lớn về mặt hàng này. Câu cửa miệng “trong tranh có mã - trong mã có tranh”, vốn gắn sự linh hoạt kiếm sống của các hộ gia đình Đông Hồ khi xưa, một lần nữa lại chứng minh tính hợp lý của mình. Có điều, sự vận động tất yếu của cuộc sống đã khiến tưởng như chỉ là “vai phụ” ấy dần thay thế tranh dân gian để định danh cho làng Hồ một thương hiệu mới…

Chỉ sự kiên tâm từ 2 người còn sót lại – các nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế và Nguyễn Hữu Sam - mới có thể giúp Đông Hồ níu giữ được chút hi vọng từ nghề làm tranh cổ. Hơn chục năm từ thời khủng hoảng, họ là những người loay hoay phục dựng, góp nhặt các bản khắc gỗ cũ, và tiếp tục theo đuổi công việc của mình. Để rồi, như một quy luật tất yếu, khi xã hội bắt đầu quay về với việc tôn vinh những bản sắc văn hóa truyền thống, lại đến lúc tranh Đông Hồ đi lên…

Bây giờ, ở tuổi gần 90, cụ Nguyễn Đăng Chế đã có một xưởng tranh khá khang trang, nơi du khách có thể vừa mua sản phẩm, vừa được giới thiệu và chiêm ngưỡng đầy đủ mọi công đoạn để sản xuất ra một bức tranh Đông Hồ theo truyền thống. Ở quy mô khiêm tốn hơn, hai con của cụ Nguyễn Hữu Sam (đã mất năm 2016) cũng có những tổ hợp sản xuất theo kiểu gia đình để tiếp tục công việc mình. Từ các gia đình ấy, tại Hà Nội và các điểm du lịch, tranh Đông Hồ mấy năm qua cũng xuất hiện thường xuyên và được thị trường chấp nhận.

Giống như câu Kiều “Trời còn để có hôm nay/Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời”, sau hơn một thế kỉ thăng trầm, tranh Đông Hồ cũng tới lúc ít nhiều tìm được sự khẳng định cần thiết, giữa dòng chảy của nhịp sống đương đại. Nhưng, chừng đó vẫn là quá ít so với lịch sử của một làng tranh dân gian từng in đậm dấu ấn của mình trong đời sống người dân phía Bắc, cũng như với những tiềm năng mà nó có thể mở ra trong tương lai. Bởi thế, ở thời điểm hồ sơ trình UNESCO công nhận tranh Đông Hồ là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp đang được hoàn thành, người ta bắt đầu nhen nhóm thêm hi vọng…

Anh Bảo
Thể thao & Văn hóa Xuân Canh Tý

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm