'Thượng đội hạ đạp' - cửa ải khó qua?

18/09/2015 06:23 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Trong Chiêu quốc hồn văn, Nguyễn Thượng Hiền (1868-1925) cảm thán: “Mị địch giả dĩ vạn kế/Ứng nghĩa giả vô nhất phu” (Nịnh kẻ thù có vạn người đó/ Làm việc nghĩa thấy một ai đâu).

Cũng như trước đó Denis Diderot (1713-1784) từng cảm thán: “Chúng ta tham lam nuốt lấy lời nói dối tâng bốc, nhưng chúng ta chỉ nhấp miệng từng chút sự thật cay đắng”.

Xa hơn nữa, Niccolo Machiavelli (1469-1527): “Không có cách nào khác để bảo vệ mình khỏi lời xu nịnh ngoài việc khiến người ta hiểu rằng nói với bạn sự thật sẽ không xúc phạm bạn”. Nghĩa là qua năm tháng, chuyện “thượng đội hạ đạp”, hoặc “đạp dưới luồn trên”… vẫn là một kiểu hành xử, một lối sống phổ biến ở nhiều nơi, có vẻ con người khó vượt qua.

Nhà báo Nguyễn Trường Uy: Lôi ruột gan ra giặt giũ lại cho sạch

Ai trong chúng ta cũng đã từng chứng kiến đồng nghiệp của mình hay một ai đó có hành vi “thượng đội hạ đạp” nhằm “leo lên” một chức vụ nào đó, hoặc để “giữ ghế”. Bộ máy quản trị của bất cứ quốc gia nào, chính quyền nào, công ty nào cũng có những “hòa thân”, càng không minh bạch thì “hòa thân” càng nhiều và ngược lại.

Một bộ máy vẫn để tồn tại tư duy, cũng như thực tế rằng có chức là có tiền, thì ắt hẳn đó sẽ là môi trường màu mỡ của tệ nạn “thượng đội hạ đạp”. Khi chức vị tạo cho người ta có được của ăn của để, đặc biệt là được nhiều người tán dương, kể cả tán dương giả vờ, thì chắc chắn sẽ có vô số những con thiêu thân lao vào đó, bất chấp liêm sĩ và lòng tự trọng, nịnh trên khinh dưới.


Nhà báo Nguyễn Trường Uy

Thời bây giờ chúng ta thấy không ít người một ngày “bỗng dưng” khác đi sau khi nhờ khả năng “thượng đội hạ đạp” mà được bố trí một chức vị nào đó. Họ ăn nói khác trước, đi đứng khác, hành xử khác, suy nghĩ khác…, rất bề trên, rất kẻ cả, rất hình thức.

Họ nghĩ rằng chức vị đó là oai phong, rằng quyền lực thì phải khác, nên họ tự “biến hóa” mình, hoặc sự tha hóa đã thay đổi họ mà họ không hay. Điều đáng nói là bây giờ tệ nạn đó nhan nhản, thậm chí nhiều người xem đó như một “kỹ năng” cần có để có thể tiến thân, để có chức vị, như chuyện thế thời phải thế!

Tôi nhớ trong bộ phim truyền hình nhiều tập Khang Hy đế quốc của Trung Quốc có một cảnh rất đắt: Khang Hy giáo huấn các triều thần về đạo làm quan. Khi thấy các triều thần đấu đá nhau, tham nhũng, suy đồi đạo đức, ông đã tập hợp họ vào cung Càn Thanh và nói, đại ý rằng: Trong khi dân đang thiếu lương thực ngoài kia, thiên tai địch họa đang đe dọa dân ngoài kia, họ trông chờ triều thần tìm kế giúp họ thì các khanh hủ bại, không xứng đáng làm quan.

Rồi Khang Hy nói ông cho các quan nào đã lỡ hủ bại một cơ hội làm lại, hãy lôi ruột gan mình ra giặt giũ cho sạch một lần để phụng sự thiên hạ. Nhiều vị quan nghe Khang Hy nói mà ôm mặt khóc rưng rức. Rồi Khang Hy ban tặng cho các triều thần bốn chữ để nhớ mà phụng sự thiên hạ. Một tấm bảng được từ từ kéo lên, treo lên trên đầu ngai vàng, với bốn chữ mạ vàng: Chính Đại Quang Minh.

Nhưng việc tự tỉnh ngộ, việc tự “trở về” không dễ. Không thể kêu gọi mãi sự băng hoại trở về, trong khi sự “thượng đội hạ đạp” là đường vinh thân phì gia cho họ.

Phải có quy định rõ ràng về tài sản để cho mọi người đều xác định rằng có một chức vị nào đó là phục vụ chứ không phải là kiếm chác, phải có sự kiềm tỏa của luật pháp để buộc những người đã hủ bại không thể tiếp tục nhởn nhơ, mà phải đối diện với tù tội và phải có sự lên án của dư luận xã hội về hành vi xấu xa đó. Tôi nghĩ có vậy mới chặn được những con thiêu thân vinh lợi mà hủ bại chính mình và cả môi trường xung quanh.

Nhà văn Nguyễn Danh Lam: Sự tác động của những viên bi

Nhìn vào trò chơi bi-da quen thuộc, trong chuỗi tác động lực qua lại giữa những viên bi, ai cũng thấy viên bi chủ nhận một lực tác động mạnh bao nhiêu thì viên bi sau sẽ chịu một tác động lực tỷ lệ thuận.

Ở mức độ nào đó, con người trong xã hội cũng là những viên bi, “nối vòng tay lớn”, trừ khi bạn có thể tách ra, đứng sang bên, như một cá thể tự chủ, không chịu sự tác động dưới trên, phải trái. Hoặc toàn bộ cái xã hội ấy đã đến tầm mà tất cả xếp hàng ngang như nhau, không bên nào có quyền tác động lực sang bên nào.


Nhà văn Nguyễn Danh Lam

Xét ngược dòng lịch sử, tất nhiên không có một tôn giáo, một nếp sống, một trật tự xã hội… nào bỗng nảy ra đột ngột. Tất cả đều hình thành trên một chuỗi biến chuyển. Nhưng có thể thấy ở phương Đông, kể từ khi Khổng giáo ra đời, cái “tôn ti trật tự” giữa người với người kể như được “chính thức hóa”. Cụ thể trật tự Khổng giáo như thế nào, thiết nghĩ không cần nhắc lại.

Cá nhân tôi, từ một hình ảnh nhỏ, vẫn thấy được phần nào cái trật tự này, đó là trong một bữa cơm có đông người ăn, kẻ ngồi vị trí đầu nồi bao giờ cũng vất vả, thiệt thòi nhất. Vị trí ấy là của cô con dâu trong gia đình nhà chồng.

Khỏi nói về mối quan hệ mẹ chồng con dâu, mà trong đó, cô con dâu bị mẹ chồng “đì” tan nát bao nhiêu thì sau này, khi… trở thành mẹ chồng, người phụ nữ ấy lại tiếp tục “đì” con dâu của mình!

Và tất nhiên không chỉ trong mối quan hệ mẹ chồng con dâu, cái lớp lang tăm tắp ấy được xếp dài từ triều đình cho đến vùng miền, làng xã, gia đình… không ai, không mắt xích nào có thể vùng vẫy. Muốn thoát bỏ, bạn chỉ có thể lên núi hiểm, ra biển vắng sống cuộc đời Phạm Lãi…

Có thể không hẳn xuất phát từ tầm vĩ mô, nhưng tôi thấy cái thành ngữ “thượng đội hạ đạp” cũng nằm trong mối quan hệ tương hỗ, với những mắt xích trói buộc ấy. Trong một xã hội yên ả, nghĩa là lực tác động qua lại nhỏ, cái đội cái đạp sẽ bớt phần nghiệt ngã; ngược lại, khi xã hội nghiệt ngã thì cái đội cái đạp cũng “trần ai” theo. Bạn bợ đỡ kẻ trên khổ nhục như thế nào thì cái lò xo bị dồn ấy sẽ… bung xuống phía dưới, để phía dưới lãnh đủ.

Và phía dưới sẽ tiếp tục bung xuống dưới nữa. Ngay đến mõ làng thì cũng có quyền đánh vợ. Và đến thằng không có cả vợ để đánh thì ngửa mặt lên trời chửi hư không, Chí Phèo đó.

Ở chiều ngược lại, cũng như một quy luật, khi bạn bị người trên “tống” xuống, không thể “phản lực”, chấp nhận trong chuỗi cam chịu thì “đội” là một hành động phòng vệ, giảm chấn, hòng thoát khỏi tình cảnh chưa kịp đạp phía dưới thì mình đã bị phía trên đạp bẹp gí. Cái đội này cũng giống như… đội mũ bảo hiểm vậy thôi!

Vì vậy, “thượng đội hạ đạp” là một hành vi, một cách ứng xử xấu. Tuy nhiên, có thể thông cảm vì cái trật tự văn hóa - xã hội nhiều khi đã thế rồi.

Nhìn vào một số hình mẫu xã hội, khi nguyên thủ quốc gia cũng phải xếp hàng mua bánh, còn chàng nông dân trên núi có thể được chở đi chữa bệnh bằng máy bay trực thăng, liệu trong môi trường sống ấy có còn “thượng đội hạ đạp” chăng?

Văn Bảy (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm