Thư gửi Robot Citizen: Học bơi và học đề phòng 'sông sâu, nước cả'

29/03/2019 07:36 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Sophia thân mến!

Xem chuyên đề "Thư gửi Robot Citizen tại đây"

Hòa Bình: Tắm sông Đà, 8 học sinh bị đuối nước

Hòa Bình: Tắm sông Đà, 8 học sinh bị đuối nước

Lúc 15 giờ ngày 21/3, một tốp học sinh Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Hữu Nghị, thành phố Hòa Bình đi tắm trên sông Đà tại khu vực bãi cát, xóm Thịnh Minh, phường Thịnh Lang đã bị đuối nước.

Một vụ chết đuối thương tâm mới xảy ra ở đất nước chúng tôi, 9 học sinh rủ nhau ra sông Đà, chơi trên bãi cát Thịnh Minh (phường Thịnh Lang, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình). Theo lời kể của nhân chứng, trong lúc chơi trên bãi cát gần bờ sông, các cháu đã xuống sông tắm và có 8 cháu đã chết đuối.

Bơi lội, ngoài việc nó là một môn thể thao rèn luyện sức khỏe rất tốt thì còn là một cái thú thư giãn của nhiều người.

Thú thật với Sophia, rất nhiều anh em trong chúng tôi hay ra bơi ở bãi giữa sông Hồng bất kể mùa Đông hay mùa Hè. Tuy được thoải mái vẫy vùng nhưng vấn đề các anh hay gặp phải đó là rác trôi nổi trên sông, thôi thì đủ loại rất nguy hiểm. Nhiều khi đang bơi phải giật mình thon thót khi thấy cả một bao gì đó lềnh phềnh lao về phía mình. Ấy là chưa kể đáy sông muôn vàn hiểm nguy, nạn sụt cát rình rập bất cứ lúc nào. Tắm sông thì vui nhưng nghe đến sụt cát hay nước xoáy thì choáng váng cả người.

Chú thích ảnh
Trẻ em tắm ở sông Hồng. Ảnh: Internet

Các anh bạn tôi nói rằng: Những khi nước dâng lên, dòng chảy thay đổi, tạo xoáy ngầm không có kinh nghiệm nhận biết thì rất khó lường hậu quả. Đặc biệt, phải để ý đến các khu vực gần các trụ cầu, nơi đó luôn tiềm ẩn những dòng nước xoáy, có thể cuốn cả những người bơi giỏi. Hạn chế bơi ngược dòng vì dễ bị mất sức dẫn đến đuối nước.

Tôi nhớ có năm đi thăm Vịnh Hạ Long, anh lái tàu kể kinh nghiệm bơi ở vịnh. Anh nói rằng người bơi ở vịnh phải biết cách “đọc” được dòng chảy ngầm ở dưới bằng cách cảm nhận từ đôi chân, bơi phải theo hướng dòng chảy đó rồi đến đoạn gần bờ thì lựa cắt vuông góc để vào bờ. Nếu chỉ căn cứ theo chuyển động của đồ vật nổi trên mặt nước ta dễ bị cuốn lạc hướng. Ngồi nhìn hướng các anh điều khiển tàu cũng có thể nhận biết được điều đó.

Anh kể: Trường hợp đi bơi ngoài biển, điều quan trọng là phải nhận biết được dòng chảy xa bờ. Đó là một dòng nước mạnh chảy từ bờ hướng ra biển, thường có màu sậm hơn, mặt nước lặng hơn do nơi đó nước sâu hơn và sóng nhỏ. Đây là dòng chảy mạnh và nguy hiểm, các vụ chết đuối trên bãi biển chủ yếu là do dòng chảy này.

Đối với các trường hợp bị sóng cuốn hãy bình tĩnh và tuyệt đối không bơi ngược dòng, chủ động bơi cắt ngang dòng là tốt nhất.

Sophia thân mến!

Con sông Đà ở nước tôi là con sông cực kỳ nguy hiểm vì nhiều thác ghềnh. Bãi cát Thịnh Minh ven sông vào mùa này rất đẹp, được nhiều người dân ví là "bãi biển hòa bình" bởi có bãi cát, nước trong. Vào mùa Hè, hàng trăm người dân tới đây bơi lội. Tuy nhiên do khai thác cát nhiều năm trước nên khúc sông chỗ 8 học sinh gặp nạn có một lòng chảo khá rộng, tạo nên những dòng nước xoáy liên tục, rất nguy hiểm.

“Bình thường nước chảy khá hiền hòa song tại lòng chảo có xoáy nước liên tục nên có thể các em đã bị bất ngờ. Nếu không đủ tỉnh táo, kể cả người bơi giỏi khi bị rơi vào lòng chảo này cũng khó thoát nạn" - một người dân tham gia cứu hộ đã nói như vậy về đoạn sông này.

Qua vụ việc này chúng tôi nhận thấy rằng, bên cạnh việc dạy bơi cho các em học sinh thì chúng ta cũng phải dạy cho các em những kỹ năng cần thiết để đề phòng đuối nước.

Bơi ở đâu? Cần có những kỹ năng gì để nhận biết những nơi sông sâu, nước cả nguy hiểm, những ẩn họa chết người phía dưới mặt nước yên bình? Ngay ở Hà Nội thôi, bãi tắm ở sông Hồng hay bãi tắm tự nhiên ở Hồ Tây cũng chứa đầy ẩn họa…

Có thể khẳng định rằng, bên cạnh việc cho trẻ học bơi, cần nâng cao nhận thức về tai nạn sông nước cho trẻ và cho cả người lớn. Phòng hậu quả đuối nước là chuyện của cả cộng đồng.

Tôi nghĩ việc đó quan trọng hơn cả việc học bơi, phải không Sophia?

Hẹn gặp lại cô thư sau!

Quốc Thắng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm