Sự dửng dưng đang xâm chiếm

20/08/2018 07:05 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Sự việc diễn ra hồi 16h57 ngày 10/8/2018 trước số nhà 29 đường 17/10 (thành phố Lạng Sơn). Clip ghi lại từ một camera an ninh cho thấy, dù thấy một xe hơi tông một bà lão ngã ra đường, sau đó tài xế bê bà lão để trên vỉa hè, nhưng một số người xung quanh cũng khá thờ ơ...

Đó chỉ là một trong số các vụ việc gây tranh cãi gay gắt trong cộng đồng mạng về sự thờ ơ, vô cảm của một số người trước tai nạn giao thông, hay trước các sự cố xảy ra trên đường cần sự trợ giúp của người khác.

Ở đa số các nước, cấp cứu nạn nhân là ưu tiên số một, càng nhanh càng tốt, nên gặp mấy việc như thế này, người dân sẽ gọi cứu thương ngay lập tức, rồi tìm mọi biện pháp để trợ giúp khẩn cấp cho nạn nhân. Còn ở ta, sự dửng dưng ngày càng xâm chiếm cuộc sống. Vì sao vậy?...

Có lẽ điều đầu tiên là đến từ nỗi sợ liên đới trách nhiệm. Nhiều taxi kể rằng khi thấy người bị tai nạn, rất muốn dừng xe tương trợ, nhưng sợ, vì khi vào viện, vướng nhiều thủ tục pháp lý, tiền bạc và giấy tờ, rất nhiêu khê. Nhiều khi gặp người nhà không hiểu chuyện hoặc thiếu niềm tin, còn đánh tài xế, đập xe. Cũng đã có không ít trường hợp chở người đi cấp cứu nhưng kết quả lại phải mất rất nhiều thời gian mới tự minh oan được cho mình.

Chú thích ảnh
Bà lão nằm trên vỉa hè. Ảnh cắt từ clip

Thứ hai, các đội cứu thương cứu nạn của Việt Nam hoặc bị quá tải, hoặc do tình trạng giao thông lúc đó nên nhiều khi rất lâu họ mới đến. Quan sát ở hiện trường, không ít trường hợp xe cứu thương đến thì nạn nhân đã được người dân đưa đi cấp cứu rồi. Điều này làm người dân ngại trợ giúp cấp cứu.

Khung chế tài hình sự và sự đền bù cho các vụ tai nạn cũng còn nhiều bất cập. Chúng ta đã vô số lần phẫn nộ khi thấy tài xế cố tình lùi xe cán chết nạn nhân khi đã gây ra tai nạn. Về mặt đạo đức, thì đây là hành động của kẻ sát nhân, nhưng về mặt chế tài pháp luật và đền bù nhân mạng, nạn nhân chết với họ - các tài xế - còn… “khỏe hơn”. Thật đau đớn khi nói ra từ này, nhưng thực tế đời sống và cơ chế pháp lý đã khiến một vài tài xế thất đức có hành động vô cảm và độc ác này.

Tất nhiên, các bất cập về cơ chế, về trách nhiệm, nếu nhận ra và có quyết tâm sửa đổi, thì có thể sửa đổi được. Nhưng nếu để quá lâu, khi mà sự dửng dưng đã xâm chiếm sâu rộng vào đời sống, thì việc sửa đổi sẽ rất mất thời gian, rất khó khăn. Thử để ý ở các thành phố lớn mà xem, chừng 3 - 4 năm trước thôi, khi thấy các vụ tai nạn, nhiều người còn xúm vào xem, bây giờ thì một số người gần như dửng dưng, mặc kệ. Tò mò là một thói quen không tốt, nhưng dửng dưng, mặc kệ thì còn kinh khủng hơn sự tò mò.

Để sửa đổi, ngoài việc sửa các cơ chế như đã nói, ngay lúc này, chắc chắn từ trong gia đình, nhà trường, cộng đồng cần có những cách thức khích lệ, giáo dục về tinh thần trách nhiệm, về tương thân tương trợ. Để làm nhiều người có suy nghĩ rằng việc giúp đỡ người khác cũng chính là giúp đỡ bản thân mình, vì trong đời, việc gặp tai nạn, khó khăn là điều mà bản thân ta cũng có thể gặp phải. Đừng để tới lúc ấy mới tìm kiếm sự tương trợ, giúp đỡ thì đã muộn.

Vô Ưu

Giá như một số người không thờ ơ…

Giá như một số người không thờ ơ…

'Rồi chết rồi đó'; 'nó đập đá mà'; 'sâu quá, chịu không nổi đâu'… Đó là những lời bình luận của hàng chục người trên bờ khi chứng kiến cảnh thanh niên tên G.

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm