'Ô nhiễm' karaoke kiểu 'kẹo kéo' dịp Tết

23/02/2018 07:30 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Những ngày Tết vừa qua, ở nhiều miền quê, có hai điều dễ nhận thấy là tình trạng quá tải của rác thải và hiện tượng hát karaoke kiểu “kẹo kéo” - dùng loa lớn có tích hợp cả amplie, bluetooth kết nối với smartphone vào mạng internet. Đó là những tiếng hát phát ra từ những dàn loa karaoke, theo hình thức gia đình hoặc tụ họp bạn bè, bà con, kỷ niệm...

Hình thức ca hát này xuất hiện khoảng vài năm gần đây, nhưng mức độ lan rộng của nó tăng nhanh một cách chóng mặt, đến mức trở thành “mốt thời thượng”, do thiết bị âm thanh bây giờ giá khá rẻ, dễ mua.

Xét ở khía cạnh tích cực thì có thể thấy hình thức vui chơi này cũng khá lành mạnh, lời ca tiếng hát giúp cho những người thân, hàng xóm, bạn bè xích lại gần nhau hơn. Sự phổ biến ở mức dày đặc của karaoke trong những ngày Xuân có khi cũng giúp cho tình yêu ca hát thêm lan rộng ở mọi lứa tuổi, có khi chính từ đây mà rất nhiều giọng ca mới sẽ xuất hiện. Ngoài ra, khi lựa chọn ca hát để giải trí sẽ giúp người dân quê phần nào xa rời bớt những tệ nạn khác như đánh bài, bầu cua, cá độ, đá gà…

Chú thích ảnh
Ảnh: Internet

Có thể nói hát karaoke với loa “kẹo kéo” tạo ra được không khí văn nghệ, sự gần gũi. Và nhìn ở khía cạnh cộng đồng thì hình thức này cho thấy người dân đang dần sống trong tinh thần lễ hội. Mà lễ hội chỉ xuất hiện mạnh mẽ trong cộng đồng khi mà đời sống của người dân yên ổn về mặt tinh thần và dần khấm khá về mặt thu nhập, vật chất.

Tuy nhiên karaoke “kẹo kéo” dường như không chỉ được hát một - hai buổi, một - hai lần trong những ngày Xuân mà nó được hát bất kể giờ giấc, có thể hát từ sáng sớm đến tận đêm khuya. Cùng với kiểu giờ giấc vô chừng là âm lượng của âm thanh được dùng tối đa, đến nhói tai, tức ngực người nghe, chúng đã thật sự tạo ra sự “ô nhiễm”âm thanh.

Đối với hình thức hát karaoke “kẹo kéo” ở vùng thôn quê này, dường như cơ quan chức năng vẫn chưa có một quy định cụ thể nào để khống chế sự “ô nhiễm” âm thanh mà nó gây ra. Chính điều này thật sự gây nên những ảnh hưởng không nhỏ về mặt tâm lý cũng như mỹ cảm của những người chịu đựng, đặc biệt là trẻ em và người già. Những người hát đại đa số ở độ tuổi “ăn nhậu”, nên sức hát rất sung, nhưng thực tế cho thấy có quá nhiều giọng ca chưa hay, hát phô, hát sai nhạc… thì đúng là màn tra tấn âm thanh với những người không tham gia.

Ấy là chưa kể việc hát những bài hát vượt quá khả năng nhận thức của trẻ em, trẻ vị thành niên - họ ở xa vẫn nghe rõ - dần dần sẽ làm lệch lạc sự phát triển tâm lý, thẩm mỹ. Có lẽ những người đang say mê niềm vui ca nhạc ngày Xuân không lường hết hệ quả sâu xa này nên tiếng hát của họ cứ thế mà… thả ga.

Nếu ngày Xuân ở các vùng quê mà không có nhạc karaoke dạng này thì cũng sẽ thiếu đi một món ăn tinh thần, nhưng với tình trạng hát bất kể giờ giấc và hát từ nhà này qua nhà khác một cách liên miên không dứt thì chẳng khác nào một sự “khủng bố”âm thanhvới rất nhiều người. Bởi thế nên thiết nghĩ những người tham gia tụ tập hát hò vui Xuân cũng nên nghĩ một chút đến những người xung quanh để tiết chế bớt âm lượng, liều lượng, bởi đâu phải cứ hát nhiều mở to hết cỡ là sẽ hay...

Hàng trăm ca sĩ, nhóm nhạc ngừng cho phép sử dụng ca khúc để hát karaoke

Hàng trăm ca sĩ, nhóm nhạc ngừng cho phép sử dụng ca khúc để hát karaoke

Hàng trăm ngôi sao nhạc pop đã cấm không cho phép sử dụng các ca khúc của họ để giải trí, hát karaoke nữa.

Văn Đồng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm