Nhìn Tây dọn mương thối, đừng bắt tôi phải xấu hổ

18/05/2016 07:32 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) -  Ngay khi thông tin về 4 chàng Tây lội xuống mương thối ở Hà Nội để dọn rác, nhiều người cho rằng, chúng ta, những người Việt, nên lấy làm xấu hổ. Nhưng có nhất thiết phải “tự vấn lương tâm” đến mức như thế không?

Không ai phủ nhận, việc làm của 4 chàng Tây cùng với  nhóm tình nguyện vì môi trường Keep Hanoi Clean là rất đáng trân trọng, thậm chí đáng ngưỡng mộ. Những hình ảnh được chia sẻ trên facebook cho thấy họ đã không quản ngại vất vả, thậm chí mặc quần nylon để lội hẳn xuống dòng mương đen ngòm.

Khi công việc dọn dẹp cơ bản được hoàn thành, họ còn trồng cây xanh trên bờ mương và treo khẩu hiệu bằng tiếng Việt: “Vì môi trường Xanh - Sạch - Đẹp, xin đừng xả rác”...


Bốn chàng Tây tình nguyện đã dọn rác và trồng cây. Ảnh: FB

Sau 2 ngày kể từ khi những hình ảnh về họ được chia sẻ, truyền thông rầm rộ vào cuộc, và đã gặp trực tiếp “ông Tây dọn rác” James Joseph Kendall  - là người phát động và duy trì nhóm thiện nguyện. Năm nay 34 tuổi là người Mỹ, đã sống ở Việt Nam được 3 năm nay, rất yêu mến Hà Nội và hiện đang là giáo viên dạy ngoại ngữ tại một trung tâm.

Điều dễ thấy nhất là Keep Hanoi Clean không phải là nhóm tình nguyện vì môi trường duy nhất ở Hà Nội cũng như ở khắp Việt Nam. Năm 2014, giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì Tình yêu Hà Nộicủa Thể thao & Văn hóa cũng đã từng tôn vinh nhóm Nhặt rác Hồ Gươm bao gồm rất nhiều các bạn trẻ làm công việc “vác tù và hàng tổng”.

Còn vô vàn những “hiệp sĩ vì môi trường” khác hàng ngày thầm lặng nhặt rác, nhặt kim tiêm, bóc dỡ các tờ quảng cáo rao vặt trái phép... mà báo chí từng đề cập đến. Trong số đó cũng có rất nhiều những người nước ngoài yêu mến Việt Nam. Bởi thế, tôi cảm thấy khâm phục nhưng không “sốc” trước 4 chàng Tây lội xuống cống thối để nhặt rác.

Bản thân anh James Joseph Kendall, trên báo Lao Động cũng tâm sự rằng, nhóm chỉ “muốn thay đổi suy nghĩ của người dân, muốn được truyền cảm hứng tới mỗi người về công tác bảo vệ môi trường". Rõ ràng họ đâu có muốn “lập chiến công hiển hách” để bắt những người không lội xuống cống như họ phải xấu hổ và quay ra cật vấn lẫn nhau?

Thậm chí, họ cũng không loan truyền thông điệp chỉ trích những người xả rác. “Chúng tôi chỉ biết dọn và không quan tâm đến việc ai là người đã đổ rác, cũng như công sức thuộc về ai” - Anh nói giản dị.

***

Trong khi đó những người đứng trên bờ thì nghĩ sao?

Nhiều người chỉ trích ngay cả facebooker đã đưa những hình ảnh này lên mạng vì cho rằng, tại sao chị không xắn quần lội xuống mương cùng với mấy ông Tây, mà lại đứng chụp ảnh?

Sau khi cật vấn lẫn nhau chê trách người Việt, nhiều người còn hàm ý chê trách chính quyền phường sở tại đã xem nhẹ công tác môi trường để mấy ông Tây phải vào cuộc. Đó là những ý kiến sai lầm, vì trước khi các ông Tây vào cuộc, phường đã tổ chức dọn dẹp vệ sinh, và làm thay đổi căn bản dòng mương thối này, thậm chí đã quây tôn để người thiếu ý thức khỏi vứt rác.

Đám đông luôn có tâm lý đổ lỗi khiến hành động vì môi trường của 4 chàng Tây thay vì truyền cảm hứng hăng say, tích cực cho cộng đồng thì ít nhiều gây ra những sự tị hiềm.

Trở lại với vấn đề ban đầu. Cũng là một người đứng trên bờ nhưng tôi không cảm thấy có gì đáng phải xấu hổ cả.

Mỗi chúng ta có thể “vì môi trường” theo những cách thức khác nhau, mà cách thức thường xuyên nhất, căn bản nhất, chính là tuân thủ theo các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường sinh thái, ủng hộ các phong trào vệ sinh môi trường của cộng đồng

Chúng ta sử dụng tiết kiệm điện, ít sử dụng túi ni lông và rác thải nhựa, chúng ta không vứt rác bừa bãi, và luôn phân loại rác một cách cẩn thận trước khi vứt ra chỗ tập kết rác.  

Mỗi người cần phải hoàn thành bổn phận, trách nhiệm của mình với môi trường, và có quyền tự hào về điều đó. Chỉ có những người xả rác xuống chính cái mương thối đó, hoặc xả rác ở bất cứ nơi nào trên thế giới mới phải xấu hổ.

Bên cạnh việc không xả rác, những ai có điều kiện có thể tham gia các hoạt động cộng đồng vì môi trường để nhặt rác, móc cống như nhóm Keep Hanoi Clean. Nhưng đấy là một việc làm tự nguyện. Facebooker sau khi chụp ảnh 4 ông Tây có thể tiếp tục lên xe đi làm vì chị không thể bỏ dở công việc của mình.

Và tôi tin rằng, sau khi nghe chuyện 4 chàng Tây móc cống, nếu bạn khép cửa phòng lại, tăng nhiệt độ điều hòa lên hoặc tắt máy xe khi dừng đèn đỏ... thì cũng có nghĩa rằng thông điệp vì môi trường của 4 chàng Tây đã truyền được cảm hứng đến bạn.

Niềm cảm hứng ấy rất khác với sự xấu hổ hay sự chỉ trích.

Đông Kinh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm