Nhà văn Trang Hạ: Khi cảnh sát giao thông là… “đặc sản”!

22/09/2012 09:17 GMT+7


“Một nhà quản lý đưa ra những quyết sách thân thiện với người dân, được lòng dân, thì mặc nhiên cũng sẽ chinh phục được cả những người dưới quyền chỉ bằng sự thân thiện và sự cư xử tử tế ấy. Bởi nói cho cùng, bên trong bộ cảnh phục cũng là một người dân. Chứ không nhất thiết là quyền lợi đó, anh CSGT được hưởng, thì anh mới "lại quả" sự tử tế cho người dân đâu!”

* Nghe bảo hôm trước chị vừa bị cảnh sát giao thông (CSGT) tuýt còi à? Chắc tại vừa đi đường vừa làm thơ chứ gì?

- Đâu có! Rõ ràng lúc đó mình đã bật xi-nhan để rẽ phải, và thề là vừa tắt xong, nhưng người thổi còi (đứng cách đó chừng 50 mét) lại cứ khăng khăng cho rằng chị quên bật xi – nhan…

* Vậy cuối cùng sao?

- Thì ngoan ngoãn nộp tiền phạt để còn đi cho kịp việc chứ sao nữa!


* Ô hay, văn chương thơ phú đâu mà lúc đấy không đem ra trổ tài?

- Thôi, đứng giữa đường xin xỏ buồn cười lắm! Nói thật là thỉnh thoảng nhìn thấy cảnh người vi phạm giao thông (hay chưa chắc đã vi phạm, như chị) đứng đôi co với CSGT, chị thấy vừa tội nghiệp cho các chủ xe, vừa tội nghiệp cho CSGT…

* Làm sao mà phải tội?

- Vì nếu CSGT có thiết bị hỗ trợ, thì họ chả cần phải chường mặt ra làm gì, họ chỉ xuất hiện ở đúng nơi họ cần xuất hiện mà thôi! Ví dụ: Thay bằng súng bắn tốc độ hay gây tranh cãi về sự chính xác, họ có thiết bị điện tử có màn hình hiển thị, có máy ảnh chụp tự động lúc xe quá tốc độ (cái này nước ngoài nhiều vô số). Kể cả những lỗi vặt như đỗ xe trái lề đường, rẽ sai làn... cũng đều giơ bằng chứng ra là hết cãi!

* Thôi ngồi đợi cái quả “camera giấu kín” ấy có khi bạc tóc! Em có cách này hay hơn này: Chuyển vào Đà Nẵng mà sống cho lành, chị ạ!

- Đà Nẵng có “đặc sản”… camera à?

* Tưởng chị thạo tin lắm cơ mà? Không biết dân tình mấy hôm nay xôn xao trước gương “người tốt việc tốt” ở Đà Nẵng sao?

- À, cái vụ CSGT chỉ đường giúp khách ngoại tỉnh trót đi nhầm vào đường cấm chứ gì? Nhớ rồi! Nhưng mà em có chắc bài báo đấy là sự thật không đấy?

* Chị này! Mới bị phạt oan một lần mà đã vội mất lòng tin vào CSGT đến thế sao?

- Không phải, mà bây giờ chị giữ thói quen là đọc báo chỉ tin một nửa thôi, chứ cứ tình trạng thế này, chẳng biết đường nào mà lần: Hôm nay - tin sửng sốt, ngày mai - thực hư tin sửng sốt, ngày kia - không có cơ sở về việc đó…

* Chị nghi vụ này có mùi PR sao?

- PR cho cảnh sát giao thông làm gì nhỉ, khi bản thân mỗi chiến sĩ CSGT là một cái banner quảng cáo khổng lồ trước đám đông dân chúng mỗi chiều qua ngã tư? Cứ nhìn là thấy ngay, cần gì phải đọc báo!

* Thì đấy, thế nên cũng có người nghi Đà Nẵng làm du lịch khéo: đến CSGT cũng… làm du lịch, chiều khách ngoại tỉnh đến thế là cùng!

- Nghi ngờ đó nếu đúng thì càng giúp Đà Nẵng thêm điểm chứ sao! Bởi lúc này nhắc đến Đà Nẵng, người ta không chỉ nhắc đến Non Nước, Bà Nà… mà còn cả các “đặc sản” mới như… Bí thư Nguyễn Bá Thanh và… CSGT! Chị không tin chỉ mỗi vụ “dẫn đường cho khách ngoại tỉnh” là đủ khiến một người đàn ông mang sắc phục trở thành thần tượng của cư dân mạng đâu!

Nhưng  chị lại tin rằng, một nhà quản lý đưa ra những quyết sách thân thiện với người dân, được lòng dân, thì mặc nhiên cũng sẽ chinh phục được cả những người dưới quyền chỉ bằng sự thân thiện và sự cư xử tử tế ấy. Bởi nói cho cùng, bên trong bộ cảnh phục cũng là một người dân! Chứ không nhất thiết là quyền lợi đó, anh CSGT được hưởng, thì anh mới "lại quả" sự tử tế cho người dân đâu!

* Đà Nẵng sắp mất “độc quyền” đến nơi rồi đó chị, vì nghe đâu mô hình sắp được nhân rộng rồi! Thấy bảo Hà Nội mình mà giờ các chiến sỹ ra đường lúc nào cũng có một cuốn cẩm nang bỏ túi màu vàng (được lưu hành nội bộ) có tên là: “Quy tắc ứng xử và văn hóa giao tiếp của lực lượng CSGT Hà Nội” nhé, oách không!

- Oách thì bao giờ chả oách! Nhưng chị thì chị tin CSGT không phải là những người, vì thiếu sách để đọc, mà một bộ phận trong số họ mới cư xử thiếu lịch sự và gây bất bình trong dân chúng, tới mức trở thành một định kiến như thế! Bản thân mỗi CSGT đều biết điều gì nên/phải làm, điều gì có/không có trách nhiệm. Có điều là họ có muốn làm hay không mà thôi! Để khơi lên sự thiện tâm và trách nhiệm con người với con người (không chỉ ở CSGT nhé!) thì vài trang giấy là chẳng đủ. Nên phải có hẳn một tấm gương soi và tấm gương đó đặt ở “tòa thị chính” thì tốt! Để đến một lúc nào đó, bản thân anh CSGT cảm thấy CSGT là tên gọi của một niềm vinh dự, chứ không phải là chức vụ nghề nghiệp, thì khi ấy, hình ảnh CSGT tốt bụng tử tế sẽ bị... “mất giá trị” ngay lập tức! Bởi đến lúc đó, cái mà chúng ta đang xuýt xoa cho rằng nó quá đỗi "phi thường" cũng sẽ trở nên quá bình thường, và tất yếu!

Theo Đẹp

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm