Nguy cơ của tâm lý 'ăn xổi ở thì'

26/12/2018 06:59 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Gần đây, trên các trang báo về kinh tế, nông nghiệp của nước ta đăng những bài viết, phóng sự về việc người dân huyện Thăng Bình, Quảng Nam ồ ạt chặt cây dó liệt trong rừng đem bán cho thương lái chỉ vì giá cao mà không biết nó có công dụng gì.

Kỷ luật các cán bộ kiểm lâm để xảy ra phá rừng ở Quảng Nam

Kỷ luật các cán bộ kiểm lâm để xảy ra phá rừng ở Quảng Nam

Ông Trần Lanh bị cách chức do không hoàn thành nhiệm vụ quản lý, điều hành mà không có lý do chính đáng, để xảy ra hậu quả nghiêm trọng trong vụ phá rừng trái phép tại xã Tà Pơ và xã Chà Vàl, huyện Nam Giang.

Điều đáng nói là cây gió liệt lớn bé đề được chặt trụi, đào cả gốc rễ để đem bán, loài cây này đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Hiện tượng những người tham gia khai thác cây dó liệt một lần nữa làm dấy lên mối quan tâm của xã hội đối với căn bệnh tâm lý thuộc loại nan y: bệnh “ăn xổi ở thì”.

Ăn xổi ở thì” là thành ngữ chỉ cách sống chỉ tính đến chuyện tạm bợ trước mắt mà không tính chuyện lâu dài, không cân đo đong đếm thiệt hơn một cách bền vững (“xổi” chỉ sự sơ sài, “thì” mang nghĩa tức thì, giai đoạn). Người ta dùng thành ngữ này chỉ với một mục đích mang hàm ý chê bai, lên án lối sống chỉ biết cái lợi trước mắt mà quên cái hại sau lưng.

Chú thích ảnh
Ảnh: Internet

Chỉ mang nghĩ chê bai tiêu cực là vậy, nhưng khi quan sát đời sống hiện nay, có lẽ những ai quan tâm sẽ phát hoảng vì thấy việc “ăn xổi ở thì” đã trở thành một căn bệnh xã hội khá phổ biến.

Trước câu chuyện khai thác cây dó liệt ở Quảng Nam chưa nguội, thì mới đây ai cũng phải lắc đầu ngao ngán khi thấy nhiều hộ dân ở miền Tây, tăng diện tích nuôi cá tra một cách ồ ạt từ đất trồng lúa chỉ vì thấy giá cá tra nguyên liệu tăng mà bất chấp các văn bản khuyến cáo nguy cơ thua lỗ của cơ quan chức năng.

Dường như những bài học nhãn tiền về trái thanh long ở Bình Thuận bị chặt phá hàng loạt do mất giá không ai thu mua; xe chở dưa hấu, ớt xếp dài ở các của khẩu biên giới phía chờ hư thối vì không được xuất khẩu, những vườn chanh dây giá từ hơn 50.000 đồng/kg giờ còn dưới 10.000 đồng/kg… vẫn chưa đủ là lời cảnh báo thiết thực cho những người muốn thu lợi kinh tế trước mắt, chạy theo số đông để rồi nhận lấy những thất bại cay đắng.

Không chỉ dừng lại ở mức độ thiệt hại kinh tế, mà có trường hợp nó còn di hại đến những vấn đề lớn hơn, như ảnh hưởng môi trường và sức khỏe của chính con người.

Việc khai thác vô tội vạ cây dó liệt ở Quảng Nam giờ đây đã cho thấy nguy cơ tận diệt của loại cây này ở địa phương đã cận kề. Tận diệt cây dó liệt chắc chắn sẽ ảnh hưởng sự đa dạng sinh học của địa phương. Điều này chắc hẳn những người vào rừng đốn chúng không nghĩ đến hoặc giả như có nghĩ thì cũng tự phớt lờ.

Hay như việc nuôi cá tra ồ ạt đang đặt các địa phương này trước thách thức về việc ô nhiễm môi trường nước. Nước là môi trường sống của các loài thủy sản, nhưng đó cũng chính là nguồn sống thiết yếu của con người. Thiệt hại kinh tế đã đành, nhưng nguồn nước bị ô nhiễm thì bao lâu và phương pháp nào giúp nó được phục hồi trở lại?

Nhìn lại, có thể thấy tâm lý “ăn xổi ở thì” như trên vốn xuất phát từ lòng hám lợi và ý thức còn kém cỏi. Muốn thay đổi được ý thức này có lẽ cần một sự vào cuộc dài hạn của cả xã hội mà đặc biệt là ngành giáo dục.

Thay đổi nhận thức và tư duy, cùng việc nâng cao dân trí từ gốc rễ có lẽ là liệu pháp dài hạn và giúp hạn chế tối đa nhất căn bệnh nguy hiểm này. Nếu không, thì không riêng gì những người hám lợi kia mà cả xã hội cũng sẽ nhận những “cái giá” cay đắng đến không tưởng.

Vô Ưu

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm