Nghệ thuật thì không phân biệt già hay trẻ

29/07/2014 08:44 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Hôm rồi bà chủ sắm bộ đồ kiểu “cưa sừng làm nghé”, tôi nghe ông chủ buông một câu: “Già còn đua đòi”. Bà chủ cãi: “Tuổi em mà tham gia Giai điệu tự hào vẫn vào hội đồng trẻ đấy nhé”.

Chỉ chờ có thế, ông chủ trêu: “Đúng rồi, vì anh thấy cái hội đồng trẻ đó cũng chẳng trẻ mấy”. Bà chủ giận, không thèm nói nữa. Phần vì ông chủ dám giễu chương trình truyền hình yêu thích của bà.

Nhưng kể cũng lạ, khi đối lập với chữ “trẻ” của hội đồng bình luận trẻ lại là chữ “lớn tuổi” của hội đồng bình luận lớn tuổi, chứ không phải chữ “già”. Bà chủ để ý, trong các hoạt động văn hóa, chữ “già” thường bị né tránh. Ngày thơ Việt Nam chẳng hạn, bên cạnh sân thơ “trẻ” là sân thơ “truyền thống”, nghe cũng đáng kính như chữ “lớn tuổi” vậy.

Nhưng cũng có lý, chữ “già” dùng như vậy không chính xác. Chương trình Giai điệu tự hào nhấn mạnh vào khác biệt tuổi tác, mới cũ, tương tác ý kiến nhiều thế hệ. Nhưng những người ngồi ở hội đồng lớn tuổi có khi không già, còn những người ở hội đồng trẻ nhiều khi không hẳn trẻ. Thế mới lạ!

Tuần rồi, người ta cãi nhau mãi về ý kiến của PGS Nguyễn Thị Minh Thái, khi bà chê Anh Thơ hát Xa khơi không hay bằng cố nghệ sĩ Tân Nhân ngày trước. Trong bình luận của mình, PGS Minh Thái nói khá hay về ý nghĩa của Xa khơi, rằng người nghe có thể cảm nhận nỗi đau chia ly của người vợ ngư dân tiễn chồng đi biển, nỗi đau chia ly của tình yêu, mà không cần phải có trải nghiệm cá nhân về việc đó... Ý kiến này tạo nên tranh cãi ngay trong chương trình và trên mạng xã hội mấy hôm nay, và vẫn là một cuộc tranh luận mở.

Thực ra, tranh cãi “Ai hát hay hơn ai?” chỉ là phụ nếu so với ý nghĩa của ca khúc, với tư cách một tác phẩm nghệ thuật. Ý nghĩa đó vô tình bị làm nhòa đi trong các cuộc tranh luận, nhiều khi bị hội đồng trẻ đẩy đi lan man bằng những liên tưởng không mấy liên quan.

Chẳng hạn, nhà văn Trang Hạ khi bình luận về ca khúc Bài ca năm tấn lại lái sang chủ đề… kinh tế, rằng con trâu là biểu hiện của sự nghèo đói như thế nào. Nhiều khi, những liên tưởng về thời đại, xã hội như vậy che mờ cảm nhận nghệ thuật về một bài hát hay.

Lồng ghép cho một bài hát quá nhiều ý nghĩa chính trị xã hội thời sự, người ta bỏ quên một thứ có thể kết nối các thế hệ già - trẻ: khả năng cảm nhận một bài hát hay bằng cảm xúc của chính mình. Chuyện gì thời sự rồi sẽ cũ, nhưng cảm xúc trước nghệ thuật thì không.

Vài nhà bình luận trẻ trong Giai điệu tự hào say sưa nói về sự lỗi thời của một bài hát so với thời đại này, tự cho thế hệ mình là trung tâm. Hành động này chẳng khiến họ trẻ hơn, mà nói như một bài viết đăng trên trang web Bài ca đi cùng năm tháng: “Chính những thanh niên có suy nghĩ đó mới thực sự là những người cổ hủ, cũ kỹ và già cỗi khi thân thể còn chưa già”.

Remote
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm