Ngẫm ngợi cuối tuần: Tây Bắc mùa ... lũ quét

12/09/2015 05:33 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Tôi vừa đi Sơn La theo đường Phù Yên, Bắc Yên, đất Nghĩa Lộ xưa. Đường mở mang tốt hơn trước đây rất nhiều. Nhưng đường bám men chân núi, mùa mưa này chỉ sau một cơn lũ xối là đang tốt thành xấu như bỡn.

1. Những chuyến đi núi mùa mưa luôn chứa đầy hiểm họa. Con đường trông hiền hòa lành lặn nhưng chỉ mươi phút bị phá nát vì một cơn lũ hoặc cơn núi lở là chuyện thường.

Hai đoạn đường bị đứt vì cơn lũ ống về đêm 4/9 ở Bắc Yên, cuốn đi mấy căn nhà bên rìa khe nước. Nghe bảo mưa tầm tã có hơn một giờ mà cơn lũ ống rê theo nó cả những hòn đá to bằng nửa cái xe taxi.

Nhà trôi theo lũ, kéo theo người, và cả con trâu “đầu cơ nghiệp”, cùng những thùng ong nuôi tung tóe. Không có người  đủ tin cẩn để hỏi số người bị cuốn trôi. Lũ về giữa đêm, có  khi chính  người bị cuốn trôi cũng không biết!

Quãng đường trước đó, ở đoạn Thu Cúc, chặng cuối trên đất Phú Thọ sang đất Nghĩa Lộ mấy người bạn đi cùng trên xe cứ xuýt xoa: Tây Bắc thanh bình quá, Tây Bắc quả là mơ mộng bình yên... Thì bây giờ đứng chết lặng bên quãng đường bị nước xắn đứt đôi như chiếc bánh tẻ bị mấy nhát dao vụng về băm nham nhở!.

2. Đứng dưới chân đường, ngước nhìn lên sườn núi, thấy ngô ken dày, lá đang chuyển sang màu vàng khô, bắp đã vào sữa chắc hạt, thu hoạch được rồi. Nhưng những vạt ngô miên man men bên sườn núi dài hút mắt cũng không đủ sức chặn nước, giữ nước trên mặt đất như rừng già xưa kia, nên giờ hàng năm lũ nhiều không thể thống kê xuể. Hầu như cứ mưa là có lũ!

Vào mùa mưa bão, lũ ống ken đầy các tỉnh miền núi từ Sơn La, Lai Châu, Điện Biên đến Lào Cai, Hà Giang, Bắc Cạn, Cao Bằng…

Nói như vậy không phải lũ ống, lũ núi là đặc sản của thời phá rừng. Nói thế chỉ đúng một phần. Khi xưa cũng có lũ ống, lũ bùn, lở núi cũng có. Xưa kia cũng có những trận mưa núi kéo liên miên mấy ngày trời, đất nhũn ra như cháo, gốc cây lỏng ra, chỉ cần một lực nhỏ tác động là cây đổ, nửa quả núi rùng mình trôi xuôi như có chân ở dưới...

Nhưng nay rừng bị mất, độ giữ nước của cây canh tác thấp, nước chưa kịp ngấm đã trôi xuôi vào khe rãnh, tạo thành những quả bom nước, nó thu gom thêm đất đá khi di chuyển nên có sức công phá kinh hoàng ..

3. Con người hiền lành nhưng khi lâm vào chuyện ức chế thường cục tính, họ có thể làm những việc hung hãn mà bình thường không nghĩ ra. Thiên nhiên cũng vậy, núi rừng sông nước miền Tây Bắc thật hiền hòa mơ mộng đầy chất thơ.

Nhưng chỉ sau một ngày mưa, hai ngày mưa là tất cả vỡ òa. Lúc ấy rừng núi mang bộ mặt khác, hung hãn đến tột độ, nước cuốn trôi tất cả những gì là vật cản trên đường.

Cho nên nói miền Tây Bắc hiền hòa thơ mộng cũng chỉ mang tính tương đối. Tây Bắc, mùa mưa nào cũng dăm đoạn đường bị đứt, dăm chỗ núi lở và vài nhà cùng với người và gia súc bị nước cuốn trôi. Hiểu thế để đỡ giật mình!

Bài và tranh minh họa: Đỗ Đức (họa sĩ)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm