Nào bàn, nào ghế, nào sách, nào vở...

29/06/2011 14:43 GMT+7

(TT&VH) - Sau bao năm rời mái trường phổ thông, nhưng mỗi lần nhớ về nó là trong đầu tôi lại vang vang bài hát cuối giờ: “Em yêu trường em/Biết bao bạn thân/Là cô giáo hiền.../Nào bàn, nào ghế, nào sách, nào vở/...”. Đơn giản vì cô bé quản ca trong lớp hôm nào cũng “hai, ba” để bắt cả lớp phải hát bài đó.

Ảnh minh họa - Nguồn: Internet

1. Mà yêu trường em, thì ngoài biết bao bạn thân hoặc không thân, cô giáo hiền hoặc nghiêm khắc, thì chính là yêu cái bàn, cái ghế. Một tình yêu phải nói là thô sơ, mộc mạc và lem nhem như chính những cái bàn, cái ghế học trò. Cái bàn cái ghế thời đó, cho đến bây giờ, trong hình dung của tôi, chúng vẫn là những vật thể hết sức to lớn, kềnh càng, nâu bóng vệt mồ hôi của không biết bao nhiêu thế hệ học sinh. Chúng tôi cấp 1 học buổi chiều. Các anh chị cấp hai học buổi sáng. Cái bàn, cái ghế, dĩ nhiên là không thể vừa cho cả hai cấp và nó thường được đóng to lớn để “bù trừ” cho sức lớn của học trò. Mặt bàn có hai dạng. Dạng phẳng như bàn làm việc hiện đại, hoặc dạng dốc như mái đê, nhưng dù dạng nào thì đó cũng là sản phẩm của những anh thợ mộc tồi được chắp ghép cẩu thả bởi những ván gỗ đầu thừa đuôi thẹo, hoặc lởm khởm, vênh váo... những khe hở ở giữa bàn lớn đến nỗi có thể giấu cả cái bút trên mặt bàn.

Nhớ nhất là cái bàn năm lớp 2 của tôi. Nó cao đến nỗi cô bạn nữ ngồi đầu bàn thường phải kê một miếng gỗ ở dưới mông, bởi nếu không phải nhổm lên để viết, thế mà mỗi khi viết, cô bé ấy thường phải ghé sát mặt vào quyển vở, mái tóc cắt hoa sen rủ xuống chạm cả vào trang sách (kiêm luôn tác dụng “che” không cho đứa khác “nhòm bài”. Cô giáo ghét nhất là đứa nào hay nằm bò ra bàn để viết, trong đó có tôi, có lẽ cũng vì ngồi dướn lên rất dễ mỏi lưng...

2. Ôn nghèo kể khổ một chút, để thấy ý nghĩa của việc lần đầu tiên Bộ GD&ĐT, Bộ KH&CN, Bộ Y tế phối hợp ban hành thông tư về tiêu chuẩn bàn ghế trong trường học. Theo đó, bàn ghế được thiết kế tối đa không được quá hai chỗ ngồi, có chỗ để đồ dùng học tập. Tùy theo lứa tuổi học sinh mà ghế có thể thiết kế có tựa sau hoặc không có tựa sau phù hợp. Màu sắc bàn ghế đảm bảo tính thẩm mỹ. Đặc biệt, để đảm bảo an toàn cho học sinh, các góc, cạnh của bàn ghế phải nhẵn...

Với tất cả những tiêu chuẩn ấy, so với bàn ghế của trường lớp thời những năm 80, 90 của thế kỷ trước, thì có lẽ xứng đáng là “bàn ghế trong mơ”, “ngôi trường trong mơ”. Không chỉ thỏa mãn các tiêu chí về an toàn, thẩm mỹ, mà bàn ghế đúng tiêu chuẩn còn bảo vệ sức khỏe của học sinh, nhất là khi kết quả điều tra cho thấy có một lượng lớn học trò cong vẹo cột sống, cận thị... do ngồi bàn ghế không đúng quy cách.

3. Thế nhưng, nếu so những bàn ghế thời chúng tôi những năm 80, 90 của thế kỷ trước với một số ngôi trường “tranh tre, nứa lá” ở một số vùng sâu, vùng xa mà báo chí nói đến thời gian qua... thì vẫn còn là “bàn ghế trong mơ”, “ngôi trường trong mơ”. Đó là những phòng học tạm bợ, thậm chí như cái... chuồng trâu, với bàn ghế gá lắp tạm bợ, xiêu vẹo.

Thông tư này sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/8/2011, có thể nói là một bước “chuẩn hóa” nữa tiếp theo kế hoạch kiên cố hóa trường lớp. Nhưng chả biết đến bao giờ mới “chuẩn hóa” hết được giáo dục phổ thông, từ cơ sở vật chất, đến con người - bởi chuẩn hóa “thầy”, “trò” và việc học hành thi cử, sách giao khoa mới là cốt tử, khi mà phong trào “hai không”, “bốn không”... đang gặp nhiều thách thức.

Đông Kinh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm