'Kỹ năng' khiêng bàn ghế

01/09/2016 06:41 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Bỏ qua những ý kiến đối lập nhau chan chát về clip học sinh tiểu học phải khiêng bàn ghế ở trường tiểu học Phước Đồng (TP Nha Trang, Khánh Hòa), tôi mở clip đó ra và xem đi xem lại rất kỹ.

Cảm nhận đầu tiên của tôi về cảnh lao động này là sự lộn xộn và thiếu tổ chức, mặc dù thầy hiệu trưởng có nói rằng có giáo viên hướng dẫn. Nhiều em học sinh tiểu học có vẻ như hơi quá bé nhỏ so với chiếc bàn (khá dài) và độ dốc của chiếc cầu thang, nên di chuyển khá ì ạch. Ngay trong cảnh đầu tiên, tôi đã thấy rất nhiều sách vở bị trôi tuột ra khỏi ngăn bàn khi các em khiêng nó đến chiếu nghỉ.

Có chiếc bàn được 4-6 em khiêng, có chiếc chỉ có 2 em. Có chiếc khiêng đứng, có chiếc thì lật ngửa lên khiêng. Có em khiêng cao, có em khiêng thấp, hoặc vừa cao, vừa thấp (do không phối hợp với nhau)... Chỗ tập kết bàn ghế dưới sân trường cũng khá lộn xộn...

***

Ai cũng biết, lao động là vinh quang. Hơn nữa, đây là lao động để làm đẹp cho trường lớp (tức là có mục đích bất vụ lợi), thời gian lao động, theo thầy hiệu trưởng phân trần, chỉ có 30 phút, thì cũng không phải là quá mệt nhọc.


Thầy giáo chỉ dẫn học sinh làm việc

Ai cũng biết rằng, học sinh đến trường, ngoài học tập tốt ra cần phải "lao động tốt". Những học sinh ở nông thôn một vài chục năm trước vẫn có các buổi lao động định kỳ trong trường (dọn dẹp vệ sinh, chăm sóc cây cối, hoa màu...). Thời xa hơn nữa thì còn phải tăng gia sản xuất, sửa chữa trường lớp (như nhiều bạn đọc đã comment kể lại kỷ niệm phải đi đánh ranh, dặm mái cho ngôi trường dột của mình hoặc buộc lại hàng rào ngăn trâu bò vào trường)...

Về nhà, các em cũng phải đi nhặt giấy vụn, mảnh chai, đồng nát để làm... kế hoạch nhỏ. Đó là chưa kể đến các em nhà nghèo, phải phụ giúp gia đình đủ thứ như một nhân lực lao động thực sự.

Nói chung, học trò cần phải tham gia lao động. Song tùy vào từng thời kỳ, hoàn cảnh mà có những công việc phù hợp cho các em. Điều quan trọng là các buổi lao động công ích ấy phải được tổ chức gọn gàng, chặt chẽ phù hợp với kỹ năng, sức khỏe, tâm sinh lý của các em. Nhờ đó, các em có thể tham gia một cách hào hứng, phấn khởi, để từ đó, không những tạo ra những giá trị lao động nho nhỏ cho nhà trường mà còn giúp cho chính các em hoàn thiện thể lực, nhân cách.

Ngược lại, nếu bắt các em lao động quá sức, hoặc bắt làm những việc không phù hợp với kỹ năng của mình, khiến các em lúng túng, mệt mỏi, ca thán... thì lại là lạm dụng sức lao động của trẻ em (thậm chí theo triết học có thể gọi là "sự tha hóa của lao động").

***

Trở lại với buổi lao động khiêng bàn ghế. Như trên đã phân tích, mục đích của việc lao động là tốt đẹp. Phụ huynh nên ủng hộ.

Nhưng qua những gì mà clip ghi lại, có thể thấy lao động này khá "phức tạp" trong khi khâu tổ chức còn chưa thực sự chu đáo. Ai đã từng bê đồ đạc cồng kềnh lên xuống gác rồi đều phải "tởn đến già", vì lúng túng, sơ sẩy ra cái là có thể va quệt vào cầu thang, sứt tay, mẻ chân như bỡn. Vì thế, lo ngại của phụ huynh là có lý do, nhất là khi họ nghĩ rằng, con em họ chưa có "kỹ năng" để thực hành công việc đó.

Thời nay, trẻ nhỏ được o bế đủ thứ, nào đã sẵn sàng cho các công việc lao động đâu. Trên mạng cũng có những comment bày tỏ lo ngại rằng, giả dụ như có tai nạn xảy ra thì ai chịu trách nhiệm? Lo ngại này cũng không phải là suy diễn.

Sự việc, đúng ra, không có gì căng thẳng, to tát đến mức phải mời công an xã "phân xử". Buổi lao động cũng kết thúc êm đẹp. Và sẽ tốt hơn, nếu như những người lớn sớm cảm thông, chia sẻ với nhau để cùng xúm vào khiêng đỡ các em.

Clip học sinh tiểu học khiêng bàn ghế ở trường tiểu học Phước Đồng (TP Nha Trang, Khánh Hòa):


Đông Kinh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm