Góc nhìn 365: Cơ hội sau đại dịch

09/06/2020 07:09 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 05/6/2020, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 77- KL/TW về chủ trương khắc phục tác động của đại dịch COVID-19 để phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước.

Góc nhìn 365: Không ai bị bỏ quên

Góc nhìn 365: Không ai bị bỏ quên

Một thông tin đặc biệt giữa thời điểm dịch bệnh: những ngày qua, dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 đã được đưa ra thảo luận và đạt được sự thống nhất cao. Dự kiến, sau khi được bổ sung ý kiến và hoàn thiện, dự thảo này sẽ được ký ban hành trong thời gian tới.

Đáng chú ý, trong số những nhiệm vụ, giải pháp được đặt ra trong việc phát triển kinh tế, xã hội giai đoạn “hậu Covid-19”, các yếu tố về kinh tế số, xã hội số đã được nhắc tới tại kết luận.

Cụ thể, đó là việc “đẩy mạnh phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, đổi mới sáng tạo và ứng dụng khoa học công nghệ. Tập trung nguồn lực để phát triển một số nền tảng công nghệ dùng chung, các hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia cốt lõi; bảo đảm hạ tầng kỹ thuật an toàn, an ninh thông tin.”

Thực tế, những khái niệm về kinh tế số hay xã hội số vốn không mấy xa lạ.

Ngay từ đầu thập niên 2000, khi Internet và công nghệ thông tin bắt đầu phát triển mạnh tại Việt Nam, chúng ta cũng đã nói tới những kỳ vọng về một kỷ nguyên số - kỷ nguyên của công nghệ thông tin với những ứng dụng rộng rãi để tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn cho mỗi doanh nghiệp, hiệu quả lớn hơn cho mỗi mô hình quản lý hay cơ hội lớn hơn cho phương thức sống, làm việc của mỗi người dân bình thường.

Và, cùng với xu thế chung của thế giới, 2 thập niên qua cũng là giai đoạn, công nghệ số - đặc biệt là các giao dịch điện tử tiến hành thông qua Internet - tất yếu xuất hiện tại Việt Nam trong nhiều lĩnh vực.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa

Thế nhưng, từ những gì đang có, việc ứng dụng công nghệ số và hệ thống dữ liệu để làm nền tảng vận hành rộng rãi cho mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội vẫn là một chặng đường dài. Ở chặng đường ấy, rất nhiều lần, chúng ta đã được nghe các chuyên gia nhắc tới những thiếu hụt đặc thù của Việt Nam về hạ tầng số, về hệ thống dữ liệu quốc gia - địa phương - toàn cầu hay về nguồn nhân lực chất lượng cao.

Và tất nhiên, cũng không thể bỏ qua rào cản từ thói quen của một nền kinh tế vẫn được vận hành theo kiểu “truyền thống” hoặc từ những hạn chế về tầm nhìn - điều tất yếu ở một quốc gia “đi sau” về công nghệ như Việt Nam.

Trong bối cảnh ấy, không có gì lạ khi vấn đề phát triển kinh tế số, xã hội số lại được đặt ra như một nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn “hậu Covid -19”. Bởi, một cách tự nhiên, chuỗi thời gian chống đại dịch vừa qua lại là cơ hội giúp chúng ta nhìn rõ hơn năng lực của mình trong lĩnh vực này.

Đó không chỉ là câu chuyện về khả năng phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin của Việt Nam để chống dịch bệnh, với hàng loạt phần mềm vừa được tự phát triển như phần mềm khai báo y tế tại cửa khẩu, phần mềm khai báo y tế tự nguyện NCOVI, phần mềm dự báo dịch bệnh, hệ thống báo cáo phục vụ ban chỉ đạo... (Trong đó, có những sản phẩm phần mềm được tạo ra với thời gian ngắn kỷ lục, tính bằng giờ).

Xa hơn thế, chúng ta đã được chứng kiến sự “nhập cuộc” cùng công nghệ số ở nhiều lĩnh vực khác - khi mà để tuân thủ các yêu cầu của việc giãn cách xã hội, hàng loạt chương trình học tập trực tuyến, chăm sóc y tế trực tuyến, tổ chức sự kiện “ảo” hay hội chợ “online”… đã nối nhau xuất hiện và nhanh chóng trở thành một phần của nhịp vận động trong cuộc sống ngày thường.

Có nghĩa, những ranh giới của thói quen “truyền thống” không cấm nổi chúng ta hòa vào một xã hội số đang phồn thịnh hơn bao giờ hết trên thế giới. Ở đó, một cách tự nhiên, cuộc chiến đấu với đại dịch Covid-19 trở thành bệ phóng để xã hội số vượt qua những định kiến sẵn có và lên ngôi.

Không phải ngẫu nhiên, nhiều chuyên gia đã khẳng định: Chuyển đổi số là một cuộc cách mạng về chính sách và thể chế nhiều hơn là một cuộc cách mạng về công nghệ. Và, với những gì được nhắc đến trong Kết luận số 77- KL/TW của Bộ Chính trị, chúng ta lại càng có những lợi thế rất lớn để tập trung tạo ra sự thống nhất của toàn xã hội trong lĩnh vực này.

Sơn Tùng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm