Ghi học bạ

25/12/2010 13:47 GMT+7

(TT&VH) - Hôm trước thấy một bạn đưa lên blog ảnh chụp lại những trang hồ sơ học bạ với mấy dòng lo xa rằng: để làm tư liệu cho con khi lớn lên rút kinh nghiệm! Thấy lạ, tôi tò mò đọc lời nhận xét của thầy: “Học giỏi nhưng hay nói chuyện riêng trong lớp, hay cãi”. Cãi là cách nói thuở ấy, thực ra nó nằm trong khái niệm “tranh luận” bây giờ.

Đọc xong thấy ớn tưởng có ai đó đang nhòm sau lưng mình, vì học bạ mình ngày xưa cũng y thế. Thầy chủ nhiệm của mình còn ghi thêm câu: “Trò hay tỏ ra kiêu ngạo”. Mình đau khổ vì không thể tẩy xóa lời thày phê, nên một lời ngắn ngủi thế mà nhớ đến bây giờ.


Nói chung các thầy giáo chỉ thích những trò ngồi thẳng, hai tay đặt thẳng lên bàn, mắt nhìn thầy, nghe giảng phải như hớp lấy từng lời hoặc chăm chú nhìn lên bảng đen mắt chớp xúc động khi có câu văn hay hoặc sáng lên khi hiểu các công thức toán học thầy giảng. Chắc chắn như thế sẽ được ghi học bạ: “trò ngoan”. Đứa ngủ gật trong lớp không nghe được gì nhưng cũng không bị ghét bằng đứa nói chuyện riêng lại hay cãi!


Trò ngoan thường nhiều hơn đứa hay cãi và hay nói chuyện riêng. Những trò ngoan như thế sau này dễ đi xa làm nên vì biết lắng nghe cho dù chưa thấu hiểu. Quen nghe và không biết hoặc không dám cãi lại chừng mực nào đó cũng là ưu điểm đáng khích lệ. Nhưng thói quen đó có thể triệt tiêu sáng kiến sáng tạo, biến anh thành hòn bi ve tròn trặn. Nhưng như thế thì đời nó thuận.

Những đứa quen nói chuyện là những đứa tinh nghịch, ra đời thường gian truân, vì hay cãi, hay bày ra lắm trò, không dễ thỏa mãn nên dễ bị ghét. Đến cả làm nghề “thầy cãi” mà  gặp ông chánh tòa giống tính thầy giáo, không cho cãi đến cùng, hoặc cãi đúng cũng không nghe thì “thầy cãi” cũng còn thua! Cho nên đừng có ảo tưởng cái tính hay nói chuyện riêng, hay cãi là có thể đi làm “thầy cãi”, tức luật sư sau này. Cho nên đám trò hay cãi ra đời chỉ có thể làm văn học nghệ thuật tự do để thỏa mãn cái thói bày vẽ mất trật tự. Cũng có thể làm các nghề tự do khác hoặc nghiên cứu độc lập nào đó thì tha hồ mà sáng tạo chứ vào cơ quan mà gặp thủ trưởng quen làm việc theo kiểu thầy giáo thì không thể ngóc đầu lên được, nếu có vào rồi thì cũng sớm bị sa thải.

Thầy dạy làm người, nhưng nhiều khi thầy muốn trò làm người một cách “tròn trặn”.

Thế mà trước đây phỏng vấn riêng tư lũ trẻ từ đứa ngoan đến đứa nghịch, nhiều đứa ước mơ làm thầy giáo. Kể cả đứa hay nói chuyện riêng hay đứa nghịch thì rồi thì khi ra làm thầy, cách “trị” học sinh cũng giống nhau, không thích đứa nghịch ngợm, chỉ yêu đứa biết nghe lời dù có kém một tí.


Và xã hội cũng vậy, nhiều ông quan không thích nghe cãi, ghét bọn “nói chuyện riêng” vì chẳng biết chúng nói chuyện gì, có khi nó đang chống lại mình. Đã riêng thì làm gì có chung nữa, các quan thầy giáo luôn nghĩ thế!
Bài và tranh minh họa: Đỗ Đức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm