Dòng máu của những anh hùng

13/06/2011 14:01 GMT+7

(TT&VH) - Tôi rất xúc động khi trong bài phát biểu tại “Lễ tôn vinh 100 người hiến máu tiêu biểu toàn quốc năm 2011”, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan dùng chữ “những nghĩa cử cao đẹp, anh hùng” để nói về những những người đã tham gia hiến máu nhân đạo.

Quả thực, hai chữ “anh hùng” là hoàn toàn tương xứng cho hành vi hiến máu cứu người.

Thật vậy, một người khỏe mạnh cứ mỗi lần hiến máu có thể cứu được ít nhất 3 người bệnh. Cứ theo đó mà suy thì 100 gương mặt tiêu biểu của phong trào hiến máu và vận động hiến máu tình nguyện Việt Nam 2011 đã cứu được biết bao nhiêu người? Câu trả lời rất dễ dàng bởi có nhiều người đã có không dưới 50 lần hiến máu trong năm; có người không chỉ tham gia tích cực hiến máu còn vận động được trên 200 người khác cùng tham gia; có những gia đình mà tất cả thành viên đều tham gia hiến máu.

Họ xứng đáng là những anh hùng đã cứu được hàng chục, hàng trăm người bằng dòng máu của mình.


Ảnh minh họa - Nguồn: Internet

Với lý do đó, từ năm 2005 đến nay, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều tổ chức sự kiện tôn vinh người hiến máu - ngày 14/6 hàng năm. Năm 2011, các tổ chức quốc tế lấy thông điệp “Mỗi giọt máu cho đi - Một cuộc đời ở lại” vừa để ghi nhận sự chia sẻ bằng máu của những người khỏe mạnh với người bệnh đồng thời khuyến khích ngày càng có nhiều người tham gia hiến máu.

Tại Việt Nam, suốt trong 17 năm qua, phong trào hiến máu ở nước ta không ngừng phát triển. Hiến máu tình nguyện đã trở thành nét đẹp trong văn hóa sống, một nghĩa cử đẹp của người Việt Nam. Kết quả là năm 2010, cả nước thu được 675.438 đơn vị máu, trong đó có 84,2% là từ người hiến máu tình nguyện. Nhờ đó, tổng số đơn vị máu thu được tăng gấp 3 lần so với năm 2000.

Tuy nhiên, tỷ lệ hiến máu ở Việt Nam mới đạt 0,78% so với dân số cả nước, tức là trung bình trong 100 người chưa có được 1 người tham gia hiến máu nhân đạo. Đó là một tỉ lệ còn thấp so với mức tối thiểu (phải có từ 2 người hiến máu trên mỗi 100 người trở lên).

Hiến máu hoàn toàn không phải là việc khó khăn mà phải tính toán thiệt hơn. Dòng máu thì ai cũng có trong người, sức khỏe thì đại đa số đều tràn trề. Suy nghĩ thì hầu như ai cũng ít nhiều hiểu rằng, hiến máu không ảnh hưởng tới sức khỏe, chẳng gây đau đớn. Vậy thì lực cản lớn nhất là ở đâu khiến cho cả nước ta mới chỉ có 0,78 dân số hiến máu? Có lẽ nhiều người ngại đi chỉ vì sợ... mất thời gian.

Phải, tâm lý nói trên cũng có thể là khá phổ biến trong nhiều người. Ở đây tôi chỉ nói thêm rằng, ai trong chúng ta cũng đều muốn trở thành anh hùng. Có nhiều cách để trở thành anh hùng, có những cách phải “lên rừng xuống biến”, lao tâm khổ tứ, trầy da tróc vảy, mà chưa chắc đã thành công. Trong khi đó tham gia hiến máu nhân đạo, một lần thôi, bạn có cơ hội cứu được 3 người. Và một lời khuyên nữa là “dòng máu anh hùng” mà bạn hiến rất có thể sẽ quay trở lại (trực tiếp hoặc gián tiếp) cứu chính bản thân bạn hoặc những người thân yêu của bạn.

Đông Kinh - Công Hải

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm