Chuyện vỉa hè: Chuyện của N.

01/03/2012 14:57 GMT+7

(TT&VH Cuối tuần) - Chuyện vỉa hè có lẽ phải kể với một nhân vật. Có thể là bắt buộc, nhưng cũng có thể là sở thích, ngoài chuyện bỗng dưng sinh ra trên vỉa hè không ai muốn, và sống bám vỉa hè bởi không tìm được nơi chốn nào khác để mưu sinh. Thì có một số không ít người chọn vỉa hè để làm việc, ăn uống, thậm chí suy nghĩ, chỉ trên vỉa hè… N. là một người trong số ấy, anh nhà ở phố cũ. Khá chật, nên để đỡ bức bối, thì cơm bình dân, trà đá vỉa hè nhiều khi là phương án tốt để giải quyết những mâu thuẫn nhỏ nhặt trong gia đình.

(Mời bạn đọc theo dõi các bài viết trong chuyên đề Lối sống đô thị tại đây)

Nóng nhất tuần vừa rồi, với N., là chuyện gửi xe.

Tất nhiên, đây là chuyện nóng của cả thành phố. Sáng ngồi làm chén trà góc đường Hai Bà Trưng, Bà Triệu, thấy một anh nhân viên ngân hàng Sacombank than trách ông trời vì mấy ngày nay bị muộn giờ làm chỉ vì không tìm đâu ra chỗ gửi xe. Trước, thì gửi tại điểm đỗ của công ty khai thác điểm đỗ xe Hà Nội. Nhưng giờ trên phố Bà Triệu không có chỗ nào chịu nhận xe. Phần diện tích nhà xe của công ty quá hẹp, để dành cho khách đến giao dịch đã không đủ chứ chưa nói gì nhân viên. N. cũng ngậm ngùi kể mới đây, anh phải trả 10 ngàn đồng cho một lượt gửi xe tại phố Đinh Lễ. Đến giao dịch tại Bưu điện Hà Nội và ngân hàng chung quanh Hồ Gươm, trong mấy ngày vừa rồi, N. áp dụng một kinh nghiệm xưa cũ là đi đâu cũng đi hai người, một người vào giao dịch, một người ngồi trên xe để khi có bóng dáng lực lượng chức năng sẽ nổ máy đi ngay. Đi hai người, đành là phải đi cùng vợ… Mọi khi nghe chì chiết về tính lơ đễnh trong nhà đã mệt, giờ ra phố mỗi bước phải đi cùng nhau. Bỗng dưng thành xe ôm. N. cáu!


Mà cứ đà này, thì còn phải cáu lâu. Ông Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, người đã cho rằng, việc cấm trông giữ xe là phương thức hạn chế phương tiện cá nhân. Khi không có điểm đỗ thì người dân phải lựa chọn phương tiện giao thông sao cho hợp lý. Nên lựa chọn của vợ N. là đi với N., và ngược lại, đành phải coi là một lựa chọn tình thế bắt buộc. Tuy nhiên, chính ông Giám đốc Sở GTVT cũng thừa nhận: “Nhu cầu đỗ xe trong khu vực nội đô mới chỉ giải quyết được 10%, còn 90% chưa có câu trả lời. Sơ bộ trong khu vục vành đai hai trở vào, có 176 dự án nhà cao trên 10 tầng, nhưng các tòa nhà này chỉ đáp ứng 25 - 30% nhu cầu đỗ xe của người dân sống trong đó, còn lại đều tràn ra ngoài đường”. Nên N. hy vọng vài tuần nữa, đâu lại vào đấy, cũng như chuyện đổi giờ, xe cộ của hai vợ chồng lại được đem ra sử dụng như cũ, mỗi người một cái, có chỗ để gửi… Chỗ gửi xe cứ tưởng hoàn toàn không liên quan, ấy vậy mà có khi làm ảnh hưởng đến tự do cá nhân và không khí đoàn kết gia đình.

Ờ, mà nói đến Sở GTVT Hà Nội, chuyện hot nhất phải là chuyện mới đây Sở đánh công văn gửi đi các nơi thông báo việc hiếu của nhà phó giám đốc. Đấy, Sở GTVT nhiều việc bận như thế, nghiên cứu đến nơi đến chốn các đề án đổi giờ hay cấm đỗ xe hẳn là rất thiếu thời gian. Cho nên đưa phương án nào ra cũng như để… thử. Mỗi cuộc thử chưa nghiên cứu tình hình thực tế đến nơi đến chốn là lại nháo nhác cả thành phố.

Vậy là N. trong khi chờ vợ vào một cửa hàng thời trang trên phố, đỗ lẫn vào đám xe ôm giờ đây luôn trong tình trạng dáo dác hễ động là chạy, nghe thêm được vô khối chuyện vỉa hè. Nghe nói các chủ tiệm vàng sắp phải dự các lớp tập huấn phòng tránh cướp. Các loại tội phạm theo mô hình Lê Văn Luyện có nguy cơ phát triển, nghe mà nẫu ruột! Có vàng cũng khổ! Sợ cướp! Có xe cũng khổ, sợ thiếu chỗ gửi… N. và cánh xe ôm đồng lòng thở dài.

Hà Phạm

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm