Chuyện Hà Nội: 'Tom chát' Chanh Thôn nên gìn giữ?

13/07/2015 05:24 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - 1. Mái đình Chanh Thôn mấy trăm năm còn đây cổ kính và cổ kính hơn, khi cạnh đình là cái chợ nhỏ mấy hàng rau dưa của người làng... Cạnh cửa đình bà hàng xén ngồi thu lu trong cái quán nhỏ kê chiếc chõng tre trên với mấy thứ thuốc lào, kẹo bột... Bà là nghệ nhân dân gian Viêt Nam Nguyễn Thị Vượn.

Bà Vượn bảo: "Tôi gần chín chục rồi, cô em họ tôi là bà Khướu nay cũng ngót nghét chín chục. Chả biết tắt lúc nào. Mừng là vì thấy nhà nước quan tâm phục hồi vốn cổ nghệ thuật ca trù. Làng lại lập câu lạc bộ rồi mở lớp dạy ca trù...".

Ca nương đến với lớp học có người lên lão, có em gái vừa mới lên mười. Nhà thờ Tổ nghề ca kỹ của làng không còn đủ chỗ cho lớp hoc, phải dời sang đình làng. Nơi đây lại bắt đầu rộn tiếng sênh phách ứ hự từng đêm.

Lửa thì mới nhen nhưng đã le lói tia hy vọng ngày mai sẽ ấm lại một nghệ thuật “tom chat” để làng Chanh Thôn xứng đáng niềm tự hào xưa có những đào nương từng vô Huế hát trong cung triều Nguyễn. Chuyện đi nhóm lại lửa “tom chat” làng Chanh là một công phu.


Một buổi tập luyện ca trù. Ảnh: TTXVN

Ca trù chỉ đến khi giải được nỗi oan khuất mới thành môn nghệ thuật sang trọng. Bây giờ người Chanh Thôn thật sự tự hào vì là một trong những địa chỉ văn hóa ả đào còn sót lại. Hàng chục ca nương đã có thể nối nghề. Có tay đàn đã đạt đến độ điêu luyện có thể thay thế kép Khoái...

Chanh Thôn từng có lúc có đến vài ba chục ca nương. Cuối những năm 30 của thế kỷ trước, Chanh Thôn đã từng mở nhiều ca quán tại miền Bắc.

Nhưng thịnh suy vốn là lẽ đời. Một thời đất nước giặc giã chiến tranh, người Chanh Thôn tạm gác lại chuyện đàn ca để lo góp sức, góp công cùng kháng chiến, kiến quốc. Bà Vượn, bà Khướu, ông Khoái cất vào lòng những làn điệu ca trù ứ hự, những trống phách tom chát, treo cái đàn đáy lên buồng bếp, bỏ lại những day dứt kiếp cầm ca để vào du kích diệt đồn, đánh địch…

Họ là những nghệ nhân ca trù đích thực, là những báu vật sống của nghệ thuật dân tộc. Tiếng đàn nền nã, lề lối ấy của anh kép mù Nguyễn Văn Khoái cùng với tiếng ca mang hơi hướng nhà nghề vừa mang vẻ đẹp khuôn phép vừa sáng tạo theo cảm hứng nghệ sĩ khiến các học giả và du khách sửng sốt thán phục, dù nhiều năm quên hát.

2. Bây giờ sau  nửa thế kỷ, làng Chanh lại vang tiếng sênh phách và lời ca ứ hự… Nhiều lớp học truyền dạy ca trù Chanh Thôn được mở, mà giáo viên chính là các lão nghệ nhân. Nhìn những ca nương bé nhỏ nhiệt thành học hát, những chàng trai Chanh Thôn học đàn, ta hiểu sức sống nghệ thuật ca trù vẫn còn mãnh liệt lắm, một khi lửa dân gian đã được nhen nhóm lại,

Không như cỏ dại,tự hồi sinh và tồn tại, ca trù rất cần đất sống và có cơ chế nuôi dưỡng nghệ thuật. Mà làng Chanh lại xa phố quá, làm sao để đào kép làng được đàn hát phục vụ du khách? Nhưng tôi tin với chương trình phát triển văn hóa thời hội nhập, Hà Nội sẽ biết cách giữ gìn tài sản văn hóa của mình cho muôn sau.

Tại đây, còn những nghệ nhân tài năng được khẳng định 70 - 80 năm như cụ Khướu, cụ Vượn, hay cụ kép Khoái, vẫn chưa được tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú. Cần có sự đặc cách, rút gọn thủ tục, nếu không sẽ rất muộn…

Tạm biệt cái làng cổ nép bên đê sông Hồng cách trung tâm Hà Nội gần 40 cây số ấy, bỏ lại sau lưng tiếng chat tom sanh phách và câu "ư hự" mê hoặc muôn thưở của nghệ thuật ca trù, bỗng thấy ấm lòng...

Chân dung làng Chanh mà hồn cốt là ca trù cần gìn giữ. Chanh Thôn được chọn là địa chỉ du lịch văn hóa bắt đầu từ ca trù đấy.

Tân Linh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm