Chuyện dạy học sinh giẫm thủy tinh: Giá trị của nỗi sợ

26/08/2015 13:47 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - 1. Năm 2012, 21 người Mỹ đã nhập viện vì bỏng sau khi giẫm lên than hồng. Đây là “đòn” giáng mạnh vào phương pháp suy nghĩ tích cực, sống không sợ hãi (live without fear) của Tony Robbins.

Theo mô tả, phương pháp này không phải là hình thức luyện tập thể chất, cũng không phải là phương pháp trị liệu tâm lý. Mà đây là cách để con người hoàn thiện bản thân, trở lên tích cực hơn bằng những trải nghiệm khác nhau (đôi khi rất khắc nghiệt).

Từ phương pháp mới manh nha, đến giữa những năm 2000, “live without fear” trở thành một trào lưu ở Mỹ. Song, “live without fear” vẫn tồn tại bên cạnh những quan điểm nghi hoặc về hiệu quả thậm chí chỉ trích.

Cũng khó để xác định mối quan hệ cụ thể giữa phương pháp của Tony Robbins với câu chuyện “học sinh giẫm thủy tinh” đang dậy sóng gần đây. Song, dù là bố con, anh em, hay bạn cùng chiến đấu (trước những thử thách cuộc đời) thì không thể phủ nhận, cả hai phương pháp trên đều có nhiều điểm tương đồng.


Những hình ảnh tại Trung tâm hướng dẫn trẻ em đi lên mảnh thủy tinh

Và trường hợp 21 người ở Mỹ phải vào viện vì bỏng sau khi giẫm lên than hồng là một bài học nghiêm khắc về “lòng dũng cảm” mà trung tâm nọ đang dạy cho trẻ em.

Vấn đề đặt ra: lòng dũng cảm hay sự sợ hãi quan trọng trong cuộc sống này? Câu trả lời là cả hai. Nếu như lòng dũng cảm khiến con người vượt qua những nghịch cảnh thì sự sợ hãi giúp con người cẩn trọng để không rơi vào nghịch cảnh.

Nếu như lòng dũng cảm giúp các con người mạnh mẽ hi sinh những quyền lợi bản thân để cứu giúp người khác thì sự sợ hãi khiến con người tránh khỏi những lụy phiền mà chẳng cần ai giúp đỡ...

Nói cách khác, sự sợ hãi và lòng dũng cảm luôn song hành đồng hiện như hai mặt của cuộc đời. Nó cũng tương tự như các cặp phạm trù sống tích cực- sống tiêu cực, nỗi buồn- niềm vui, hạnh phúc- khổ đau... Và khi người ta muốn triệt tiêu hoàn toàn một mặt mà chỉ giữ lại những điều ta cho là tốt đẹp thì nó sẽ khiến cuộc sống sa lầy vào tẻ nhạt, đơn sắc, trái tự nhiên.

2. Nhưng, với các trẻ em, lòng dũng cảm hay việc “biết sợ” quan trọng hơn?

Thực tế, trên thế giới, ở lứa tuổi tiểu học như trường hợp “giẫm thủy tinh”, trẻ em luôn được ưu tiên dạy cách sinh tồn chứ không phải học trở thành “người dũng cảm”. Trẻ em cần hiểu về nỗi sợ để tránh những cảnh huống khắc nghiệt chứ không phải được khuyến khích lao vào đống thủy tinh để trở nên tự tin.

Vẫn biết, chúng ta nên cởi mở với những điều mới, đặc biệt là giáo dục. Song, khi nó ảnh hưởng tới sự an nguy sinh mạng con người thì mọi thứ đều phải cẩn thận. Và với trẻ em, sự sợ hãi là một phản ứng tự vệ quan trọng.

Bởi, nếu chỉ dạy trẻ “giẫm lên thủy tinh” thì vô vàn ẩn họa tai nạn đang chực chờ con em khi ra khỏi lớp học. Tiếng cười ngày hôm nay biết đâu có thể thành nỗi đau của ngày mai.

Vì hài kịch và bi kịch đôi khi chỉ cách nhau lằn ranh rất mỏng của nỗi sợ.

Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm