Chờ thành cổ 'kể chuyện'

26/11/2019 06:56 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Cuộc triển lãm “Thành Hà Nội - dấu ấn một thời” vừa khai mạc vào cuối tuần qua với việc trưng bày hơn hơn 70 tài liệu, bản đồ, hình ảnh… về cụm kiến trúc này trong giai đoạn từ 1802 – 1945.

Khai quật tại Hoàng thành Thăng Long: Sẽ sớm 'nhận diện' được kiến trúc điện Kính Thiên

Khai quật tại Hoàng thành Thăng Long: Sẽ sớm 'nhận diện' được kiến trúc điện Kính Thiên

Năm 2015, ý tưởng phục dựng điện Kính Thiên tại Hoàng thành Thăng Long đã được vinh danh tại giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội. Và với những gì đang diễn ra, giấc mơ phục dựng “trái tim” của Thăng Long cũ đang ngày một rõ nét hơn…

Đáng nói, giai đoạn ấy cũng chính là một “nốt trầm” trong lịch sử tồn tại của thành Hà Nội so với thời điểm vàng son trước đó – khi trong suốt 8 thế kỷ kể từ 1010, không gian này (thường được nhắc tới với khái niệm Hoàng thành Thăng Long) là nơi đóng đô của liên tiếp 4 vương triều Lý, Trần, Lê, Mạc.

Thế nhưng, dù là “nốt trầm”, thành Hà Nội trong khoảng thời gian ấy vẫn có những câu chuyện riêng của mình.

Cụ thể, khi đã chuyển giao vai trò kinh đô của một đất nước thống nhất cho Phú Xuân (Huế) từ 1802, thành Hà Nội vẫn là một không gian đặc biệt ở khu vực phía Bắc, khi thường xuyên trở thành nơi tổ chức các nghi thức bang giao, lễ tiết chính trị hoặc dùng làm hành cung cho các vua Nguyễn khi tuần du ra đây.

Chú thích ảnh
Triển lãm thu hút đông đảo người tham quan. Nguồn: Báo Văn hóa

Rồi, ở nửa cuối thể kỷ 19, sau khi bị người Pháp đánh chiếm, thành Hà Nội lại dần biến đổi về kiến trúc và công năng. Không gian ấy - vốn nằm trong 4 con đường Hùng Vương, Phan Đình Phùng, Trần Phú và Lý Nam Đế hiện nay - bị thu hẹp với việc phá bỏ tường thành và nhiều công trình cũ để xây dựng các công trình đô thị, trong khi một phần diện tích thành được tận dụng để làm trụ sở quân sự của Pháp.

Những tài liệu do Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với Trung tâm Lưu trữ quốc gia I cung cấp tại triển lãm đã cho thấy khá rõ những mốc biến đổi của thành Hà Nội trong giai đoạn ấy. Một mặt, chúng khiến người xem tiếc nuối về sự mất đi của một trong những kiến trúc lâu đời nhất tại Hà Nội. Nhưng mặt khác, người ta cũng nhìn thấy ở đây sự biến đổi quan trọng của một thành phố: Từ đô thị của một nhà nước phong kiến độc lập trở thành nơi đặt thủ phủ của một chính quyền thực dân, từ một hệ thống kiến trúc mang đậm dáng vẻ phương Đông thành một đô thị mang phong cách cận hiện đại, dưới ảnh hưởng của người Pháp…

***

Ít người biết, trong hồi ký của mình, khi tới Việt Nam vào cuối thế kỷ 19, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer từng tỏ ý vô cùng tiếc nuối về việc người Pháp quá vội vã phá hủy thành Hà Nội. Nhưng, như nhận xét của nhà sử học Dương Trung Quốc, câu chuyện ấy khó lòng thay đổi, trong hoàn cảnh người Pháp muốn khẳng định vị trí cai trị của mình và luôn nhìn nhận Hà Nội như một thành phố cần cải tạo dưới cặp mắt của các chuyên gia đô thị phương Tây.

Và, ở góc độ khách quan, dù không còn được bảo tồn nguyên trạng, thành Hà Nội lại có một giá trị rất đặc thù: Sự biến đổi theo thời gian của nó đã ghi lại sự biến đổi của chính lịch sử Hà Nội - và cũng là lịch sử Việt Nam - xuyên suốt các giai đoạn phong kiến, Pháp thuộc, đến thời hiện đại. (Ở giai đoạn 1954 - 1975, thành Hà Nội là trụ sở của các cơ quan quân sự đầu não tại miền Bắc, trong đó có nhà hầm D67, nơi gắn liền với hầu hết các quyết định lịch sử trong chiến tranh chống Mỹ).

Và, chính sự tiếp biến của những dấu ấn lịch sử lại là một trong những ưu thế để cụm kiến trúc - văn hóa này (bao gồm cả khu vực khảo cổ bên phía 18 Hoàng Diệu) được vinh danh là Di sản Thế giới vào năm 2010, khi UNESCO khẳng định: Trên thế giới rất hiếm tìm thấy một di sản vừa thể hiện tính liên tục dài lâu như vậy của sự phát triển chính trị, văn hóa, vừa có sự liên hệ trực tiếp với nhiều sự kiện trọng đại của một quốc gia trong mối quan hệ khu vực và thế giới như vậy.

Với khách du lịch, một di tích chỉ có thể hấp dẫn khi mang theo nó những câu chuyện đặc biệt trong lịch sử hình thành của mình. Mà, với những gì đã có trong hàng trăm năm tồn tại, Thành cổ Hà Nội không thiếu những câu chuyện như thế. Vấn đề còn lại của nó, như chia sẻ của các chuyên gia, chỉ là việc tìm cách “kể lại” những câu chuyện ấy bằng hình thức và cách tiếp cận phù hợp, để khách tham quan có thể hiểu được về lớp trầm tích văn hóa - lịch sử mà không gian này mang theo, dưới lớp vỏ “giản dị” bề ngoài.

Anh Bảo

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm