Chết không phải là dễ

08/04/2018 18:24 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Tôi muốn kể câu chuyện hành trình tìm lại sự sống của mẹ con chàng trai 19 tuổi Nguyễn Quang Linh, Đắc Lắc, người từng bỏng cấp độ cao nhất (3 và 4), bỏng đến 82% cơ thể, 8 năm trời trải qua 11 lần phẫu thuật, người mẹ 4 năm đi xin ăn để tồn tại và kiếm tiền chữa trị cho con, để khẳng định rằng: chết không phải là... dễ, và những câu chuyện cổ tích vẫn luôn xảy ra xung quanh ta.

1. 2h chiều ngày 28/04/2002, một tiếng nổ kinh hoàng vang lên ở xóm Chiếu, ấp Cây Dầu, Phường Tân Phú, Quận 9, TP.HCM. Cả một dãy trọ, dưới hàng cột điện cao thế trong phút chốc cháy rụi do chập điện. Không ai dám vào cứu vì sợ nguồn điện rò rỉ. Vụ cháy nổ này đã làm 2 người chết, 8 người bị thương nặng.

Chị Trần Thị Luyến (1975) mở mắt, thấy xung quanh đổ nát, cháy rụi. Phản xạ đầu tiên của người mẹ là vùng dậy đi tìm đứa con trai 4 tuổi của mình, Nguyễn Quang Linh. Chị tìm mãi, vào nhà vệ sinh, thấy con trai mình đã cháy đen thui, tay cũng cháy đen, còn dính chặt vào vòi nước. Linh lúc đó thều thào: “mẹ ơi, con khát quá!”.

Chú thích ảnh
Bà Trần Hải (áo đen), Việt Kiều Pháp đã lặn lội về Đắc Lắc để giúp đỡ Quang Linh

Chị Luyến hoảng dại, bế thốc con trai, chạy băng qua cánh đồng, nhảy qua mấy con hào. Một bác xe thồ chở hai mẹ con chị đến thẳng bệnh viện Thủ Đức.

Đến nơi, lúc đó đã 17h30 phút, có nghĩa ít nhất chị Luyến đã ngất đi hơn 2 tiếng đồng hồ. Chị bảo có thể do điều kiện nằm ở dưới đất, âm dương cân bằng đã giúp chị hồi tỉnh, chứ mọi người mang chị đi viện có lẽ đã chết rồi.

Trong túi chị Luyến không có nổi 100 nghìn đồng. Chị xin bác xe thồ cho chị nợ. Vào làm thủ tục nhập viện, không có tiền nên bệnh viện chậm trễ tiếp nhận cấp cứu, nhập viện. Thế là, chị Luyến phải chạy ra tìm bác xe thồ lúc nãy, qùy mọp xuống xin bác cho vay mấy trăm nghìn đồng. Cũng là người cùng khổ trong xóm trọ nghèo, bác xe thồ đã móc ví vét những đồng cuối cùng để chị Luyến làm thủ tục nhập viện cho con.

Đến 22h đêm, các bác sĩ lắc đầu, bảo tình trạng cháu bỏng quá nặng, phải chuyển sang bệnh viên Nhi đồng 2. Và từ đây, hành trình giành giật sự sống cho cậu con trai, của người đàn bà nghèo, bắt đầu.

Chú thích ảnh
Đại diện Báo Công an TP.HCM tặng nhà tình nghĩa cho gia đình chị Luyến

...Lúc này đây, tại thành phố Buôn Ma Thuột, tôi đang ngồi nghe chị Luyến kể lại câu chuyện “cổ tích này”. Trước khi gặp nạn, chị cùng con từ Đắc Lắc vào Quận 9 trọ, ngày ngày bán nước mía ở Công viên Suối Tiên. Chồng chị phải làm thuê ở dưới Đồng Nai.

2. Ngay sau khi hội chẩn, bác sĩ bệnh viện Nhi đồng 2 đã đưa thẳng Nguyễn Quang Linh vào phòng cách li. Sau khi cắt bỏ các phần da thịt đã cháy, cậu bé lúc đó trông như “con tôm lột da”. Để chống loét lưng, bác sỹ phải cột hai cổ chân câu bé, treo chếch lên.

8 tháng trời, phần lớn con trai trong trạng thái hôn mê, chân phải treo lên, người mẹ đau khổ bị cách ly con. Nỗi nhớ thương con đến quắt ruột. Phòng cách li kín mít. Một ngày, người ta chỉ cho chị Luyến có một khe hở nhỏ xíu, tít cuối phòng. Từ “cửa sổ thần thánh đó”, chị quan sát con. Bao lần chứng kiến con trong tình trạng bi đát, hai chân treo ngược lên như một mũi tên đen. "Mẹ ơi, đừng treo chân con lên nữa. Tháo chân cho con".

Chú thích ảnh
Tác giả (bìa phải) cùng 3 mẹ con chị Luyến

Tiếng khóc của con khiến người mẹ phát rồ, nhưng không thể liên lạc. Bao lần chị phải chạy ra giữa sân bệnh viên, ngửa mặt lên trời và hét lên: "Nguyễn Quang Linh ơi! Nguyễn Quang Linh của mẹ ơi!”.

Trong 8 tháng, 3 lần bác sỹ đã gọi chị Luyến lên thông báo "bó tay", đưa con về quê để lo hậu sự. Chị kiên quyết từ chối ký vào biên bản bàn giao bệnh nhân. Ngoài niềm tin con mình sẽ qua khỏi, còn có lý do cơ bản là...không có tiền để đưa xác con về và mai táng.

Đến lần thứ 3, khi bác sỹ yêu cầu trả về thì chị Luyến đã phát điên thật. Chị nhảy nhót, la hét, khóc cười điên loạn giữa bệnh viện. Đúng lúc đó, có một người phụ nữ tầm 65 tuổi mặc áo nâu sồng, đưa người cháu vào băng bó vết thương, do té xe đạp. Thấy tình trạng chị Luyến điên loạn, bà hỏi nguồn cơn. Khi biết chị muốn cứu con, và quan trọng không có tiền để mang con về trong trường hợp con chết, ngay lập tức, bà yêu cầu gặp lãnh đạo bệnh viện cùng tổ bác sỹ điều trị cho Quang Linh:

“Kể từ phút này thằng bé này là cháu tôi. Tôi sẵn sàng bán căn nhà mặt tiền ở đường Nguyễn Trãi, Quận 1 để chữa cho thằng bé này”. Sau đó, bà rút máy điện thoại gọi chồng, con, dâu, rể..., chạy lên bệnh viện và giao nhiệm vụ. Tất cả các thành viên gia đình đều nhất trí giúp đỡ hai mẹ con chị Luyến. 25 triệu tiền phẫu thuật, điều trị và mọi chí phí khác được gia đình ân nhân đó đóng ngay.

Tất nhiên, sau này, chị Luyến chỉ nghe mọi người kể lại câu chuyện đó, vì lúc đó thần trí chị bất ổn, chỉ láng máng nhớ đến hình ảnh một bà cụ tóc bạc búi cao, áo nâu sồng như bà Bụt. Hàng tuần, người đàn bà bí ẩn đó đều thăm hai mẹ con, và lo viện phí.

Chú thích ảnh
11 lần phẫu thuật không những giúp Quang Linh trở về từ cõi chết mà còn khá khỏe mạnh

Sức khỏe Quang Linh cũng tiến triển. Nhưng, hai cổ chân, do phần sợi dây thắt chặt để treo chân cậu, siết tận xương, gây nhiễm trung máu. Bác sỹ lại gọi chị Luyến lên bảo ký vào biên bản cam kết: cắt hai chân thì mới cứu sống được tính mạng con.

“Nếu là người học nhiều, có lẽ lúc đó sẽ ký vì nghĩ rằng chỉ thế người thân mới không chết. Nhưng, tôi không chịu ký, bảo rằng cắt chân thì còn gì để đi, còn gì là người nữa. Quá may mắn, quyết định "chây ì" đó đó đã giữ lại đôi chân con tôi”, chị Luyến hồi nhớ lại.

3. Nằm viện đến tháng thứ 8, Nguyễn Quang Linh đã chính thức thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Một hôm, vào thăm hai mẹ con xong, bà cụ bảo chị Luyến: "cháu đã hồi phục, từ nay bà có việc không vào thăm các con được. Hai mẹ con nhớ sống cho tốt. Có duyên sau này chúng ta sẽ gặp lại".

Chị Luyến chỉ biết khóc, quỳ xuống cảm tạ, hỏi địa chỉ để sau này tìm gặp, nhưng bà không đồng ý. Chỉ một mực bảo cứ sống tốt là được.

Lúc chia tay, một người đi theo bà cụ rỉ tai chị Luyến: "Bà ấy tên là Chín 'lé', đường Nguyễn Trãi, Quận 1.

Hàng ngày, con nằm viện, chị Luyến phải đi xin ăn để nuôi mình và lo cho con. Năm 2003, Quang Linh ra viện lần đầu, nhưng vẫn liên tục phải vào viện phẫu thuật cấy ghép, tái tạo một số bộ phận da thịt cháy rúm ró. Hai mẹ con lang thang xin ăn khắp nơi. Riêng chị Luyến phải trải qua 4 năm (từ 2002-2005) xin ăn để tồn tại và có tiền cho con chữa trị. Qua một bài báo nói về hoàn cảnh bi đát của mẹ con Quang Linh đăng trên Báo Công an Thành phố Hồ Chí Minh, độc giả đã giúp đỡ hai mẹ con chị Luyến rất nhiều. Năm 2005, báo này đã mua đất và xây một căn nhà tình nghĩa cho gia đình chị Luyến tại Thôn Hòa Thằng, xã Hòa Đông, Krong Park, Đắc Lắc.

Về nhận nhà một thời gian, Nguyễn Quang Linh bị rò tủy, rất nguy hiểm, trong khi tiền bạc đã khánh kiệt. Một ngày tháng 6 năm 2005, nhà chị Luyến đón một vị khác đặc biệt. Một bà lão ăn mặc giản dị do xe thồ chở đến. Bà giới thiêu tên là Trần Hải, Việt kiều Pháp. Cũng từ bài viết rất cảm động trên báo Công an TP.HCM, 7 ngày đêm bà không ngủ được, khóc liên tục. Và rồi, bà quyết định phải về Việt Nam thăm, giúp đỡ Quang Linh. Bà phải truy danh bạ điện thoại từ huyện Krong Park, hỏi dò xuống xã, thôn có chị Trần Thị Luyến nào không. Không có ai biết vì thời nhỏ, cha mẹ chị Luyến chia tay, chị phải ở với chị gái bà anh rể. Khốn khổ ông anh rể này lại có máu "dê", ngoài không cho Luyến đi học, không làm chứng minh nhân dân, còn nhiều lần đòi hại đời em vợ. Chị Luyến phải sớm đi làm thuê, mượn giấy chứng minh nhân dân của em gái là Trần Thị Luyện, sinh năm 1980. Chính tên Luyện này mà quá trình đi xin hỗ trợ, chị Luyến từng bị nghi lừa đảo. Chỉ đến khi bà Trần Hải hỏi nhà chị Luyến có đứa con trai tên là Nguyễn Quang Linh bị bỏng nặng, thì mọi người mới biết, chỉ cho bà địa chỉ cần đến.

Bà Trần Hải đề nghị được đưa Quang Linh sang Pháp chữa trị. Bàn bạc mãi, chồng chị Luyến không đồng ý vì sợ... "mất con". Bà Hải trở về Pháp, mỗi năm hai lần gửi tiền góp giúp Quang Linh điều trị. Những bức thư tay qua lại giữa hai gia đình vẫn được chị Luyến nâng niu, cất giữ như những kỷ vật thiêng liêng.

****

Năm 2009, lần cuối cùng Nguyễn Quang Linh phẫu thuật trở về. 11 lần phẫu thuật để trở lại hình hài một con người với một gia đình khá giả đã là kỳ tích. Không ai nghĩ người mẹ nghèo như chị Luyến có thể thực hiện được chuyến hành trình diệu kỳ, giành giật sự sống cho cậu con trai bất hạnh. Cũng năm đó, chị Luyến có thai, sinh hạ một cậu con trai kháu khỉnh. Hai vợ chồng làm thuê cho một thương hiệu giò chả khá có tiếng ở thành phố Buôn Ma Thuột. Hai vợ chồng hết sức tận tụy, trung thành. Bà chủ phúc hậu rất thương đôi vợ chồng nghèo, đặc biệt là tính hay quan tâm, giúp đỡ mọi người. Năm 2012, bà này gặp tai nạn ô tô dập nát hai chân, dập phổi, gãy 6 xương sườn, con trai tử nạn. Quá trình nằm điều trị ở TP.HCM, gia đình bà này lục đục vì con cái xung khắc chuyện chia tài sản, khi nghĩ mẹ mình không qua khỏi.

Ngay khi thoát khỏi lưỡi hái tử thần, ra viện, bà chủ đã quyết định truyền nghề làm giò, chả cho vợ chồng chị Luyến, đồng thời giao lại các mối nhập giò chả. Trong khi, con cháu bà cũng có người thất nghiệp, nhưng bà không truyền "bí quyết".

Giờ đây, chị Luyến và chồng đã có nghề làm, bán giò chả ổn định cuộc sống. Chị dẫn chúng tôi đi gặp Quang Linh. Nguyễn Quang Linh đã là một chàng trai 19 tuổi cao ráo. Gương mặt qua nhiều lần phẫu thuật đã ổn, nhưng cơ thể vẫn sẹo chằng chịt. Đặc biệt, đôi chân còn dị dạng. Linh vừa học xong khóa nấu ăn, giờ đứng bếp cho một nhà hàng ở phố với mức lương 4 triệu đồng/tháng.

Linh bảo đang cố làm tích lũy tiền, để trở lại TP.HCM tìm lại những ân nhân đã cứu rỗi đời mình. Cậu Linh hứa sẽ sống tốt để không phụ tấm lòng mọi người.

Chia tay mẹ con chị Luyến, tôi cứ như mơ, không thể nghĩ đến những con người bình dị như thế lại ẩn chứa nghị lực, khát vọng sống phi thường như thế. Tình mẫu tử luôn thiêng liêng trong mỗi chúng ta. Với Quang Linh, nguồn sống đã nhiều lần tưởng vụt tắt với, vậy mà, chết không phải là dễ, khi tình người còn thẫm đẫm.

Chỉ mong Quang Linh thấu cảm cuộc đời còn rất nhiều người tốt, sẵn sàng giúp đỡ tha nhân một cách vô điều kiện, để cậu sống cho xứng với những gì được nhận.

Hữu Quý

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm