Cấm bắt cá hay chuyện quỷ và người

21/05/2015 07:06 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày hôm qua, trên diễn đàn Quốc hội, trong báo cáo tổng hợp ý kiến cử tri và nhân dân gửi đến bàn nghị sự quốc gia, nhiều ý kiến cử tri cả nước bày tỏ sự bất bình trước việc Trung Quốc mở rộng các đảo mà họ đang chiếm giữ trái phép tại Trường Sa. 

1. Nhân dân phản đối việc Trung Quốc xây dựng nhiều công trình kiên cố cao tầng trên các đảo này, đồng thời phản đối “lệnh cấm đánh bắt cá trên biển Đông” phi lý của Trung Quốc đặt ra.

Nhiều năm trở lại đây, các nước láng giềng không lạ gì tham vọng biển không hề che giấu từ phía chính quyền Trung Quốc. Họ dùng nhiều “chiêu thức” khác nhau, có lúc là “đường lưỡi bò” vô căn cứ, lúc là dùng vũ lực đưa giàn khoan khổng lồ vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, âm thầm xây dựng trái phép âm mưu biến nhà người khác thành nhà mình.

Và như thông lệ nhiều năm, vào tháng 5 họ tự đưa ra cái gọi là “lệnh cấm đánh bắt cá trên biển Đông”. Thứ lệnh cấm phi lý ác độc và ẩn chứa mưu thâm kế bẩn khi nó được ban ra vào thời điểm ngư dân Việt Nam bắt đầu mùa thu hoạch lớn nhất trong năm.

Cá ngừ về cảng cá phường 6, làng Phú Câu,  TP. Tuy Hòa, Phú Yên. Ảnh: Dương Thanh Xuân

Theo các chuyên gia, nếu Trung Quốc duy trì độc quyền việc đánh bắt cá trên biển Đông trong một thời gian đủ dài, họ sẽ lý luận là tạo ra một “quyền lịch sử”, cụ thể với quyền đánh bắt cá, nhằm giành quyền ưu tiên cho phía họ độc quyền khai thác biển Đông.

Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng phản đối lệnh cấm đánh bắt cá vô lý do Trung Quốc đơn phương ngang nhiên áp đặt. Ông Lê Hải Bình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gọi lệnh cấm này là vô giá trị.

2. Trò này cũng không xa lạ gì. Dân gian Việt Nam vẫn lưu truyền truyện về quỷ và người. Rằng không biết từ bao giờ, bằng cách gì, quỷ chiếm đất nước của người. Chúng bắt người phải cống nộp theo một thể lệ đặc biệt do chúng nghĩ ra là "ăn ngọn cho gốc" và dùng áp lực bắt phải theo.

Để chống lại sự bóc lột tàn nhẫn của quỷ, sau mùa gặt, người không trồng lúa mà cào đất thành luống trồng khoai lang. Quỷ không ngờ chính sách hiểm độc của chúng đã bị phá hủy. Chúng chỉ còn biết hậm hực nhìn thấy những gánh khoai lang chạy về nhà người, còn chúng chỉ toàn những dây và lá khoai, những thứ không nhai nổi.

Sang mùa sau, quỷ bắt "ăn gốc cho ngọn". Người lại chuyển sang trồng lúa. Kết quả quỷ lại hỏng ăn, người đem những gánh lúa vàng về nhà, còn trơ gốc rạ phần cho quỷ. Quỷ tức lộn ruột, mùa sau chúng tuyên bố "ăn cả gốc lẫn ngọn". Lần này quỷ nghĩ: Người muốn trồng gì thì trồng, đằng nào cũng không lọt khỏi tay chúng.

Nhưng lần này con người chuyển sang trồng ngô. Một lần nữa, quỷ bị một vố cay chua. Cuối cùng quỷ cậy thế mạnh ăn cướp đất của người, chúng nghĩ, thà không được cái gì cả, còn hơn là để cho con người có cái ăn. Nhưng cuối cùng, quỷ cũng bị người đánh cho tan tác phải bán xới khỏi mảnh đất ăn cướp.

Chuyện xưa ngẫm thấy sâu xa. Giờ đây, nhân dân ta cũng đang phải đối diện với đòi hỏi vô lý dựa trên bạo quyền. Nhưng như Bác Hồ đã nói: "Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước".

Nguyễn Gia
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm