Cả trăm ông Tây phân làn cũng bó tay

04/07/2012 08:05 GMT+7

(TT&VH) - Ngày hôm qua, rất nhiều báo mạng đang tải clip ghi lại hình ảnh một người nước ngoài đứng sau biển báo đường một chiều tại nút giao thông Trần Bình Trọng - Trần Nhân Tông (Hà Nội) ngăn các xe máy đi ngược chiều.

Chỉ mấy phút, hàng chục xe máy đã bị vị khách nước ngoài này chặn đầu và nhắc nhở, nhiều người đã quay đầu xe và đi đúng làn đường, nhưng cũng không ít người vẫn cố tình phóng xe.

1. Khi xem clip trên, rất nhiều độc giả đã bình luận rằng cảm thấy xấu hổ cho văn hóa giao thông ở ta, nó làm chúng ta “xấu mặt” với bạn bè quốc tế.

Thực ra, chúng ta đã xấu mặt rồi, trên rất nhiều diễn đàn về du lịch, những người nước ngoài từng đến Việt Nam nói rằng, điều họ sợ nhất khi đến đây chính là vấn đề giao thông. Cũng chẳng ngoa, bởi mỗi năm có trên 1 vạn người chết vì tai nạn giao thông và hơn 1 vạn người khác bị thương, dở sống dở chết. Vì thế, những người nước ngoài đến Việt Nam luôn coi những con đường như ma trận, và qua đường là một công việc mạo hiểm.

Những người ở Việt Nam lâu ngày thì sẽ hiểu rằng, nhiều khi đèn đỏ, biển báo giao thông chỉ có tính chất tham khảo. Người ta có tuân thủ hay không còn tùy thuộc vào ý thức mỗi người hoặc ở đó có sự hiện diện của CSGT hay không. Tôi và chúng ta dường như đã chấp nhận sự thật này.

3. Tôi biết rõ đoạn đường này, mỗi ngày đi làm, tôi đều đi qua ngã ba Trần Bình Trọng, Trần Nhân Tông. Đoạn giao cắt cạnh góc hồ Thiền Quang, trước cửa công viên Thống Nhất ấy là một con đường thắt nút hình phễu, vốn không thiếu gì ở các đô thị Việt Nam.

Đế đi vào tuyến đường 2 chiều, người tham gia giao thông phải qua đoạn phễu 1 chiều dài khoảng chục mét. Qua khoảng chục mét này là xe từ đi ngược chiều sẽ trở thành đi đúng làn đường, từ phạm luật thành đúng luật và đương nhiên không vi phạm luật giao thông.

Nhưng sự nguy hiểm lại ở chính khoảng 10 mét ngược chiều ấy.

Ngày nào qua đó, dù chạy xe qua hay dừng đèn đỏ 30 giây, tôi và những người qua đây cũng thấy rất nhiều xe máy đi ngược chiều. Va quệt, cãi cọ đương nhiên cũng xảy ra không ít. Nhưng chả mấy ai quan tâm, và cũng không đủ sức quan tâm bởi đó là chuyện ở mọi ngã ba và ở mọi ngày.

Xưa nay, chúng ta đang chấp nhận sống chung với cái sai, cái vi phạm như một phần tất yếu của cuộc sống. Thậm chí chúng ta coi đó là bình thường khi điều đó trở nên quá quen thuộc. Nhưng clip về ông Tây phân làn đường khiến chúng ta giật mình ngẫm lại.

3. Nhưng ai xấu hổ cứ xấu hổ, ai “lấn làn” vẫn cứ lấn. Vào sáng hôm qua, hàng vạn sĩ tử từ các nơi đến các địa điểm thi của các trường ĐH. Đường 32, được mệnh danh là con đường đau khổ của Hà Nội, cũng lại là nút thắt cuối đường Hồ Tùng Mậu tiếp giáp đường Phú Diễn (Từ Liêm). Con đường đang rộng thênh thang, bỗng đâu vài trăm mét thắt lại. Nếu người ta chịu khó tuân thủ theo đúng chỉ dẫn của CSGT và sinh viên tình nguyện thì cũng không đến nỗi. Nhưng người chen lấn, người chặn đầu người quay xe… khiến đoạn đường Phú Diễn bị kẹt xe kéo dài cả tiếng đồng hồ.

Bị mắc kẹt, hàng nghìn phụ huynh và sĩ tử tìm lối thoát duy nhất là trèo lên vỉa hè, nhiều thí sinh tự chạy bộ đến điểm thi để kịp làm thủ tục dự thi.

Tôi chợt nghĩ, đoạn này có đến 100 ông Tây kia thì cũng bó tay. Chỉ mong không có em nào vì tắc đường mà không kịp đến tham dự kì thi trọng đại cả đời hay không?

Tử Yến

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm