Cà phê nông dân: Hãy uống cốc trà

08/12/2012 08:16 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Ông Bảy Nhiêu đã thiết trí một góc uống trà mùa nắng. Chỗ này nằm sát bên ba cây mai quế anh thoang thoảng hương thơm. Từ chỗ uống trà này, mắt nhìn toả ra con lộ lớn, thấy toàn cảnh dòng chảy của sinh hoạt giao thông bên ngoài.

1. Hớp ngụm trà ô long do chú Tư Bền mang đến, ông Bảy Nhiêu nói: 

“Dân gian có nhiều câu xem ra hơi nghịch nhưng lại đúng. Ví như “Có tiền mới thấy mình nghèo” hoặc “Có học mới thấy mình dốt”. Như thế đủ biết, “nghèo” và “dốt” là những khái niệm giãn nở. Di chuyển phải dùng đôi chân mãi cũng chẳng sao, nhưng đến khi có tiền sắm được chiếc xe đạp, thấy người ta cứ xe Honda lao vun vút đến chóng mặt, thế là mình liền rớt ngay xuống nghèo.

Đến khi sắm được xe Honda, lại thấy mình vẫn nghèo dằng dặc trước mắt, vì xung quanh người ta lên xuống ô tô... Cái học cũng vậy, càng học càng thấy sự hiểu biết của mình cứ như hạt cát, trong khi sự dốt của mình lại to lớn thênh thang như bãi cát. Và mọi việc, mọi sự của cuộc sống cũng cứ theo cái đà ấy mà toả rộng. Hóa ra, “nghèo” và “dốt” lại mang tính chất so sánh. So sánh với kẻ khác của mọi người xung quanh và cả so sánh với chính mình trước đó.

2. Nghe ông Bảy Nhiêu nói thế, cụ Tám Nhu cười:

“Việc đó thì hiển nhiên có chi phải nói. “Có tiền mới thấy mình nghèo” cũng tương tự như câu “Có học mới biết mình dốt”. Hai câu này hoàn toàn hợp lý. Vì “nghèo” cũng như “dốt”, mình sẽ không bao giờ thoát khỏi chúng. Luôn luôn chúng ta bị chúng vây phủ đến khi xương tàn cốt rụi. Thoát nghèo ư? Thoát dốt ư? Xem ra, vừa thoát được cái nghèo này, lại gặp ngay cái nghèo khác cao hơn. Vừa thoát được cái dốt này, lại gặp ngay cái dốt khác căn bản hơn. Và, đấy mới chính là con đường của sự tiến bộ không ngừng”.

3. Tôi góp ý:

“Dân gian cũng thường nói những câu, ví dụ “Đã nghèo đâu có hà tiện”, hoặc “Đã ngu còn sợ gì dốt” hay “Đã điếc sợ gì súng” v.v... Xét về mặt tâm lý, chúng cũng lại rất đúng, nhưng xem ra lại có hơi nghịch với những câu trên chăng?”.

Cụ Tám Nhu lại nói:

“Đấy, đấy. Cuộc sống thiên hình vạn trạng mà. Những dạng câu như chú vừa nói cũng lại là một loại hợp lý nữa của cuộc sống. Chúng cũng thuộc dạng của câu “Cây khô đâu sợ chết đứng”. Đấy, cây khô là cây chết rồi, có chết nữa cũng bằng thừa. Vậy thì, “Đã nghèo đâu có hà tiện” là đúng, vì có gì để mà hà tiện. Như thế, “Đã ngu còn sợ gì dốt” là đúng, vì ngu to hơn dốt thì còn sợ dốt cái nỗi gì”.

4. Bác Thuấn góp ý:

“Tất cả đều tuỳ thuộc vào cách nhìn của mình. Nếu nhìn lên, mình chẳng bằng ai. Nhưng nếu nhìn xuống, chẳng ai bằng mình. Đó là mặt vật chất, nhưng cả tinh thần cũng như thế. Thật khách quan mà nói, ai cũng có thể là con là cháu của một người nào đó. Đó là một góc nhìn khiêm tốn, chứng tỏ có đạo đức. Nhưng cũng thật khách quan mà nói, ai cũng có thể là cha hoặc ông nội của một người nào đó. Đó là một góc nhìn ngạo mạn, rõ ràng là kém đạo đức. Và, còn có cả một góc nhìn liều mạng nữa chứ. Như thế, tất cả đều tương đối vì chỉ là những góc nhìn của muôn vàn góc nhìn mà thôi”.

5. Lúc này, ông Tư Bền chủ gói trà ô long vừa mang tới, liền nói:

“Góc nhìn thì đầy cả thiên hạ, nhưng nhìn vào cốc trà có mấy ai! Xin mời uống trà!”.

Nghe thế, chúng tôi đều trìu mến nhìn ông Tư Bền. Đúng vậy, hãy dọn dẹp biện luận đi và thưởng thức hiện thực của trà ngon. Hãy uống cốc trà.

Ngô Phan Lưu
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm