Vì sao các đội bóng Nam Mỹ thất bại?

08/07/2018 14:58 GMT+7 | Champions League

(Thethaovanhoa.vn) - Với trận thua 1-2 trước Bỉ tại vòng tứ kết World Cup 2018, Brazil đã trở thành đội bóng Nam Mỹ cuối cùng nói lời chia tay với giải đấu. Trước đó, những tên tuổi lớn của bóng đá khu vực này như Argentina, Peru, Colombia rồi Uruguay cũng đã dừng bước vì những vấn đề khác nhau.

Dù sở hữu những tài năng bóng đá đỉnh cao thế giới như Lionel Messi, Neymar, James Rodriguez, Luis Suarez hay Edinson Cavani, vì đâu mà các đội bóng Nam Mỹ "vắng bóng" trong vòng bán kết?. Sau đây là một số lý do.

Độ tuổi

Một yếu tố rất quan trọng khi đánh giá về sức mạnh của các đội bóng dự World Cup chính là độ tuổi trung bình của họ. Những đội bóng đang gây ấn tượng tại Nga là những đội có độ tuổi trung bình thấp. Anh và Pháp có độ tuổi trung bình là 26. Trong khi, mức thấp nhất là Nigeria, với độ tuổi trung bình là 25,9. Còn với các đội bóng Nam Mỹ, Argentina là đội có độ tuổi trung bình cao, ở mức 29,3. Trong khi đó, độ tuổi trung bình của Brazil và Uruguay là 28,1.

Tại VCK lần này, Brazil thi đấu với cặp trung vệ sinh năm 1984 là Thiago Silva - Miranda. Ở bên cánh trái là Marcelo (sinh năm 1988) và Filipe Luis (1985). Cánh phải là Fagner (1989) và Danilo (1991). Rõ ràng, hàng thủ đã có tuổi này không thể theo kịp tốc độ của những ngôi sao tấn công mạnh mẽ và trẻ trung hơn như Lukaku, Eden Hazard và Kevin de Bruyne.

Phụ thuộc các cá nhân

Brazil, Argentina và Uruguay đều là những đội bóng lớn. Họ có những tên tuổi như Neymar, Messi, Cavani, Coutinho và Suarez. Tuy nhiên, trong những trận đấu vừa qua, những đội này chơi không ấn tượng về mặt chiến thuật. Ví dụ như trong những thời điểm ở các trận mà Brazil và Argentina thi đấu, thế trận tấn công của hai đội này phụ thuộc phần lớn bên hành lang cánh và cố tìm đẩy quả bóng cho tiền đạo cắm, thiếu những pha ban đập từ hàng tiền vệ. Chính vì cách chơi này, hậu vệ đối phương có thể ngăn chặn dễ dàng.

Tất nhiên, các đội bóng Nam Mỹ đã có những khoảnh khắc "xuất thần" trên sân, ví dụ như cú sút vào lưới Thụy Sĩ của Coutinho, những pha dốc bóng tốc độ của Neymar hay cú sút xa không tưởng của Di Maria vào lưới Pháp. Tuy vậy, bóng đá là môn chơi tập thể, không phải là màn thể hiện của các cá nhân.

Cuộc đua vô địch World Cup 2018: Chờ màn phản kích của Nam Mỹ

Cuộc đua vô địch World Cup 2018: Chờ màn phản kích của Nam Mỹ

Nhật Bản là điều lãng mạn cuối cùng của World Cup 2018, một lý do để người ta tin rằng, bóng đá là công bằng cho tất cả, cho đến khi Bỉ đóng sập giấc mơ đó, và mở ra cuộc đối đầu giữa châu Âu và Nam Mỹ ở vòng tứ kết.

Chiến thuật phức tạp

Hầu hết các đội có chỉ số kiểm soát bóng nhiều luôn gặp vấn đề ở World Cup năm nay. Cả Argentina và Brazil đều kiểm soát bóng nhiều hơn đối thủ trong những trận mà họ bị loại. Trong trận đấu với Bỉ, Brazil kiểm soát 59% thời lượng bóng trên sân và có tổng cộng 521 đường chuyền, vượt xa số 374 đường chuyển của "Quỷ Đỏ". Trong khi đó, Argentina kiểm soát 61% bóng trên sân và có 512 đường chuyền, nhiều hơn số 344 đường chuyền của Pháp. Chính sự rườm rà trong chiến thuật và cách tiếp cận tấn công cần quá nhiều chạm được cho là nguyên nhân khiến các đội bóng Nam Mỹ chơi không thành công.

Trong quá khứ, Brazil, Argentina và Uruguay từng vô địch World Cup tổng cộng 9 lần, nhưng kể từ lần vô địch cuối cùng của Selecao năm 2002, không đội bóng Nam Mỹ nào có thể bước lên đỉnh cao nhất tới lúc này. Duy nhất chỉ 1 lần Argentina lọt vào tới trận chung kết là World Cup 2014. Con số này cho thấy các đội Nam Mỹ cần đổi mới cách tiếp cận trận đấu và nên giảm bớt sự phụ thuộc vào các cá nhân trong những giải đấu lớn.

Anh Hiển

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm