Barca – Milan: Hãy để bóng đá ngoài cuộc chiến của sự thật và giả dối!

04/04/2012 07:19 GMT+7 | Champions League

(TT&VH Online) - Hãy giả sử những gì mà tất cả mọi người nói về một trận đấu bóng đá như một biểu đồ tròn.

Sau trận tứ kết lượt đi giữa Milan và Barca, biểu đồ tròn ấy bao gồm 19% chuyên môn, 80% chuyện mặt sân San Siro “như ruộng khoai tây” và may mắn còn 1% là câu chuyện bên lề đầy cảm động về “chiếc áo Ibra và tình bạn Abi”… Trước trận lượt về tại Camp Nou, người hâm mộ và giới chuyên gia trông chờ vào một trận chiến thật sự giữa sọc lam-đỏ và sọc đỏ-đen, bởi tỷ số hoà 0-0 trong trận lượt đi chính là nền tảng để trận lượt về trở nên khó lường và đáng được trông đợi nhiều hơn… Sau trận lượt về, biểu đồ tròn như đã giả sử bao gồm 19% chuyên môn, 80% chuyện trọng tài với 2 quả penalty “quá nghiêm khắc?” và may mắn còn 1% là câu chuyện về sự “thấu tình đạt lý” của những chiến binh già cùng tình yêu bóng đá mà người hâm mộ được chứng kiến ở những Messi, Iniesta.

Biểu đồ tròn ấy còn nói lên điều gì?

Kể từ sau khi bức tường Berlin sụp đổ, cả thế giới phẳng hơn, đó là điều chắc chắn mà cả nhân loại đã và đang chứng kiến. Đó cũng là lúc truyền thông đóng một vai trò quan trọng trong việc làm phẳng hoá thế giới. Nhưng phẳng không có nghĩa là sẽ “thẳng”! Fareed Zakaria đã viết trong quyển sách nổi tiếng “Thế giới hậu Mĩ” của ông rằng chính truyền thông đã khiến cho nhân loại quan tâm quá nhiều, bị cuốn quá nhiều vào những điều mà trước đó hàng chục năm, hàng trăm năm cũng những điều đại loại như thế bị đánh giá thấp, bị phớt lờ và thậm chí chẳng ai để mắt đến. “Quyền lực thứ tư” khiến mọi sự vật và hiện tưởng trở nên gần gũi hơn đến nỗi con người quá dễ mẫn cảm với nó và thậm chí quá sợ hãi nó. Dễ mẫn cảm nhưng lại dễ sợ hãi, chứ không phải dễ mẫn cảm nhưng dám dũng cảm đối mặt!

Đâu là sự thật và đâu là sự giả dối?

Nói đến Barca mùa này là nói đến một La Liga đầy sóng và gió của câu chuyện trọng tài. Từ một khối u của cả giải đấu, khi mang thân ra sân chơi châu lục, ác cảm của người đời về khối u ấy được gán vào chính Barca, cho dù ở mùa này Barca bị xem là đội bóng chịu oan nhiều nhất… Đó chính là sự mẫn cảm mà truyền thông đại chúng đã mang lại cho người đời. Nhìn nhiều hơn, nhìn đa chiều hơn, nhưng không tách bạch được chúng và không dám đối mặt với chúng. Khi ấy, sự thật, đáng buồn thay bị đánh tráo thành sự giả dối!

Nhà văn Mark Twain từng viết: “Người ta giả dối bất cứ khi nào, cả trong lúc ngủ và lúc thức, trong lúc buồn và vui. Nếu người nào đó giữ được cái lưỡi im lặng, anh ta sẽ chuyển sang giả dối bằng thái độ.”

Thật đáng tiếc khi sau khi trận cầu giữa Barca và Milan tại Camp Nou khép lại, những tranh cãi về chuyện trọng tài lại được dịp được “bung nở”. Ibrahimovic nói sau trận đấu rằng: “Giờ thì tôi đã hiểu những gì Mou từng nói một khi bạn thi đấu tại Camp Nou!” Phát ngôn viên của Mou là Eladio Parames, người vốn luôn bị cho là con rối trong tay Mou, viết trên Twitter: “Sau 45 phút hiệp 1 của trận đấu (giữa Barca và Milan), chúng ta có thể biết ai là nhà vô địch của Champions League.” Ngoài những người trong cuộc và ngoại vi, người hâm mộ và dư luận cũng tiếp tục cho thấy sự mẫn cảm của mình với “căn bệnh trọng tài”. Hai quả penalty mà trọng tài Bjorn Kuipers chỉ tay vào chấm vô trắng bên phần sân Milan có thể nói đã thay đổi toàn cục, và vì lẽ đó mà mọi sự phân tách được dồn vào đấy.


Trọng tài một lần nữa là tâm điểm của trận đấu - Ảnh Getty

Quả penalty thứ nhất được đại đa số chấp nhận là “sự thật”. Những quả thứ hai thì còn lắm những hoài nghi, thậm chí cho là “sự giả dối”, theo cách nhìn nhận của nhiều người. Theo dõi trận đấu này, Rio Ferdinand, một trung vệ cũng như Nesta, đã viết trên trang Twitter của mình khi chứng kiến tình huống quay chậm về pha kéo áo của Nesta khiến Busquets té ngã trong vòng cấm như sau: “Trọng tài đã làm theo luật… kéo áo = phạm lỗi… Và Messi = sự điềm tĩnh!”

Pep Guardiola khi được hỏi đã phát biểu trong cuộc họp báo sau trận đấu thế này: “Hai quả penalty đã được TV chiếu lại, trong trận lượt đi cũng đã có hai lần đáng để nói nhưng chúng tôi đâu có nói gì. Và lần này cũng thế, chúng tôi cũng không muốn nói nhiều. Nếu ai đó còn thắc mắc về quả penalty thứ hai khi Busquets bị kéo áo trong vòng cấm, thì chẳng khác nào chúng ta đang giải thích cho trẻ con về điều đó.”

Cùng là đồng đội với Ibra, nhưng Ambrosini có cái nhìn hoàn toàn khác về những tình huống “mẫn cảm” ấy. Anh nói cũng sau trận đấu: “Quả penalty thứ hai? Trọng tài đã rất dũng cảm, vấn đề là cách giải thích luật khác nhau.” Hay như Nesta cũng nói rằng: “Ở đấu trường châu Âu, các trọng tài điều khiển trận đấu khác như các trọng tài ở Ý.”

Vậy, đâu là sự thật và đâu là sự giả dối? Một tình huống kéo áo trong vòng cấm để rồi một trọng tài “dũng cảm” bắt lỗi tình huống ấy, lại bị xem là kẻ giả dối? Ông ấy dũng cảm vì ông ấy đã dám làm điều mà ở một giải đấu nọ những người đồng nghiệp như ông thường không mạnh tay như thế? Hay ông ấy dũng cảm vì ông ấy đã dám động vào “cái khối u đầy mẫn cảm” mà không ít người đang cam tâm chịu đựng? Chỉ vì một đội bóng đã dính dáng quá nhiều vào trọng tài mà một sự thật không có quyền được cho thấy hay sao?! Hay vì dư luận đã bị truyền thông “đầu độc” đến mức chỉ dám nhìn sự vật và hiện tượng qua một đám mây mù thay vì mở to mắt ra đối diện với chúng? Nói như Mark Twain thì trọng tài hay dư luận, ai mới là kẻ “giữ cái lưỡi im lặng để chuyển sang giả dối bằng thái độ”?

Từ một câu chuyện bóng đá để nảy sinh một câu hỏi rằng “Vì sao con người ta lại ngày càng dễ dàng lừa dối nhau như vậy?” Để rồi chính họ, từ kẻ lừa dối nhau, trở thành kẻ bị lừa dối của nhau. Đó không phải do truyền thông mà là do sự dũng cảm của chính họ đã bị dập tắt và bào mòn đi theo thời gian. Truyền thông chỉ là một công cụ và như đã nói, nó có ích lợi của nó. Nó sẽ trở nên tác hại nếu đối tượng mà nó hướng đến không chế ngự được mình.

Vẫn còn đó bóng đá thuần khiết

Chuyện trọng tài và penalty sẽ không thể khiến cho biểu đồ tròn đã nói ngay từ đầu mất đi khía cạnh chuyên môn cùng những chuyện bên lề đầy thú vị khác mà bóng đá mang lại. Mang trọng tài và penalty ra để “dìm” đi chiến thắng của Barca trước Milan là không thể! Gần đôi chục cú sút nã về khung thành Abbiati so với chưa đầy nửa tá của Milan về phía Valdes cùng một thế trận làm chủ rõ như ban ngày từ phía Barcelona là quá đủ để nói chiếc vé vào bán kết giành cho họ là điều xứng đáng.

Trận đấu ở khía cạnh cảm xúc nơi người hâm mộ được đẩy lên cao trước thềm trận đấu bởi (đôi khi là) sự quá trớn của truyền thông có lẽ đã không được toại nguyện sau trận đấu này. Không quá căng thẳng cũng không quá kịch tính theo đúng chất bóng đá thuần khiết, nhưng trận cầu ở khía cạnh chuyên môn là một sự hấp dẫn thực sự. Đối đầu với Barca ngày hôm nay, điều thường xuyên bắt gặp nhất là: một đội bóng phòng ngự tiêu cực chờ cơ hội phản công hoặc một đội bóng khép mình chịu trận. Còn ở Milan của Allegri vừa qua, họ có thể đôi khi mắc lỗi nhưng họ đã dám chơi dâng tràn cùng Barca – điều không thường xuyên của bóng đá ngày nay. Đó là một Milan dũng cảm kiếm tìm một sự tôn trọng của đối thủ, nhưng đó cũng là một Milan không đủ sức theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng để đi đến hết chặng đường kiếm tìm của mình. Song, Milan già nua ấy vẫn luôn được tôn trọng!

Những pha chơi bóng đến thản nhiên và vô tư của Messi và Busquets gần cuối trận đấu là minh chứng cho Barca của trận đấu này. Đẹp, đẹp thật, nhưng lại quá vô tư đến mức có thể gây tai ương bất cứ lúc nào. Sự thiếu nắn nót của Thiago và Adriano hay do họ quá vô tư? Nhưng cũng may vì Barca còn đó những Messi hay Iniesta. Messi có bàn thắng thứ 51 của mình tại Champions League, qua đó chen chân vào Top 3 tay săn bàn nhiều nhất mọi thời đại của lịch sử giải đấu, và cũng đồng thời biến anh thành tiền đạo trẻ nhất giải đấu vươn đến cột mốc 50 bàn. Còn với Iniesta, không chỉ đá hay mà anh còn có bàn thắng để làm quà dành tặng cho cô công chúa Valeria của mình nhân ngày sinh nhật 1 tuổi…

Có một kết luận và một lời mở đầu để đúc kết lại toàn bộ. Lời kết luận là “trong lằn giới mong mang giữa sự thật và giả dối, bóng đá thuần khiết vẫn luôn thật và dễ nhận ra đấy thôi. Sống như cách mà Messi hay Iniesta chơi bóng bằng đam mê cháy bỏng cùng lí tưởng cống hiến vĩnh hằng có phải sẽ thật tuyệt hơn không!” Và lời mở đầu là “Nếu một mai đối đầu với Chelsea tại bán kết, chuyện trọng tài sẽ được đẩy đến cao trào nào sau quá khứ 2009 và thực tại 2012?”

Thăm dò ý kiến

Bạn có cho rằng trọng tài có vấn đề trong trận đấu giữa Barca và Milan?


Hoàng Thông

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm