TS Olivier Tessier: Yêu Hà Nội bằng trái tim nhà khoa học

30/08/2012 08:27 GMT+7 | Giải Bùi Xuân Phái


(TT&VH) - Không màu mè, không tô vẽ, bằng cái nhìn thực tế và chính xác của một nhà khoa học, TS Olivier Tessier nói rằng anh yêu Hà Nội bởi đó là một phần công việc. Nhưng nhìn lại những cống hiến của anh với Hà Nội, với Hoàng thành Thăng Long thì hẳn nhiều người sẽ tán đồng với ý kiến của GS Phan Huy Lê: “TS Olivier Tessier là nhà nghiên cứu hàng đầu về Hoàng thành. Bộ sưu tập ảnh và bản đồ cổ về thành Hà Nội của anh đã cho chúng ta nhìn thấy rõ một giai đoạn chuyển giao đặc biệt của đô thị Hà Nội thế kỷ 19-20”.

Gần 20 năm nghiên cứu về Hà Nội, Olivier Tessier đã sưu tầm được hàng nghìn bức ảnh, bản đồ cổ về Hà Nội khiến giới sử học Việt Nam sửng sốt bởi giá trị tư liệu của chúng. Rất nhiều bản đồ, bản vẽ và bức ảnh Hà Nội lần đầu tiên được biết đến. Đặc biệt là những bức ảnh cổ về Hoàng thành Thăng Long với tất cả các cổng thành, khi thành Hà Nội chưa bị Pháp phá hủy.


TS Olivier Tessier

1. Về lý do nghiên cứu Hoàng thành Thăng Long, anh cho biết, từ năm 2007, Viện Viễn Đông Bác Cổ hợp tác với Viện Khảo cổ, viện Khoa học Xã hội thực hiện phân tích, đánh giá các di sản trên phố Hoàng Diệu (Hà Nội). Trong công trình mang tính toàn diện đó, Olivier Tessier lại đặc biệt chú ý nghiên cứu Hoàng thành thế kỷ 19 và 20. Bởi với những tư liệu anh đã sưu tập được, anh nhận thấy đây là thời gian mà thành Hà Nội có nhiều biến thiên dữ dội: Thứ nhất là nhà Nguyễn đã phá và sửa làm Hoàng thành mới một bậc. Sau đó, người Pháp đô hộ đã phá một số ngôi nhà, một số di tích của thành Hà Nội rồi sau đó phá hết di tích Hoàng thành”. Olivier Tessier nói: “Đơn giản, tôi quan tâm đến việc này và nghiên cứu sâu hơn”.

Khi tôi hỏi: “Anh có yêu Hà Nội nhiều không?” Olivier Tessier cười: “Bây giờ có thể một số người Pháp yêu Hà Nội, rất thích Hà Nội. Nhưng tôi nghiên cứu Hà Nội từ 1873 đến 1945 và cả thời kỳ trước đó nên tôi muốn quay về thời gian đó. Những người Pháp ở chế độ thực dân đã phá đi nhiều di sản của Hà Nội và xây dựng nhiều công trình của người Pháp. Người Việt là dân thuộc địa đã phải chấp nhận, cũng như Hà Nội phải chấp nhận sự áp đặt đó. Người Pháp muốn biến thành phố này thành một thành phố của Pháp và quên rằng đây là một thành thị của Việt Nam. Người Pháp không quan tâm đến chuyện đây là một thành phố phương Đông bằng việc họ muốn sẽ tổ chức một thành phố kiểu Pháp tựa như Paris, Bordeaux hay Toulouse”.



Điện Long Thiên trong thành Hà Nội (1870). Nguồn ảnh: Bảo tàng Guimet, Gsell

Dừng một lát, Olivier Tessier mới trả lời thẳng câu hỏi của tôi: “Tôi có vợ là người Việt Nam từ năm 1993, năm 1995 có học bổng của Pháp sang làm luận án tiến sĩ tại Việt Nam và chúng tôi sống ở Hà Nội từ năm 1995. Những năm đầu tiên, tôi rất thích vì thành phố đẹp và quan hệ xã hội rất hay. Nhưng khoảng 6, 7 năm sau đó, với thực tế đô thị hóa Hà Nội thì tôi không thích. Hà Nội rất ô nhiễm và là thành phố có nguy cơ về tai nạn giao thông. Thứ hai nữa là quan hệ xã hội càng ngày càng thiếu thắm thiết, không tình cảm như trước. Hà Nội phát triển, có những người rất nhiều tiền và không quan tâm gì đến người khác. Tôi hơi thất vọng”.

Olivier Tessier cười: “Đấy là cái nhìn của tôi, của người nước ngoài chứ không phải phê phán, đó chỉ là chia sẻ về Hà Nội thôi”.

2. Olivier Tessier nói rằng những đóng góp của anh với Hà Nội đã được thể hiện qua những cuộc triển lãm, tọa đàm mà anh tham gia xây dựng.

Thời điểm diễn ra Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội là lúc anh tất bật nhất với Hà Nội. Đó là thời kỳ chuẩn bị cho triển lãm trưng bày hiện vật Hoàng thành Thăng Long do Viện Khoa học Xã hội VN và Viện Viễn Đông Bác Cổ thực hiện năm 2010. Điều khó khăn nhất với những người thực hiện là phải lựa chọn số lượng rất hạn chế những hiện vật sao cho thực sự tiêu biểu và thể hiện được các giai đoạn lịch sử của Hoàng thành. Trong khi có hàng nghìn hiện vật được tìm thấy. Tiếp theo, anh cùng các đồng nghiệp xây dựng những lời thuyết minh, in pano để du khách ở mọi trình độ có thể hiểu biết về Hoàng thành.

GS Phan Huy Lê: “Trong bộ sưu tập ảnh của Olivier Tessier, có nhiều bức lần đầu tiên được công bố, vô cùng giá trị. Ví dụ một bức ảnh tìm được ở Paris về thành Hà Nội thời kỳ còn đề là thành Thăng Long, tức là trước khi đổi thành tên thành Hà Nội. Bức ảnh giải thích từng căn nhà bên trong thành. Olivier Tessier chụp lại và phóng lớn nó lên rồi chuyển những chữ Hán ra chữ Quốc ngữ kèm theo bản chú thích tiếng Pháp.

Đó có thể nói là bản đồ sớm nhất của Hà Nội, bởi bản đồ sớm nhất mà chúng ta có hiện nay phải đến 1831, thời điểm Thăng Long đổi tên thành Hà Nội mới có. Bản đồ của Olivier Tessier công bố còn có từ trước đó. Ở Pháp hiện nay có hai bản đồ cổ nhất về Hà Nội, một cái không xác định được về năm, và cái thứ hai chính là cái anh Olivier tìm ra”.

Song song với cuộc trưng bày hiện vật Hoàng thành, trong những ngày Đại lễ, Olivier Tessier còn tất bật chuẩn bị cho một sự kiện về Hà Nội do mình chủ trì. Cuối tháng 9 năm 2010, Olivier Tessier chủ trì cuộc triển lãm và tọa đàm tại Trung tâm Văn hóa Pháp: “Từ chuyển đổi đến phá hủy thành Hà Nội thế kỷ 19: Những thách thức chính trị và quy hoạch không gian đô thị”.

Những nghiên cứu tâm huyết, những sản phẩm của Olivier Tessier lần đầu tiên được công bố mà theo lời GS Phan Huy Lê: “Bộ sưu tầm ảnh thành cổ Hà Nội có thể nói là số một hiện nay không chỉ trong phạm vi Việt Nam mà cả thế giới. Trong đó nhiều cái lần đầu tiên được công bố, được giới sử học biết đến”. Qua những bức ảnh tư liệu, hiện trạng của thành cổ Thăng Long trước thời thuộc địa và những thay đổi cơ bản của thành Hà Nội khi thành bị Pháp phá hủy vào năm 1897 được hiện lên chân thực nhất, gây sửng sốt với những nhà sử học Việt Nam.

GS Phan Huy Lê cho biết, ông trực tiếp tham dự cuộc triển lãm, tọa đàm tại Trung tâm Văn hóa Pháp của  Olivier Tessier. Ông đánh giá cao nội dung tọa đàm do chính Olivier Tessier thuyết trình, trong đó lên án việc Pháp phá thành Hà Nội, như tội phá hoại các di sản văn hóa.

Sau “cao trào” năm 2010, Olivier Tessier tiếp tục những “việc làm vì tình yêu Hà Nội” như một dòng chảy âm thầm đến nay. Từ năm 2011 anh tiếp tục công cuộc đi tìm lại hình ảnh Hà Nội. Và dịp Tết Nguyên Đán 2012 cuộc triển lãm mang tên "Một số hình ảnh tiêu biểu về Hà Nội giai đoạn 1873-1945" đã diễn ra tại Hoàng thành Thăng Long.



Dấu tích còn lại của bậc thềm điện Long Thiên (1928). Nguồn ảnh: EFED

Anh và đồng nghiệp TS Phillipe Le Failler ở Viện Viễn Đông Bác Cổ đã phải căng sức làm thâu đêm suốt sáng gần một tháng liền để chuẩn bị cho triển lãm. Nhưng đó chỉ là giai đoạn tập hợp, hệ thống lại. Trước đó, anh và TS Phillipe Le Failler đã dày công sưu tầm từ những kho tư liệu đồ sộ của Pháp như thư viện ảnh của Viện Viễn Đông Bác cổ tại Paris; Cục Lưu trữ quốc gia hải ngoại của Pháp; Phòng Bản đồ và sơ đồ của Thư viện Quốc gia Pháp; Thư viện Ảnh của Bảo tàng Guimet (Paris); Bộ phận Lưu trữ tư liệu ảnh thuộc Phòng lịch sử Bộ Quốc phòng Pháp; Quỹ Tư liệu ảnh thuộc Thư viện Đại học Nice Sophia - Antipolis và rất nhiều nguồn ảnh khác.

Hai nhà khoa học đã thực hiện rất nhiều chuyến đi giữa Hà Nội - Paris, bằng phương pháp và nhãn quan khoa học, họ đã tập hợp được những hình ảnh, bản vẽ, bản đồ quý giá về Hà Nội mà như GS Phan Huy Lê đã nói: “Với những tài liệu này người xem không chỉ tìm thấy Hà Nội xưa, mà còn biết được cả một tiến trình đổi thay của Hà Nội”.

Để có được những bức ảnh quý giá, Olivier Tessier phải huy động tất cả các mối quan hệ trong giới khoa học, các thư viện, viện bảo tàng và cả các cơ quan chức năng Pháp. Tất cả để cho người Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung, được thấy những hình ảnh gốc hoặc gần với bản gốc nhất về Hà Nội.

Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội năm 2012 sẽ được trao vào ngày 31/8/2012 tại Hà Nội. Giải thưởng gồm 4 hạng mục: giải thưởng Lớn; giải Tác phẩm; giải Ý tưởng; giải Việc làm. Chi tiết các đề cử của năm nay, TT&VH sẽ tiếp tục giới thiệu trên các số báo tới.

Mạnh Cường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm