Bầu chọn giải Âm nhạc Cống hiến tại TP.HCM: Đối chất thẳng thắn

17/04/2012 07:23 GMT+7 | Giải Âm nhạc Cống hiến


(TT&VH) - Vào lúc 9h30 ngày 16/4 tại Cơ quan đại diện của TTXVN ở TP.HCM đã diễn ra lễ bầu chọn giải Âm nhạc Cống hiến khu vực phía Nam, với khoảng 50 nhà báo tham dự. Nếu nói thật ngắn gọn về buổi bầu chọn này, nhiều người sẽ đồng ý với cụm từ: trách nhiệm và thẳng thắn.

Để mở đầu buổi lễ, nhà báo Đỗ Hải Âu (Trưởng đại diện báo TT&VH tại TP.HCM) nói rất súc tích: “Sự thành công và sự sôi động của giải thưởng này phụ thuộc rất nhiều vào sự công tâm, nhiệt huyết của các anh chị đồng nghiệp trên cả nước”.

Định vị thương hiệu

Truy cập trang web riêng của Giải Âm nhạc Cống hiến tại đây.

Nhạc sĩ Dương Thụ (cố vấn nghệ thuật) cho rằng năm nay các nhà báo đã chứng tỏ được quan điểm, chuyên môn và chính kiến của mình khi chọn đúng những nhân tố và sản phẩm âm nhạc xứng đáng, nó khá sâu sát với hoạt động âm nhạc của năm 2011. Chính sự đa dạng này đã làm cho việc dàn dựng chương trình khá thuận lợi, vì bản thân từng nhân vật đã có những hương sắc và cá tính riêng. Ví dụ như Lê Cát Trọng Lý sẽ hát với cây guitar, trong khi đó Mỹ Linh hay Nguyên Thảo sẽ hát với dàn nhạc thính phòng. Bên cạnh đó còn có ban nhạc rock Quái Vật Tí Hon.

Nhạc sĩ Dương Thụ tâm đắc nhất với đề cử Nguyễn Công Hải (nhóm Quái Vật Tí Hon) và ca sĩ Nguyên Thảo. Ông nói: “Sau nhiều năm gắn bó và theo dõi nhạc nhẹ, năm nay tôi thấy trường hợp Hải Bột thì rất phục, vì bạn ấy xứng đáng là một tác giả rock riêng biệt - một kiểu rock đi ra từ bản thể của văn hóa, lối sống Việt Nam”.

Bầu chọn Cống hiến tại TP.HCM vào sáng 16/4. Ảnh: Việt Cường

Nhạc sĩ - nhà báo Quỳnh Hợp (và cả nhà báo Kim Thanh) thì không nghĩ như thế, chị cho rằng đây là hai trường hợp hơi khiên cưỡng, trong khi bỏ sót Mỹ Tâm, Hồ Ngọc Hà, Đức Tuấn trong hạng mục ca sĩ là điều đáng tiếc. Tất nhiên đây là ý kiến chủ quan, được BTC và mọi người hoàn toàn tôn trọng, nhưng cũng có những ý kiến chủ quan khác (ví dụ nhà báo Phan Cao Tùng) thì không đồng ý, nên thẳng thắn bày tỏ quan điểm của mình với nhạc sĩ này.

Nhà báo Quỳnh Hợp cũng thắc mắc về chuyện giải Cống hiến là của báo chí hay của báo TT&VH? Bởi theo chị, nếu là của báo chí thì hãy để các nhà báo tự đề cử danh sách và bỏ phiếu trên chính danh sách đó. Nhà báo - nhạc sĩ Hữu Trịnh, Phó ban tổ chức thường trực, người chủ trì cuộc họp, tái khẳng định rất rõ: Ra đời từ năm 2004 theo sáng kiến của Báo TT&VH, giải Âm nhạc Cống hiến là của Báo TT&VH, vì thế nó định vị thương hiệu và dấu ấn của báo TT&VH. Trong các tiêu chí đề ra, giải này quan tâm nhiều nhất đến tính công luận và sự phát hiện các nhân tố mới, sáng tạo đóng góp vào sự phát triển của đời sống âm nhạc đại chúng. Giải nhận được sự đồng hành tự nguyện, công khai của nhiều nhà báo theo dõi mảng âm nhạc trên cả nước. “Chúng tôi không chạy theo công chúng mà là hướng đến xây dựng một lớp công chúng có thẩm mỹ cao cho nghệ thuật âm nhạc”, nhà báo Hữu Trịnh phát biểu.

Trong quá trình lọc danh sách để đưa ra đề cử, BTC đã trải qua các bước nghiêm ngặt, trong đó có việc tham khảo từ đồng nghiệp báo chí. Tham vọng của giải là đưa ra được một danh sách có sức thuyết phục với số đông những người làm chuyên môn, nên chuyện có vài cá nhân không đồng tình hoặc phản đối là điều hết sức bình thường và dễ hiểu. Bởi thực tế cho thấy không có một tiêu chí nào phù hợp với 100% ý kiến chủ quan hoặc khách quan.

Một số nhà báo trao đổi riêng với chúng tôi ở hành lang về quyền từ chối, nghĩa là bạn có quyền đến dự họp báo mà không bầu chọn, nếu thấy danh sách đó chưa thuyết phục được mình. Bởi suy cho cùng, mỗi cuộc chơi đều có luật chơi riêng và cần phải được tôn trọng; chính điều đó làm nên sự đa dạng và khác biệt cần thiết của cuộc sống.

Thế nào là Ca khúc của năm?

Phần cuối của buổi họp báo dành khá nhiều thời gian để thảo luận đến hai hạng mục dự kiến đưa vào hệ thống giải Cống hiến cho năm 2012: Nghệ sĩ mới Ca khúc của năm.

Nghệ sĩ mới được định nghĩa là: “Những ca sĩ, nhạc sĩ lần đầu tiên chính thức tham gia vào những hoạt động âm nhạc mang tính chuyên nghiệp và tạo được tiếng vang trong công luận (với các hình thức như album, sáng tác ca khúc, biểu diễn sân khấu) theo chiều hướng tính cực, phù hợp với tiêu chí của giải Cống hiến. Nghệ sĩ mới không hạn chế về tuổi tác”. Với định nghĩa rõ ràng như thế thì gần như không có nhà báo nào thắc mắc trực tiếp.

Riêng Ca khúc của năm thì vẫn còn nhiều tranh luận về mặt định nghĩa, dù đa phần đã đồng tình về việc xác lập hạng mục này. Trong một trao đổi riêng với BTC, nhà báo Trọng Thịnh rất băn khoăn, bởi có nhiều ca khúc cũ nhưng về sau mới nổi tiếng thì xét thế nào? Hoặc có ca khúc hay nhưng trước đó ca sĩ trình bày thất bại, sau này một ca sĩ khác trình bày thành công thì có được xét hay không?

Rõ ràng về mặt công luận thì đây là những ca khúc đã tạo được sự quan tâm của giới chuyên môn và người thưởng thức trong năm đó, nhưng khi áp vào tiêu chí của giải Cống hiến thì thiếu tính phát hiện, nên không được xét. Bởi tính phát hiện không chỉ giúp định hướng thẩm mỹ mới, mà còn kích thích sự sáng tạo của các nghệ sĩ.

Nhà báo Phong Việt thì cho rằng mỗi năm số ca khúc hay xuất hiện thường khá ít, mà chủ yếu trong số đó là thông qua các cuộc thi âm nhạc. Có ca khúc trong cuộc thi chưa thật hay vì người hát chưa thật hợp, nhưng năm sau đến tay ca sĩ chuyên nghiệp thì nổi bật, vậy thì phải xét thế nào? Phải chăng nên có một ước định về khoảng thời gian nào đó cho việc xuất hiện và tạo được dấu ấn cho mỗi ca khúc mới. Phong Việt cũng đề nghị bổ sung thêm hạng mục nhà sản xuất âm nhạc, bởi theo anh, chính họ là người làm ra các sản phẩm chất lượng, nơi mà giải Cống hiến hướng đến. Nhà báo Hữu Trịnh trả lời ngay rằng đây là đề nghị chính đáng nhưng chưa thực hiện được vì số nhà sản xuất âm nhạc đẳng cấp ở Việt Nam còn quá ít, chẳng lẽ năm nào cũng trao giải quẩn quanh cho họ. Khi nào họ đủ đông để cạnh tranh thì giải sẽ mở thêm hạng phục này. Bởi việc mở rộng và canh tân trên tiêu chí nền tảng là điều mà BTC giải Cống hiến luôn luôn nghĩ đến.

Như Hà

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm