Đề cử: Nhạc sĩ Vĩnh Cát - Thể hiện tình yêu Hà Nội bằng ngôn ngữ giao hưởng

13/08/2010 15:19 GMT+7 | Giải Bùi Xuân Phái


Chương trình “Nhạc sĩ Vĩnh Cát với Hà Nội thủ đô yêu dấu” đã diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào ngày 4/7, dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng người Mỹ gốc Nhật Bản Shuichi Komiyama, tạo được tiếng vang lớn trong dư luận.

Chương trình gồm hai tác phẩm: Một là bản concerto “ Đây Sông Hồng – Sông Cái” viết cho Violon và dàn nhạc, gồm ba chương (Soi bóng kinh thành, Lấp lánh đỏ sóng phù sa, Mãi dạt dào, ơi! dòng sông). Hai là bản giao hưởng “Không chỉ là huyền thoại” gồm 5 chương (Đế đô cho muôn đời., Tình người Thăng Long -Hà Nội, Những thiên sử vàng, Sức sống kinh kỳ, Đất nước Tiên Rồng cất cánh). Hai tác phẩm dày đến 500 trang tổng phổ và mất đến 18 tháng để hoàn thành chứa đựng nhiều tình cảm của ông dành cho Hà Nội.

Nhạc sĩ Vĩnh Cát là một trong số những nhạc sĩ đầu tiên xây dựng nền âm nhạc chuyên nghiệp Việt Nam trong sáng tác khí nhạc. Bản thân ông là một trong ít các nhạc sĩ Việt Nam thành công cả trên lĩnh vực khí nhạc và thanh nhạc. Hơn thế nữa, không chỉ hoạt động trong âm nhạc, ông còn tham gia việc bảo tồn, tôn tạo các di tích của Thủ đô như Văn Miếu – Quốc tử Giám, Cổ Loa, Phố cổ, góp phần phục hồi hình thức nghệ thuật truyền thống Hát ca trù, hát xẩm và các lễ hội dân gian.

Phát biểu với báo giới, nhạc sĩ tâm sự “Tôi muốn thể hiện tình yêu sâu sắc của mình với Hà Nội bằng ngôn ngữ giao hưởng, vì chỉ có thể loại âm nhạc bác học đa tầng, đa nghĩa như giao hưởng mới có thể nói lên mọi cung bậc tình cảm, mọi suy nghĩ đa chiều với triết lý sâu rộng về Hà Nội, về đất nước Việt Nam.

Vẫn biết âm nhạc không lời nói chung, nhạc giao hưởng nói riêng chưa có nhiều công chúng ở Việt Nam, nhất là đối với lớp công chúng trẻ tuổi. Nhưng nếu như trong các chương trình nghệ thuật chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long chỉ toàn là ca khúc, chỉ có các loại nhạc Pop, Rock… lan tràn thì thật nghèo nàn, như thiếu đi chất trí tuệ của người Hà Nội. Vì lẽ đó, tôi muốn sáng tác giao hưởng về Hà Nội. Tôi thật sự hứng khởi, vượt qua cả nỗi đau của bệnh tật, ròng rã mấy năm trời thai nghén và sáng tác hai tác phẩm giao hưởng này để mừng Hà Nội 1.000 năm tuổi.

Hai tác phẩm có sự bổ sung, phối hợp cho nhau, hy vọng có thể phản ánh được mọi mặt của Thăng Long xưa, Hà Nội nay".

                                          Đêm nhạc Vĩnh Cát

Báo Vietnamnet đánh giá:  Nhạc sĩ  Vĩnh Cát đã viết lịch sử Hà Nội bằng nhạc giao hưởng. Ông tâm sự trên báo này: “Bấy lâu nay chúng ta vẫn làm sân khấu hóa lịch sử nhưng đối với nhạc không lời nói chung và nhạc giao hưởng nói riêng không viết lại lịch sử thông qua tác phẩm. Riêng tôi, tôi không viết lại lịch sử mà chỉ lấy cái cảm thức đối với lịch sử. Bản giao hưởng “Đây sông Hồng – Sông Cái” viết về sông Hồng – chảy qua Hà Nội hơn 40 km, bồi đắp nên vùng châu thổ rộng lớn ở miền Bắc Việt Nam. Con sông gắn bó với cuộc sống người Thăng Long từ bao đời nay với bao nhiều tình cảm yêu thương, vui buồn, da diết, mãnh liệt. Con sông phản ánh muôn mặt đời sống người Hà Nội. Viết về dòng sông Hồng bằng nhạc giao hưởng thì chưa ai viết cả. Có lẽ lịch sử trao vào tay mình chăng? Tôi làm thôi”.

Nói về chất Hà Nội, con người Hà Nội thể hiện như thế nào trong hai bản giao hưởng này, ông nói: “Con người Hà Nội tiêu biểu cho con người Việt Nam. Cung bậc hào hoa, thanh lịch, dũng cảm, chí khí được tôn lên vì mảnh đất này là kinh đô, hơn nữa là nơi lắng tụ văn hóa của mọi miền đất nước. Chương II của bản “Đây sông Hồng – Sông Cái” mang tên “Lấp lánh đỏ sóng phù sa” không chỉ thể hiện màu đỏ đặc trưng của sông Cái, lấp lánh dưới ánh trời một vẻ đẹp kỳ ảo mà bao đời nay, con người đắp đê phòng lụt, rồi giặc ngoại xâm xa, gần kéo đến, vượt sông vào kinh thành bao nhiêu lần thì bấy nhiêu lần chịu thảm bại ê chề rút lui về cố quốc, máu đã nhuộm dòng sông đỏ thêm. Con người Hà Nội hiện lên đầy kiêu hãnh thế đấy”.

Nhạc sĩ Vĩnh Cát tâm sự trên báo điện tử Vietnamplus:  “Đây là hai tác phẩm tôi viết trực tiếp và đầy đủ nhất về Hà Nội Đặc biệt, bản giao hưởng “Không chỉ là huyền thoại”, tôi có đưa vào đoạn điệp khúc không khí lễ hội dân gian với tiếng cồng, chiêng. Dàn nhạc của tôi sẽ thể hiện cả tiếng trống, tiếng phách, tiếng đàn đáy, tiếng hát ca trù. Ngoài ra, tôi đưa vào cả tiếng mõ, tiếng chuông, tiếng tụng kinh trong chùa, tiếng cầu nguyện của nhà thờ… Đây cũng chính là thử thách đối với cả nhạc sĩ cũng như dàn nhạc”

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm