Vũ Quang Trung - Ngày xưa và ngày nay

14/11/2012 07:00 GMT+7 | Âm nhạc


(TT&VH Cuối tuần) - Xuất hiện bất ngờ trên sân khấu đêm diễn của Bằng Kiều, Vũ Quang Trung, một trong những thủ lĩnh của nhạc nhẹ Hà Nội một thuở làm nhiều người rưng rưng nhớ lại “một thời tươi đẹp”. Chàng trai Hà Nội (con trai nhạc sĩ Vũ Thanh, tác giả hai bài hát nổi tiếng về Hà Nội, Hà Nội mùa Thu - Xanh xanh thắm bầu trời xanh Hà Nội… và Bài ca Hà Nội - Ta đi trên đường Hà Nội rực rỡ chiến công…) không lạ với những ai đã từng yêu ban nhạc Hoa Sữa mà anh đồng sáng lập. Và anh càng không lạ khi nhiều bài sáng tác từng là những “hit” của một thời như Anh yêu em, Đôi mắt, Chiều Hà Nội… Chỉ lạ là 15 năm nay anh… biến mất và không để lại dấu tích gì ở thị trường nhạc Việt. Giờ anh là ông chủ của một trường dạy nhạc khá đồ sộ ở California (Mỹ).

Thành công là không đứng yên một chỗ

* Anh đã từng có một sự nghiệp mà nhiều người mơ ước, từng giữ chức Phó chủ nhiệm Khoa nhạc Trường Cao đẳng VHNT QĐ, đồng sáng lập ban Hoa Sữa, có nhiều tác phẩm khí nhạc, chỉ huy trong nhiều chương trình ca nhạc lớn, có nhiều ca khúc hay được đánh giá là chỉ có các diva mới dám hát… Thế mà anh đã bỏ hết…

- Mỗi người đều có một lựa chọn về đường đi, về cuộc sống của mình. Nguyên nhân đầu tiên khi tôi ra đi là bởi tôi muốn học thêm để có trình độ tốt hơn. Đối với tôi, sự thành công của mỗi người đều có sự nhìn nhận khác nhau. Với tư cách một người sáng tác thì sự thành công trong một thời điểm không nói lên được điều gì. Đó là lý do mà vào thời điểm năm 2000 cho dù “được” hay “chưa được” thì tôi vẫn muốn nhìn về phía trước, muốn được lên một mức khác cao hơn so với bản thân mình. Lúc đó tôi thấy rằng trong vòng vài năm nữa thôi thị trường âm nhạc Việt Nam sẽ cần những thứ khác cao hơn, chuyên nghiệp hơn nên quyết định ra đi để học hỏi.

Một nhạc sĩ từ lúc bước vào nghề cho đến cả cuối đời vẫn phải cập nhật những cái mới. Chẳng ai nói được bạn sẽ ra sao nếu bạn cứ đứng mình ở một chỗ đấy cho dù nó có thể, vào thời điểm ấy, vị trí đó cho bạn nhiều thứ. Những người bạn của tôi trong ban nhạc Hoa Sữa ngày xưa bây giờ đều có địa vị rất tốt. Đó là điều rất bình thường, ai cũng có con đường của mình, đam mê của mình, tôi thì tôi thích ra ngoài hơn.

* Anh đã đi học gì và điều đó đã giúp được gì cho anh?

- Tôi học quản lý về nghệ thuật nói chung, âm nhạc nói riêng. Ở Việt Nam gần như không có ngành này. Những người ra nước ngoài học đa phần là đều học về nhạc, sáng tác hay một nhạc cụ nào đó. Sau khi học xong về quản lý nghệ thuật thì tôi học thêm sáng tác nhạc phim bởi đó cũng là niềm đam mê của tôi.

Lúc ở Việt Nam, cho dù tôi đã học ở trường nhạc 16 năm nhưng càng học tôi lại càng thấy mình thiếu hụt rất nhiều. Chẳng ai dạy tôi làm thế nào để quản lý những con người đang hoạt động nghệ thuật. Đó là một điều hoàn toàn chưa từng có ở Việt Nam. Tôi có một ước mơ một ngày sẽ về Việt Nam và mở một công ty chuyên quản lý về nghệ thuật.

* Cần gì phải ước mơ, bây giờ anh hoàn toàn có thể về đây và thực hiện nó mà?

- Vấn đề là thời gian mà thôi. Bên Mỹ tôi đang có một trường dạy nhạc và hiện tôi rất bận rộn với nó. Ngôi trường này cũng là một ước mơ của tôi, ở đó tôi có thể dạy, có thể hòa âm, phối khí, soạn khí nhạc… Tôi cũng mong sẽ sớm mở một trường như vậy ở quê nhà.

* Việt Anh, Đức Trí cũng ra nước ngoài học như anh nhưng rồi họ đã trở về. Còn anh chắc còn có nhiều lý do khác?

- Như đã nói, vấn đề của tôi chỉ là thời gian. Tôi vẫn còn vướng nhiều kế hoạch ở nước ngoài. Tôi luôn xác định rằng hiện có hai thị trường âm nhạc cần phải chú tâm, một là ở Việt Nam, hai là ở hải ngoại. Cần phải ổn định một trong hai và sau đó mở rộng ra. Tôi xác định mình cần phải ổn định từ bên ngoài sau đó sẽ về nước để mở rộng thêm.

* Anh thuộc tuýp nào, hoài niệm hay luôn nhìn về phía trước?

- Tôi luôn nhìn về phía trước.

* Như vậy có lẽ những kỷ niệm cũ, những vinh quang của một thời âm nhạc trong nước không làm anh nung nấu để sớm quay về làm lại những gì như xưa?

- Tôi nghĩ ai cũng có ấp ủ của riêng mình nhưng đừng nên tham quá. Mình nên biết mình đang ở đâu, những gì mình đang làm được và những gì sẽ làm. Tôi chẳng bao giờ hấp tấp làm một cái gì đó khi chưa đến thời điểm hay làm lại một việc gì đó đã qua khá lâu. Tôi đã nói với Hồng Kiên, Đức Trí rằng chắc chắn tôi sẽ về và một làm live show âm nhạc của riêng tôi. Đầy kỷ niệm chứ, toàn những người bạn thân thiết một thời, ai chẳng muốn. Nhưng bây giờ vẫn chưa phải là lúc. Ở Việt Nam bây giờ làm nhạc đòi hỏi nhiều thứ cao hơn ngày xưa rất nhiều. Không thể vội vàng để rồi làm mất đi chất lượng của nó.

Cùng những người bạn cũ: Bằng Kiều và Mỹ Linh. Ảnh: V.C

* Những người bạn của anh, từ những nhạc sĩ trong ban Hoa Sữa, cho đến Hồng Nhung, Mỹ Linh, Thanh Lam, Trần Thu Hà, Bằng Kiều đều có những sự nghiệp rực rỡ. Có bao giờ anh nghĩ riêng cho mình và thấy chạnh lòng?

- Chẳng bao giờ. Mỗi người có một con đường đi. Cá nhân tôi là một người làm nhạc, tôi không đặt nặng mức độ danh tiếng mà mình phải có. Tôi chỉ thích làm nhạc và làm nhạc mà thôi. Ai biết tôi thì sẽ biết, ai không thì cũng chẳng quan trọng gì.

* Nhưng danh tiếng có thể giúp anh đến gần công chúng hơn…

- Đúng là nó đã từng giúp tôi đưa cái tên Vũ Quang Trung đến với nhiều người qua những giọng hát của các diva. Nhưng như đã nói, với tôi, thành công trong một thời điểm không quan trọng bằng cả một chặng đường dài.

* Có gì khác nhau của Vũ Quang Trung thời Hồng Nhung và Vũ Quang Trung của Nguyễn Hồng Nhung (ca sĩ tại hải ngoại) hiện tại?

- Chẳng có gì khác cả. Tôi vẫn thế thôi. Chỉ có điều ngày xưa tôi cực đoan hơn so với bây giờ. Lúc ấy tôi nghĩ âm nhạc nên phải như thế này thế nọ. Nhưng bây giờ thì tôi đã đỡ hơn. Ra ngoài và trông thấy nhiều điều cho nên tôi đã thay đổi. Nói thế không phải sự khắt khe đã trở thành dễ dãi. Sự thay đổi của tôi là có cái nhìn sâu hơn vào một vấn đề và khi bạn nhận chân được nó bạn sẽ cởi mở hơn. Những người bạn của tôi như Bằng Kiều, Trần Thu Hà hay Hồng Nhung bảo rằng tôi vẫn thế trong những sáng tác của mình. Giống như Bằng Kiều vậy, dù anh ấy hát ở đâu bạn vẫn nhận ra anh ấy cho dù chất nhạc của anh ấy ở hải ngoại hay ở Việt Nam khá khác nhau.

* Có vẻ như những sáng tác của anh hiện giờ không được phổ biến lắm?

- Tôi có phát hành đâu mà phổ biến. Tôi chỉ mới đưa ra một vài sáng tác mà thôi còn phần lớn vẫn còn cất trong tủ. Bên cạnh đó, những tác phẩm của tôi không phải dễ hát và tìm người thể hiện cũng khá khó khăn. Ngày xưa những ca khúc của tôi toàn để đem đi thi vì cấu trúc mới. Ngay như cả ca khúc Anh yêu em cho dù bây giờ nhiều người đã nghe quen nhưng vào thời điểm hơn 15 năm trước nó được xem là mới, cả về giai điệu lẫn ca từ. Lúc đó có người cho rằng tại sao tôi lại sỗ sàng nói thẳng cái chữ “Anh yêu em” như thế. Tôi chỉ đơn giản nghĩ rằng khi cuộc sống thay đổi thì ba chữ ấy cần được đi trực tiếp đến tai người đối diện hơn là đi đường vòng mượn trăng nói gió như ngày xưa. Đó là quan điểm nghệ thuật của tôi. Có thể nó đã gây ra nhiều tranh luận nhưng tôi thích như vậy.

Mỗi thời kỳ có vấn đề của riêng mình

* Vậy nếu như bây giờ nói rằng công chúng không còn nhớ đến anh nữa, anh có buồn không?

- Tôi không buồn. Tôi đi cũng đã gần 15 năm rồi và quy luật đó cũng là chuyện đương nhiên. Mọi người đã xếp tôi vào quá khứ. Điều quan trọng với tôi là nếu trở lại với những tác phẩm mới, tôi hy vọng mình sẽ có được sự ủng hộ của công chúng và đó sẽ là những dấu ấn mới trong chặng đường của mình. Đối với một nhạc sĩ, những tác phẩm thực sự sẽ luôn vượt thời gian.

* Thời của anh, thời của Làn sóng xanh và trước đó, anh đã có một vị trí nhất định. Và bây giờ khi thị trường âm nhạc bão hòa, ở đâu cũng thấy nhạc sĩ, lúc nào cũng đầy những sáng tác mới. Nếu trở về vào lúc này, liệu anh có đắn đo?

- Nói gì thì nói tôi vẫn tin vào lớp trẻ. Có nhiều nhạc sĩ trẻ hiện nay tôi thấy sáng tác và hòa âm rất tốt. Tất nhiên âm nhạc ở đâu cũng có thời kỳ quá độ. Và ở thời quá độ ấy luôn có những người sẽ đứng lại, chậm lại hoặc những người vẫn phải chạy theo thị hiếu và cũng sẽ có những người cực đoan. Rồi sẽ có lúc tất cả lại trở lại và thị trường sẽ phát triển chuyên nghiệp hơn. Ngay như thời bọn tôi, chẳng phải bọn tôi có giương cao ngọn cờ sáng tạo gì đâu. Lúc đó, thế hệ tôi, Ngọc Châu hay Đức Trí đơn thuần là đam mê mà thôi. Bởi vậy nếu có trở về tôi cũng chẳng đắn đo gì.

Vũ Quang Trung và vợ. Ảnh: V.C

* Nhiều ca sĩ nổi tiếng, từ những bước đầu tiên trong sự nghiệp ca hát đã gắn bó với Hoa Sữa, cá nhân anh có nghĩ rằng sẽ khó có sự xuất hiện của những tài năng như vậy nữa?

- Phải nói là ban Hoa Sữa đã có may mắn là được gắn bó với nhiều ca sĩ từ những bước đầu tiên trong sự nghiệp của họ. Từ Siu Black, Y Moan, Thanh Lam, Ngọc Anh, Bằng Kiều, Mỹ Linh, Hồng Nhung, Trần Thu Hà… Nhưng cũng cần phải công bằng rằng, thế hệ ca sĩ ấy, ngày đó phục vụ cho giới trẻ, âm nhạc của họ là cuộc sống của giới trẻ khi đó. Và bây giờ cũng vậy thôi, khi chúng ta già đi thì sẽ luôn có lớp kế thừa. Có thể chúng ta đã quá khắt khe khi định dạng một mẫu số chung nào đó. Còn lớp trẻ thì không vậy, họ nghe những gì phù hợp với thế hệ của họ.

Mỗi thời kỳ âm nhạc đều có những vấn đề của riêng mình. Thời ấy, ngôn ngữ đã thay đổi. Và bây giờ, gần hai thập niên sau cũng sẽ có những người làm như bọn tôi thuở trước. Vấn đề là những người như bọn tôi hay ai đó có chấp nhận chuyện ấy hay không thôi. Có thể nhiều sáng tác bây giờ về ngôn ngữ văn học không như trước, nhưng tất cả mọi thứ đều thay đổi theo thời gian, chúng ta cần phải biết sàng lọc và tiếp nhận cái mới.

* Liệu anh có nhầm phá cách với dễ dãi?

- Đúng là khoảng cách giữa hai vấn đề này là rất mỏng manh. Có những người cho rằng mình phá cách nhưng thật ra không phải. Không phải anh cứ làm cho lạ đi là phá cách. Âm nhạc dù là gì thì yếu tố quan trọng nhất vẫn cứ phải là ý nghĩa của một tác phẩm mà anh gửi đến người nghe.

* Gia đình đã đóng góp gì cho sự phát triển âm nhạc của anh?

- Tôi là con một trong gia đình âm nhạc. Bố tôi là nhạc sĩ Vũ Thanh, mẹ tôi, ca sĩ opera Phương Nhung. Từ bé tôi đã được tiếp xúc với âm nhạc. Đó là tài sản lớn nhất mà bố mẹ tôi để lại cho tôi. Ngay từ nhỏ bố tôi đã luôn dạy tôi cách nghe, cách phân tích bài hát vì thế khi tôi chuyển từ piano sang sáng tác thì tôi chẳng gặp trở ngại gì vì ít nhất mình cũng đã có những khái niệm cơ bản.

* Gia đình có phải là một lý do nữa khiến anh quyết định ra nước ngoài?

- Đúng vậy. Nhất là vào thời điểm ấy bố mẹ tôi đều đã qua đời, tôi cũng buồn lắm và nghĩ mình cũng nên tìm một nơi mới để xua tan đi. Nhưng tất nhiên đi không phải là để du lịch.

* Thế bây giờ trong cuộc đời mưa gió anh đã có nơi bình yên chưa?

- Tôi vừa lập gia đình cách đây gần hai năm. Bà xã tôi sinh ở Việt Nam, 6 tuổi sang Úc. Chúng tôi gặp nhau đã khá lâu và vừa cưới mới đây thôi. Cô ấy trước đây làm về dược giờ sang Mỹ phụ trông coi trường âm nhạc mà tôi vừa mở. Nói chung tôi chẳng có gì để phàn nàn về cuộc sống hiện tại của mình. Tôi hạnh phúc với những gì mình đang có. Tôi từng sáng tác ca khúc Mơ về em là để nói về mối tình này của mình.

* Vậy còn những tình khúc trước đây chắc hẳn cũng phải có câu chuyện bản thân anh?

- Không. Đôi khi lấy cảm xúc từ những bài thơ, rồi những câu chuyện về cuộc sống từ bạn bè đang xảy ra xung quanh mình và tất nhiên cũng có những tác phẩm xuất phát từ cuộc sống của chính mình. Như bài Đôi mắt tôi viết là phỏng thơ của chị Phi Tuyết Ba. Tôi rất thích bài thơ ấy và tôi đem nội dung nó vào bài hát của mình.

* Cách đây gần 20 năm, chùm ca khúc Anh yêu em được nhiều người yêu thích, những ca khúc như Đôi mắt, Chiều Hà Nội… được nhiều ca sĩ tên tuổi lựa chọn. Hỏi thật rằng anh có bao giờ mong muốn mình sẽ trở lại như ngày xưa?

- Tại sao lại muốn mình như ngày xưa? Thời gian thay đổi và những ký ức xưa xin hãy cứ để yên ở thời điểm ấy. Âm nhạc của tôi có nhiều chất Hà Nội, nơi tôi sinh ra và lớn lên. Ngày xưa đã vậy và bây giờ âm nhạc của tôi vẫn thế, chỉ có điều nó sẽ thay đổi. Hà Nội trong sáng tác của tôi bây giờ là Hà Nội của ngày hôm nay chứ không phải của hai mươi năm trước. Với lại trong nghệ thuật không nên có sự trở lại. Ngay bản thân tôi khi nghe lại một số hòa âm cũ của chính mình cũng phải nhăn mặt nghĩ tại sao hồi đó mình đã làm dở đến vậy.

* Thế còn những người bạn?

- Họ luôn ở bên cạnh tôi dù tôi có ở đâu. Phải 10 năm rồi mới về lại Hà Nội, máy bay đáp xuống Sài Gòn là tôi mua vé phi ngay ra Hà Nội. Nhớ lắm. Những người bạn, những con phố. Tôi làm sao quên được những buổi chơi nhạc của Hoa Sữa, những buổi ăn mì gói cầm hơi… Những thành viên của Hoa Sữa bây giờ đều đã có địa vị hết nhưng bọn tôi bao giờ cũng như anh em một nhà. Cái đó không phải là ký ức mà là hiện tại. Nó luôn đi cùng tôi và sống cùng tôi. Ngay cả chương trình của Bằng Kiều cũng vậy. Thật sự thì tôi rất bận rộn, nhưng khi Kiều nói “Anh phải thu xếp tất cả để về với em” là tôi phải tìm mọi cách thu xếp để về. Nó là tình cảm chứ về chuyện sản xuất âm nhạc thì trong nước đầy những tài năng chứ. Nhưng vì tôi, Bằng Kiều, Mỹ Linh, Hồng Nhung, những con người sinh ra ở Hà Nội, lớn lên và chơi nhạc cùng nhau thì cái tình cảm ấy lớn lắm. Tôi là người rất trọng tình cảm.

* Xin cảm ơn anh.

Cung Tuy (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm