Vĩnh biệt “báu vật sống” của nhã nhạc

19/12/2010 10:49 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH) - Vào lúc 4 giờ ngày 18/12, “báu vật sống” của Nhã nhạc cung đình Huế, nghệ sĩ Trần Kích đã trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng ở TP Huế do tuổi cao, sức yếu.  

1. Nghệ sĩ Trần Thảo (con trai của nghệ sĩ Trần Kích) cho biết, ông ra đi là sự mất mát lớn đối với gia đình, bạn hữu, những người yêu âm nhạc truyền thống Huế. Mặc dù tuổi đã cao, những năm tháng cuối đời, ông vẫn miệt mài với việc truyền giảng những ngón nghề đặc sắc nhất của âm nhạc truyền thống cung đình Huế cho các sinh viên Nhã nhạc tại Học viện Âm nhạc Huế, Trường Trung học VHNT Huế và những người có tâm huyết với âm nhạc truyền thống. Trong số đó có 2 người cháu nội của ông là Trần Diệp và Trần Khoa, hiện đều là sinh viên Nhã nhạc, Học viện Âm nhạc Huế. 

Đứng trước linh cữu người nghệ sĩ tài hoa, một trong những nghệ nhân Nhã nhạc cuối cùng còn lại của triều đình Huế, tôi vẫn như đang nghe lời nói chân chất của ông: “Tui cũng đã gần đất xa trời rồi, nếu ngày mai tui chết thì các bài bản Nhã nhạc cũng không thể mang theo được, tui phải truyền lại cho con, cho cháu để tụi nó thay tui lưu giữ”.  
 
2. Sinh ngày 15/8/1921 tại làng Thành Trung, xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế, ông Trần Kích đã được cụ thân sinh truyền cho nhiều bài bản Nhã nhạc cung đình Huế ngay từ nhỏ. Cụ thân sinh của ông vốn là một nghệ nhân kỳ cựu nổi tiếng với những ngón đàn tuyệt kỹ, những điệu kèn kỳ tài. Năm 16 tuổi ông đã tham gia đội Nhã nhạc của Vua Bảo Đại. Ông chơi giỏi từ kèn đại, kèn nhỡ, nhị, nguyệt, tỳ bà, cho đến đàn bầu, sáo... cho cả đại nhạc, tiểu nhạc, nhạc Phật, và nhạc đệm cho ca Huế.
 
Lễ tang nghệ sĩ Trần Kích được tổ chức tại nhà riêng ở số 34/4 kiệt 320, phố Bạch Đằng, TP.Huế. Lễ viếng bắt đầu từ sáng 19/12. An táng tại nghĩa trang quê nhà vào ngày 24/12/2010
Với tài nghệ nổi tiếng của ông, năm 1962 ông được mời tham gia giảng dạy tại Trường Quốc gia Âm nhạc Huế (tiền thân của trường Đại học Nghệ thuật Huế và Học viện Âm nhạc Huế bây giờ). Từ ngôi trường này, nhiều lớp học trò đã được đào tạo và phát triển, trong đó có những nghệ sĩ tên tuổi như NSƯT La Cẩm Vân, NSƯT Ngô Hữu Lan, NSƯT Trần Đại Dũng; Tôn Nữ Lệ Hoa, Quý Cát, Nguyễn Đình Vân, Trần Thảo...  
 
Nghệ sĩ Trần Kích là người có công lao to lớn trong việc đưa Nhã nhạc cung đình Huế ra với thế giới. Năm 1995, ông cùng với CLB Phú Xuân do ông làm chủ nhiệm đã biểu diễn và thu CD tại Nhà Văn hóa Thế giới tại Pháp. CD này lập tức gây tiếng vang lớn ở Pháp và các nước khác trên thế giới, được báo giới phương Tây đã bình chọn đây là 1 trong 10 CD âm nhạc truyền thống hay nhất của năm. 
 
Trong quá trình đề cử Nhã nhạc là di sản thế giới, ông đã liên tục các chuyến biểu diễn, giới thiệu loại hình âm nhạc đặc sắc này với thế giới. Ông còn dày công nghiên cứu cách ký âm hoàn chỉnh, góp phần ghi lại được 30 bài bản về đại nhạc và tiểu nhạc của loại hình nghệ thuật cung đình. Năm 2004, UNESCO công nhận Nhã nhạc cung đình là Kiệt tác di sản phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại, có một phần đóng góp to lớn của của người nghệ sĩ tài hoa Trần Kích.  
 
3. Giáo sư Trần Văn Khê trong một lần xem ông biểu diễn tại hội trường UNESCO (Paris, Pháp) đã xúc động nói với ông: “Tôi đã đi nhiều nơi, đã xem nhiều nghệ sĩ biểu diễn. Nhưng qua sự biểu diễn của Trần Kích, cái thần, cái hồn của đàn nhị, sáo, kèn, đàn nguyệt, đàn bầu... đã được nâng lên một tầm cao mới và tất cả âm thanh ấy không thể lẫn vào đâu được”.  
 
Với những thành tích nổi bật đó, năm 2000, ông được Bộ Văn hóa - Thông tin tặng Huy chương Chiến sĩ văn hóa. Năm 2003, ông được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Dân gian Việt Nam. Năm 2007, ông được phong tặng NSƯT. Đặc biệt ngày 26/2/2008, NSƯT-Nghệ nhân Dân gian Trần Kích đã được Bộ Văn hóa Pháp phong tặng tước hiệu Hiệp sĩ Văn hóa và Nghệ thuật Pháp. 
 
Còn nhớ, tại buổi lễ phong tước được tổ chức ngày 6/4/2008 tại TP.Huế, Đại sứ Hervé Bolot phát biểu “Trong hơn nửa thế kỷ qua, NSƯT - Nghệ nhân Dân gian Trần Kích đã có rất nhiều cống hiến trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, đặc biệt là Nhã nhạc cung đình Huế. Những đóng góp của ông trong việc tìm hiểu, nghiên cứu và giới thiệu âm nhạc cung đình Huế là một trong những nguyên nhân giúp cho UNESCO quyết định công nhận Nhã nhạc cung đình Huế là một trong những Kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại. Ông Trần Kích xứng đáng như một chiến sĩ trong việc giữ gìn và phát huy giá trị đa dạng của di sản văn hóa”. 
 
Ông đã ra đi, nhưng các thế hệ nối tiếp của Nhã nhạc cung đình Huế, mà trong đó có rất nhiều người là học trò của ông, chắc chắn sẽ không quên những ngón đàn tuyệt kỹ của ông. 
Trần Dương

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm