VCK World Cup Qatar 2022: 'Nóng' vì thời tiết

17/12/2013 15:06 GMT+7 | Hành tinh bóng đá

(Thethaovanhoa.vn) - VCK World Cup 2022 sẽ diễn ra ở Qatar trong 9 năm nữa, nhưng ngay lúc này tranh luận đã dấy lên dữ dội về việc có nên dời giải đấu sang mùa đông để tránh cái nóng khắc nghiệt của mùa hè vùng Trung Đông hay không?. Cuộc bỏ phiếu của Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) sẽ diễn ra trong hơn một tuần nữa để đưa ra quyết định cho sự lựa chọn gây tranh cãi của chính mình.

Sunil Gulati, chủ tịch Liên đoàn bóng đá Mỹ và là một trong 25 thành viên của Ủy ban điều hành FIFA sẽ tham gia bỏ phiếu. Ông đã theo dõi các cuộc vận động hành lang từ cả hai phía và nghe những khuyến nghị từ các quan chức hàng đầu FIFA, bao gồm cả Chủ tịch Sepp Blatter, người cho rằng chuyển lịch thi đấu sang mùa đông là lựa chọn duy nhất.



Chủ tịch FIFA Sepp Blatter trao quyền tổ chức World Cup 2022 cho Qatar


Còn quá sớm?

Nhưng Gulati phản đối và nói ông sẽ làm tất cả để ngăn cản cuộc bỏ phiếu, dự kiến diễn ra vào ngày 3/10. “Tôi không cho rằng ở giai đoạn này tôi hay bất kỳ thành viên nào trong Ủy ban điều hành FIFA có thể ra một quyết định hợp lý”, Gulati nói. “Chúng tôi không có đủ thông tin, và có quá nhiều câu hỏi”.

Khá đông các quan chức bóng đá, bao gồm Blatter và Chủ tịch Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA) Michel Platini, cũng là một thành viên  Ủy ban điều hành FIFA, ủng hộ việc dời lịch thi đấu. Vấn đề thời tiết gây rất nhiều chú ý với VCK World Cup ở Qatar. Vào mùa hè, nhiệt độ ngoài trời ở Trung Đông có thể lên tới hơn 50 độ C. Ngay cả khi các sân bóng được trang bị hệ thống làm mát hiện đại, một trong những cam kết của quốc gia tổ chức, cái nóng vẫn là một bài toán lớn.

Thay đổi lịch thi đấu sẽ kèm theo bốn vấn đề: ảnh hưởng tới những người tham dự, bao gồm các cầu thủ, quan chức và cổ động viên; ảnh hưởng tới doanh thu của FIFA (chẳng hạn như liên quan tới các thỏa thuận truyền hình); ảnh hưởng tới lịch đấu của các giải đấu khác trên toàn thế giới; và cuối cùng là ảnh hưởng tới chính  Ủy ban tổ chức World Cup của Qatar.

Cả bốn yếu tố đó đều quan trọng. Nhưng tệ hơn, việc thay đổi lịch thi đấu có thể khiến hàng loạt những pháp nhân liên quan, bao gồm các nước đã thua cuộc trong cuộc đua giành quyền đăng cai World Cup 2022, kiện tụng.

Nhiều quốc gia lớn ở châu Âu cũng đã công khai phản đối lịch đấu vào mùa đông vì nó sẽ làm xáo trộn lịch đấu ở nước họ. Với các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình, vấn đề còn phức tạp hơn. Chỉ lấy một ví dụ, các đài Fox và Telemundo đã bỏ thầu 1 tỉ USD để được bản quyền phát sóng World Cup ở Mỹ vào các năm 2018 và 2022, với dự kiến là các giải đó diễn ra mùa hè.

“FIFA đã thông báo với chúng tôi rằng họ đang xem xét dời lịch thi đấu VCK World Cup 2022”, một người phát ngôn của Fox Sports nói. “Fox Sports đã mua bản quyền World Cup với ý thức rằng giải đấu này diễn ra vào mùa hè suốt từ những năm 1930 tới nay”. Andrei Markovits, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Michigan, một tác giả quen thuộc về bóng đá, bình luận: “Đó chỉ là vài tháng, nhưng là vài tháng cực kỳ trọng đại. Châu Âu đã quen với việc chơi bóng theo hai mùa xuân-thu suốt 100 năm nay. Phá vỡ điều đó là làm trái với lịch sử”.

Nhưng Blatter và Platini tỏ ra khá kiên quyết. “Chúng tôi đã tôn trọng lịch đấu của quý vị (các giải vô địch châu Âu) trong 150 năm, chỉ một tháng này trong 150 năm, tôi mong quý vị có thể thay đổi”, Platini nói. Blatter thì tỏ ra sẽ bất chấp mọi ý kiến phản đối. Ông khẳng định FIFA là “chủ nhân của World Cup” và nói “đã tới lúc châu Âu bắt đầu hiểu rằng họ không còn thống trị cả thế giới nữa”.

Và quá phức tạp?

Ở thời điểm này, khá chắc chắn là VCK World Cup vẫn sẽ diễn ra ở Qatar. Nhưng với những người như Christian Seifert, Giám đốc điều hành của Bundesliga Đức, còn quá nhiều câu hỏi chưa được trả lời. “VCK World Cup 2022 sẽ diễn ra chỉ trong chín năm nữa”, Seifert viết trong một lá thư gửi cho Blatter. “Bất cứ quyết định nào cũng cần sự thận trọng và xem xét tỉ mỉ. Quan ngại lớn nhất của chúng tôi là chúng ta chưa xem xét thấu đáo và đầy đủ những tranh luận phản bác và ủng hộ động thái này. Đó là một bước đi cần phải tiến hành trước”.

Không rõ Blatter đáp lại lá thư thế nào, nhưng cho tới giờ thì ông vẫn khăng khăng ý định của mình. “Đã tới lúc đến với thế giới A-rập”, chủ tịch FIFA nói, khẳng định rằng “không chỉ ở châu Âu người ta mới chơi bóng đá”.

Cũng phải nói thêm rằng, chưa bao giờ tổ chức một kỳ World Cup hay Olympic, Qatar đã đánh bại nhiều đối thủ lớn, bao gồm cả Mỹ, với một đề nghị chi ra 50 tỉ USD cho World Cup 2022...Rất nhiều cáo buộc hối lộ và mua phiếu đã dấy lên sau kết quả bất ngờ đó.

Thật ra, đã có nhiều đánh giá trước khi bỏ phiếu cho cuộc đua đăng cai World Cup 2022 của FIFA đã chỉ ra rằng tổ chức giải đấu ở Qatar sẽ có “rủi ro cao”, với hàng loạt vấn đề từ thời tiết, tới 12 sân bóng được bố trí trong bán kính chỉ gần 40 km.

Tuy nhiên, Trưởng ban tổ chức World Cup của Qatar, Hassan al-Thawadi, vẫn khẳng định “không có lý do gì” để nghi ngờ về khả năng nước ông sẽ tổ chức thành công sự kiện bóng đá lớn nhất hành tinh. Cho tới giờ, có quá nhiều nghi ngờ với tuyên bố đó.

Cùng những lo lắng với Brazil

Và không chỉ 9 năm sau với Qatar, bởi chỉ còn không đầy một năm nữa là World Cup 2014 sẽ khởi tranh ở Brazil, nhưng trong khi sự háo hức càng lớn dần, lo lắng với nước chủ nhà cũng đang trở nên tỷ lệ thuận.
Sân Maracana 70.000 chỗ trứ danh, tâm điểm của World Cup, lẽ ra đã được khánh thành lại sau khi sửa sang cho trận giao hữu Anh - Brazil hai tháng trước, nhưng một thẩm phán địa phương đã tuyên hủy buổi lễ vì lý do an toàn. Chính quyền thành phố Rio de Janeiro phản đối và trận đấu chỉ có thể diễn ra như dự kiện sau khi tòa đảo ngược phán quyết vài giờ trước khi bóng lăn.

“Luôn có cách để vượt qua những chuyện đó ở Brazil”, Jose Inacio Werneck, một nhà báo thể thao Brazil, viết. “Nhưng thật đáng hổ thẹn bởi chuyện này xảy ra chỉ vì sự bất lực và tham nhũng của các quan chức nước chủ nhà”. Chỉ hai trong 12 sân tổ chức World Cup 2014 ở các thành phố Belo Horizonte, Brasilia, Fortaleza, Recife, Rio de Janeiro và Salvador, bao gồm Maracana, đang được thi công hoặc sửa chữa đúng tiến độ.

Rất nhiều các dự án hạ tầng phục vụ hoặc ăn theo World Cup, bao gồm cải tạo và xây mới các sân bay, đầu tư vào đường xá và hệ thống giao thông công cộng, ước tính lên tới 90 tỉ USD, hiện vẫn nằm trên giấy. Ban đầu, Brazil chỉ định đầu tư không tới 1 tỉ USD cho các sân bóng, với chủ yếu là từ nguồn tư nhân. Con số đó giờ được tính lại là 3,5 tỉ USD, và hầu hết sẽ từ tiền ngân sách.

Những tính toán trước đó của các nhà kinh tế học cho thấy hầu hết các nước tổ chức World Cup đều thua lỗ và kỳ vọng về một cú hích với nền kinh tế rốt cuộc cũng chỉ là ảo vọng. “Nếu những tiên đoán màu hồng với Brazil thành sự thật, thì nó cũng không khiến Brazil giàu có hơn. Thật ra, đó chỉ là sự chuyển giao về mặt tài chính, đưa sự giàu có từ phụ nữ sang cho nam giới (những người sẽ hưởng lợi nhiều hơn từ World Cup), từ người đóng thuế Brazil sang FIFA và các cổ động viên, từ người đóng thuế sang các câu lạc bộ bóng đá và các công ty xây dựng Brazil. Đó chỉ là một cuộc chuyển đổi khổng lồ những lợi ích kinh tế từ tay người này sang người khác, chứ không phải là một cuộc tăng trưởng cho tất cả”, Simon Kuper và Stefan Szymanski viết trong cuốn sách năm 2012 của họ “Soccernomics” (Kinh tế học bóng đá).

Trần Trọng
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm