Truyền hình âm nhạc - Đường gần hóa xa (Bài 2): Nào ta cùng... sản xuất kênh âm nhạc

28/10/2009 07:44 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH Cuối tuần) - Cơ hội đến với các kênh ca nhạc là sự phát triển nở rộ của truyền hình cáp, truyền hình kỹ thuật số và chủ trương xã hội hóa trong việc sản xuất các ấn phẩm giải trí. “Ðẳng cấp quốc tế” có YanTV, “đẳng cấp nội địa” có HTVC ca nhạc, iMusic, “đẳng cấp địa phương” là những kênh văn nghệ gồm cả ca nhạc và cải lương... còn trên sóng radio thì có Xone FM. Ai có phần của người đó, và xem ra bánh vẫn còn lớn, bởi không ít đơn vị đang “lăm le” nhảy vào địa hạt này.

Ðiểm danh

Ra đời sớm nhất có lẽ là kênh HTVC Ca nhạc, từ giữa năm 2005. Trên kênh HTVC Ca nhạc được phát sóng 24/24, khán giả có thể xem tất tật những chương trình có liên quan đến ca nhạc (gồm cả game show) thuần Việt đã được phát trên các kênh của HTV, đài TH TP.HCM như Quà tặng trái tim, Nhịp cầu âm nhạc, Nhóm ca và bạn trẻ, Giai điệu tình yêu, Thay lời muốn nói, Nốt nhạc vui, Hát với ngôi sao, Giai điệu bốn phương... và một số ít chương trình được sản xuất riêng như Giới thiệu tác giả tác phẩm. Bên cạnh các chương trình nhạc đại chúng, kênh này còn phát nhạc giao hưởng thính phòng và cả những clip tự sản xuất của... khán giả. Đây là kênh truyền hình được hướng đến khán giả phía Nam.


Ở phía Bắc, VTC cũng cho ra đời kênh iMusic - iTV (VTC10). “Tôn chỉ” của kênh này là “phục vụ mọi đối tượng, phát sóng theo sở thích”,  “iMusic - nghe nhạc theo sở thích”. Khán giả có thể nghe từ nhạc thị trường đến nhạc hàn lâm, từ nhạc trong nước đến nhạc quốc tế chỉ cần nhắn tin yêu cầu đến tổng đài của chương trình. Tính tương tác giữa truyền hình với khán giả trên kênh này khá cao khi khán giả vừa có thể nhắn tin yêu cầu ca khúc đồng thời lại có thể “chat” với nhau ngay trên truyền hình, những tin nhắn được gửi tới tổng đài sẽ được hiển thị ở phía dưới màn hình.Hoạt động mang tính “bề nổi” của kênh này là cuối mỗi tuần, sẽ công bố một bảng xếp hạng iMUSIC Top hits gồm 10 ca khúc có số lượng bình chọn và yêu cầu nhiều nhất và tổ chức chương trình ca nhạc iMUSIC show với sự góp mặt của các ca sĩ , ca khúc được vinh danh trong bảng xếp hạng iMUSIC Top hits hàng tuần nói trên.

Mới đây, từ tháng 6/2009, một kênh truyền hình ca nhạc đủ “tư cách” được đặt lên bàn cân so sánh với một số kênh ca nhạc có thương hiệu trên thế giới như MTV, VH1... cũng ra mắt khán giả cả nước, YanTV. Đơn vị chủ quản của YanTV vốn là Công ty CP Yêu Âm Nhạc (Yan viết tắt của Yêu Âm Nhạc), công ty 100% vốn Việt Nam này bắt đầu xây dựng dự án kênh truyền hình âm nhạc vào tháng 8/2008. Đến đầu tháng 12/2008, YanTV phát sóng thử nghiệm và đến 16/6/2009 thì chính thức phát sóng với khung chương trình cụ thể. Có trong tay một đội ngũ sản xuất chương trình khá nhanh nhạy gồm cả người Việt lẫn người nước ngoài (trong đó có 5 chuyên gia được mời từ MTV network), YanTV có một chiến lược xây dựng thương hiệu và xác định rõ ràng đối tượng khán giả của mình là từ 15-34 để hướng mọi chương trình đến lớp khán giả này. Song song với việc phát sóng các clip ca nhạc trong và ngoài nước, kênh này còn sản xuất nhiều chương trình. Và, khó có thể phủ nhận “phong thái” MTV ở kênh truyền hình này bởi từ kết cấu chương trình, phong cách của VJ đến các clip giới thiệu về mình với lối sử dụng đồ họa gây ấn tượng mạnh đều không “trượt” khỏi cách mà MTV đang làm.


Ở địa hạt phát thanh, Xone FM hiện là kênh ca nhạc chuyên biệt duy nhất. Được đầu tư bởi một công ty của Úc, Xone FM bắt đầu phát sóng chính thức từ ngày 20/9/2006 sau một thời gian thử nghiệm với thời lượng cố định là 10 giờ/ngày vào tất cả các ngày trong tuần trên tần số của Ðài Tiếng nói Việt Nam (VOV3), với chương trình được mua bản quyền của nước ngoài. Tuy nhiên, Xone FM không thực hiện ngay một khung chương trình như YanTV mà trải qua một thì kỳ có tính chất “xây dựng” khá lâu để đến giờ mới ổn định phong cách. Cũng xác định đối tượng thính giả là giới trẻ (16 đến 30 tuổi) nhưng kênh này “tuyên bố” thẳng thừng là “mang tính thương mại cao”, dành phần lớn thời lượng để phát sóng các bài hát theo kiểu “mix up” (trộn lẫn, không theo chủ đề), bên cạnh đó là các chuyên mục mang chủ đề riêng (bảng xếp hạng âm nhạc, talk show...) và xen lẫn giữa các bài hát quảng cáo của nhà tài trợ chương trình. Tỉ lệ chương trình là: 30% nhạc quốc tế, 60% nhạc Việt Nam, 10% còn lại là thông tin quảng cáo...

 Ðổ tiền tỷ, thu bạc cắc

Có thể nói, hầu hết các kênh âm nhạc chuyên biệt, cả trên truyền hình lẫn phát thanh đều hướng vào giới trẻ. Tuy nhiên, đối tượng “tiêu dùng” này hiện cũng rất khó nắm bắt bởi xung quanh họ có quá nhiều thứ để giải trí ngoài TV, radio. Bên cạnh đó, sự phổ cập của truyền hình cáp hay truyền hình kỹ thuật số chưa thật sự bao trùm, hầu như chỉ co cụm ở các thành phố lớn. Do đó, khách hàng quảng cáo “vào” những kênh truyền hình này với một thái độ khá dè dặt. Nếu để ý quan sát sẽ thấy lượng spot quảng cáo hàng hóa trên truyền hình cáp cực kỳ hiếm hoi, chưa nói đến chuyện có hằng hà sa số các kênh truyền hình cáp đang được phát sóng và nội dung thì cũng lôi cuốn chẳng kém ca nhạc. Vì thế mà đổ tiền tỷ thu bạc cắc là hiện thực mà các kênh truyền hình âm nhạc đang phải đối mặt. Ðình đám, bài bản như YanTV mà sau 4 tháng phát sóng cũng mới chỉ ký được hợp đồng với Tân Hiệp Phát (đối tác chiến lược và tài trợ kênh chính thức). Các kênh còn lại hầu như chỉ thu tiền từ phí tin nhắn đến tổng đài yêu cầu bài hát hay tham gia các chương trình tương tác khác. Và xem ra, “người” ăn nên làm ra lại chính là “anh bạn” phát thanh Xone FM khi số lượng mặt hàng được quảng cáo trên kênh này khá phong phú, từ dầu ăn đến điện thoại rồi thậm chí cả ô tô. Chưa kể, trên kênh này còn có hẳn chuyên mục dành riêng cho các nhà tài trợ, đó là Xone FM Mobifone Breakfast Show (với nhà tài trợ là Mobifone) và Tâm sự với FV (nhà tài trợ là bệnh viện Pháp Việt). Rõ ràng, khi phát sóng trên đài phát thanh, kênh này đã tận dụng được ưu thế rất cần thiết đó là độ phủ sóng, trong thời buổi có quá nhiều phương tiện giải trí như hiện nay, và phát triển được một lớp công chúng mới tại các đô thị: công chúng đi xe hơi.

Tuy thế, các nhà sản xuất truyền hình dường như vẫn thấy rõ được tiềm năng thu lợi từ đây, bởi được biết, vài đơn vị “có máu mặt” vẫn đang “ngấm ngầm” chuẩn bị tài lực, tiền của để đổ vào truyền hình ca nhạc, chẳng hạn như Wepro của “bầu” Quang Huy hay BHD với dự án MTV đã kéo dài mười mấy năm nay.

Ca sĩ Đức Tuấn: Để hội nhập thì vẫn cần gia nhập MTV

     Tôi không xem hết các kênh ca nhạc hiện có ở Việt Nam, chỉ chú ý theo dõi YanTV và thấy những người làm kênh này đã rất cố gắng đưa nó trở thành một kênh âm nhạc giải trí cho người Việt tuy vẫn còn nhiều hạn chế. Điều trước tiên tôi mong ở YanTV là kênh này sẽ góp phần khuyến khích, tạo động lực phát triển cho âm nhạc trong nước. Còn nếu để tìm cơ hội cho ca sĩ vươn ra nước ngoài thì YanTV cần phải tạo thêm được uy tín. 


     Tuy nhiên, theo tôi, để mở cánh cửa hội nhập cho ca sĩ trên truyền hình quốc tế thì gia nhập MTV sẽ tốt hơn là làm một kênh truyền hình nội địa nào đó, kể cả YanTV bởi mức độ liên kết với thế giới của các kênh nội địa sẽ không nhiều. Mặt khác, chất lượng các video clip của mình thường là chưa đủ điểu kiện về cả kỹ thuật lẫn nghệ thuật để gây chú ý ở bất cứ kênh nào. Tôi thấy có những clip rất “ghê” mà vẫn được đưa lên YanTV. Có lẽ họ cần phải đưa ra một  tiêu chuẩn kỹ thuật để nâng cao chất lượng các chương trình.

Nhà báo Thùy Trang - Báo Người lao động: Nên học cách làm của các kênh quốc tế

     Tôi không coi đủ các kênh ca nhạc trong nước, tôi thích xem kênh quốc tế hơn. Gần đây, tôi cũng chú ý đến YanTV, tôi thấy điều không được nhất là YanTV tuy nói rằng được xây đựng theo kiểu một kênh âm nhạc đẳng cấp quốc tế nhưng lại sắp xếp chương trình không được “quốc tế” lắm. Họ xây dựng những chương trình chủ đề nhưng khi vào chủ đề đó thì lại rất khó coi được những thứ mà mình nghĩ là chủ đề đó có. Chẳng hạn tôi thích xem Madonna nhưng vừa Madonna với một bản sôi động thì bỗng dưng Hồ Ngọc Hà xuất hiện với Và em đã yêu, một lát sau lại thấy Liêu Anh Tuấn. Việc cập nhật các ca khúc quốc tế mới cũng như bảng xếp hạng cũng quá chậm so với các kênh quốc tế. Tôi nghĩ rằng bây giờ, việc tiếp cận với một kênh truyền hình ca nhạc quốc tế chẳng khó khăn gì mà sao người ta không học cách làm của quốc tế? MC của họ cực kỳ hấp dẫn, lôi cuốn, các chương trình cũng nhiều thông tin và rất có sức hút. Điều trước tiên tôi mong rằng YanTV cập nhật được những bảng xếp hạng mới và xây dựng được các chương trình chủ đề đàng hoàng chứ đừng có cái gì thì “quăng” cái đó lên. Với YanLive, cần mời những ca sĩ có thành tựu nổi bật và mới mẻ một chút chứ cứ cũ như Phương Thanh hay làng nhàng như Thảo Trang, Đoan Trang thì sẽ chẳng có gì hấp dẫn trong thời buổi ca nhạc trên truyền hình đang nhan nhản. Nói đến khả năng hội nhập thì hơi xa vì điều đó phụ thuộc vào tiền. Mong rằng những người làm YanTV có đủ tâm huyết để bỏ tiền ra làm việc này.

Nhà sản xuất, nhạc sĩ Đức Trí: Tôi đánh giá cao YanTV

     Tôi không xem nhiều nhưng tôi đánh giá cao YanTV vì đây là một kênh âm nhạc chuyên biệt có chất lượng và xuất hiện đúng vào lúc khán giả đang cần một kênh ca nhạc thực sự, mà như tôi được biết thì sau bao nhiêu năm nỗ lực mà MTV chưa vào được. YanTV đã hướng được giới trẻ đến những sản phẩm giải trí có chất lượng. Đây là một sân chơi cho các thương hiệu âm nhạc trong nước. Music Faces có gửi các clip của ca sĩ trong công ty đến YanTV và khách quan mà nói, các sản phẩm của chúng tôi khi được phát lên đạt được hiệu ứng rất tốt, tôi coi đó như vũ khí chiến lược để phổ biến những sản phẩm của mình. Về khả năng hội nhập thì không thể nói gì được vì điều đó tùy thuộc vào đường hướng của YanTV, tôi chỉ mong kênh này sẽ giữ vững được tinh thần, hướng đi mà họ đã đề ra chứ không đi lệch hướng để bị biến tướng sau một thời gian hoạt động, một hiện tượng khá phổ biến hiện nay.

Vân Anh (ghi)


Nhật Minh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm