Trước làng tôi là cầu Long Biên

20/09/2010 06:06 GMT+7 | Cầu Long Biên

(Bài dự thi) - Làng tôi trước đây gọi là Tứ Tổng thuộc quận Trấn Tây -  Hà Nội. Một vùng cư dân nằm theo đất bãi phù sa đỏ mọng của sông Hồng chạy dài từ phường Quảng An đến phường Yên Phụ (quận Tây Hồ) khoảng 2.000 mét.  Nay là phường Tứ Liên (quận Tây Hồ - Hà Nội) cư dân đông đúc, nhà cao tầng mọc lên như nấm, những vườn quất Tết đến quả chín vàng, khoe mình dưới nắng xuân. Mỗi lần bước qua cổng  làng người dân làng tôi lại được nhìn thấy cây cầu Long Biên ngạo nghễ, cổ kính. Đêm về, trong giấc ngủ nghe tiếng còi tàu văng vẳng tưởng như có bao cuộc chia ly và tái hợp hiện về.

Ngay từ thuở thiếu thời, đầu còn để chỏm, tôi đã nhiều lần lùa đàn bò ra gặm cỏ dưới gầm cầu, vui chơi thoả thích. Những chiều thu mát rượi, vừa thả diều, vừa nhìn những chiếc thuyền xuôi, ngược, trong lòng mỗi đứa trẻ thấy xốn xang. Buổi sáng, khi hừng Đông mọc lên khỏi luỹ tre làng, cầu Long Biên hiện lên sừng sững dưới bình minh, trông như một con rồng đang bay, đầu hướng về phương Bắc. Những năm chống Pháp, vùng đất bãi làng tôi, bãi dâu xanh mượt làm nơi trú ẩn cho các chiến sĩ liên lạc ra vào giữa vùng địch hậu và vùng kháng chiến. Năm 1947, tại đây làm nên một cuộc rút quân thần kỳ, 44 chiếc thuyền Tam Ban của Tứ Tổng chèo lái đưa hơn 1.200 cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô vượt qua sông Hồng sang vùng kháng chiến một cách an toàn tuyệt đối. Chiến công này đã chứng minh: Tứ Tổng là chiếc nôi cách mạng và năm 2010 nhân Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Tứ Tổng quê tôi vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang trong thời kỳ chống Pháp.



Nhớ một thời khói lửa, dưới chân cầu Long Biên người Tứ Tổng đào hầm nuôi cán bộ, và có ba ngày ba đêm lịch sử từ 17/2 đến 19/2/1947 chèo đò đưa bộ đội Trung đoàn Thủ đô rút sang sông, làng tôi đã bị địch tấn công bằng thuỷ, lục, không quân. Chúng bắn giết 27 công dân Tứ Tổng toàn đàn bà và trẻ em, đốt cháy hơn 50 nóc nhà, cảnh tang thương bao trùm cả vùng đất bãi, khói tràn lên cả cầu Long Biên. Cũng tại nơi này, tiểu đội Anh hùng Nguyễn Ngọc Nại kiên cường bám chân cầu giữ vững đường dây liên lạc của ta giữa vùng địch hậu và kháng chiến. Tiểu đội Nguyễn Ngọc Nại hi sinh anh dũng kìm chân giặc ngay dưới chân cầu Long Biên. Những ngày tiếp sau, du kích Tứ Tổng len lỏi dưới gầm cầu Long Biên đi vào phố Hàng Tre đốt cháy kho dầu của gặc Pháp góp lửa với chiến dịch Biên giới 1950. Cũng chính nơi này, bà con vùng làng hoa quê tôi, đã bí mật đem bánh chưng, cành đào Tết vào nội thành trao tận tay cho cán bộ chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô đón Tết năm 1947. Có một câu chuyện đau thương đến giờ các bậc tiền bối và chúng tôi lớp kế cận vẫn còn cảm giác đau xót. Đó là vào một đêm tháng Chạp, trong cái đêm bộ đội Trung đoàn lặng lẽ, bí mất rút ra chiến khu an toàn. Đoàn người ngậm tăm bò lên đê, tụt xuống, lăn ra bãi. Trẻ con sợ quá không dám kêu. Nhưng bỗng có một đứa trẻ lại bật khóc. Người mẹ vội bịt miệng con để cứu cả đoàn quân. Trên đầu, lính Pháp gác ở đầu cầu vẫn đi đi, lại lại. Được một đoạn, ra khỏi gầm cầu người mẹ vội bỏ tay ra khỏi miệng con và bật khóc, đứa trẻ đã chết trên tay mẹ lúc nào không biết.

Hoà bình lập lại trên miền Bắc.  Khi chúng tôi cắp sách tới trường lại được biết thêm đến cầu Long Biên qua những câu thơ: “Hà Nội có cầu Long Biên/ vừa dài vừa rộng bắc trên sông Hồng/ tàu xe đi lại thong dong/ người người tấp nập gánh gồng ngược xuôi”... Theo thời gian, cây cầu ấy tưởng đã lùi vào dĩ vãng với những gỉ sắt, những vết tích của thời gian, của đạn bom trong những năm đất nước có chiến tranh, nhưng cây cầu vẫn đứng đó như một chứng tích bền vững của thời gian và trong lòng người dân Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.  Hiện nay, ở đầu cầu Long Biên người ta vẫn đọc được những dòng chữ gắn trên tấm biển bằng đồng với nội dung: cây cầu được khởi công xây dựng vào năm 1898 và hoàn thành sau đó 5 năm. Ngày ấy, người Pháp xây dựng cây cầu này để thực hiện cái mà họ gọi là “khai hóa” nền văn minh ở xứ Đông Dương. Do vậy, khi hoàn thành, cây cầu được mang tên viên Toàn quyền Đông Dương Pháp (lúc đó là Paul Doumer). Hồi đó, trên các trang báo của Pháp đã đánh giá: đó là một trong những cây cầu lớn nhất thế giới và coi đó là cây cầu nối liền 2 thế kỷ. Các nhà sử học ghi lại rằng: thời ban đầu, cầu được xây dựng chủ yếu dành cho xe lửa chạy tuyến Hà Nội - Hải Phòng, hai bên có đường dành cho người đi bộ và vài loại xe thô sơ.

Ông nội tôi, người đã từng tham gia làm phu xây cầu kể lại:  Cầu Long Biên là cây cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng đoạn chảy qua Hà Nội, do Pháp xây dựng (1899 - 1902) và đặt tên là "Cầu Doumer". Dân gian còn gọi là "cầu sông Cái". Hiện trên đầu cầu vẫn còn tấm biển Kim Loại có khắc chữ "1899 -1902 - Daydé & Pillé - Paris". Cầu gồm 20 bệ trụ xây và mố, với chiều sâu 30m và cao 13,5m tính mức nước thấp nhất. Phía hữu ngạn có cầu vòm dài 800m, toàn thân cầu là 2.500m. Nét độc đáo nhất của cây cầu là đường bộ hai bên, đường sắt ở giữa. Do thi công toàn bằng thủ công nên có nhiều công nhân của ta lặn xuống sông khi kéo lên chỉ còn là xác không hồn. Tháng 2/1902 khánh thành cầu, nối liền con đường Hà Nội, Hải Phòng và đặt khúc đường sắt đầu tiên của đường sắt xuyên Đông Dương. Trong thời kỳ chiến tranh, bom đạn trút xuống cầu Long Biên rất nhiều, và hiện tại trên cầu Long Biên vẫn còn những thanh sắt là dấu tích của những ụ pháo nhằm chống lại máy bay địch ném bom đánh sập cầu.

Ngày nay, Hà Nội đã có thêm nhiều cầu mới nhưng Cầu Long Biên vẫn là một biểu tượng in sâu trong lòng mọi người. Nếu “di tích” Long Biên này được trùng tu để tiếp tục phục vụ giao thông thì càng hay. Còn nếu như phương án ấy không thành, bởi sợ cây cầu già nua sập đổ, mà chỉ dành cho người đi bộ thì coi Long Biên là cầu không tải, vẫn sử dụng được lâu dài. Cầu lúc đó có thể trở thành một danh lam thắng cảnh, mọi người ra đó ngồi mà đọc sách, ngắm nước sông Hồng cuồn cuộn phù sa, ngắm trời sao mùa hè, ngắm thành phố về đêm và hóng gió sông Hồng dào dạt …chao ơi! Long Biên khi đó mới tuyệt vời làm sao! Mong sao Long Biên sẽ góp thêm một phố du lịch trên cầu. Những nam thanh nữ tú có thể đến đây tâm sự, tình tự. Những cô dâu chủ rể xinh tươi, hồn nhiên lên cầu chụp ảnh, quay phim mà không sợ mất an toàn. Những đôi trai gái có thể “móc khoá tình yêu” lên cầu, cầu mong tình yêu của mình sẽ bền vững. Những cuộc triển lãm ảnh về cây cầu lịch sử, những Festival mở ra trên cầu Long Biên…nên chăng được duy trì cho đời con cháu?

Đi dạo trên cầu, khách du lịch sẽ được ngắm những bức tượng đồng, con đường gốm sứ… điểm tô cho cây cầu lịch sử, giống như họ đang đi dạo trên cầu Sác-lơ bắc trên công Vôntava ở Praha (Cộng hoà Séc) vậy. Phố Cầu Long Biên nằm trước làng tôi sẽ rực rỡ muôn ánh đèn, lung linh soi bóng xuống sông Hồng như chứng tích của lịch sử đau thương, hào hùng của Thủ đô Anh hùng.       
   
Minh Nguyệt

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm