Tải nhạc thu tiền, nghe nhạc miễn phí

16/08/2012 06:51 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH) - Sáng qua 15/8 tại Khách sạn Park Hyatt, TP.HCM một sự kiện được xem là “cuộc chiến” với nạn tải nhạc “chùa” trên mạng Internet, điện thoại di động đã bắt đầu. Cuộc chiến mà Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả - TS Vũ Mạnh Chu - cho rằng sẽ lâu dài nhưng tin tưởng nó sẽ thắng lợi.

Chương trình Tọa đàm nhạc số Việt Nam - Thực trạng và giải pháp do Hiệp hội Ghi âm Việt Nam (RIAV)và Công ty Cổ phần Tập đoàn MV (MV Corp) phối hợp thực hiện. MV Corp là đối tác duy nhất của RIAV trong việc quản lý quyền khai thác những sản phẩm ghi âm, ghi hình trên Internet và điện thoại di động cùng với RIAV đã tiến hành ký kết thỏa thuận hợp tác về việc thu tiền tác quyền với 6 trang web được xem là lớn nhất hiện nay.


Nắm chặt tay quyết tâm đẩy lùi nạn tải lậu nhạc số

Ngày 1/11/2012, cuộc chiến sống còn bắt đầu

Tại buổi tọa đàm, ông Phùng Tiến Công, Phó Tổng giám đốc MV Corp điểm qua tình hình nhạc số của thế giới và Việt Nam để nêu bật vị trí và tiềm năng lớn của thị trường nhạc số nói chung. Theo đó, trên thế giới doanh thu nhạc số chiếm 32% tổng doanh thu của toàn ngành công nghiệp ghi âm, riêng ở Mỹ, trong năm 2012 nhạc số đã vượt doanh thu của băng đĩa.

Cũng theo báo cáo của ông Phùng Tiến Công, Việt Nam hiện có khoảng 1/4 dân số truy cập Internet, trong đó có 77% là có sử dụng dịch vụ nghe, tải nhạc, nhưng thực trạng bản quyền nhạc số hiện nay thật đáng buồn: 85% xài “chùa” không trả tiền, 10% trả tiền “nhập nhằng”, chỉ có 5% là trả tiền tác quyền nhạc số một cách nghiêm chỉnh.

Cụ thể, có 25 triệu người nghe nhạc trên web tại Việt Nam (năm 2012, nguồn: Google AD Planner), 6 triệu người nghe nhạc trên mobile tại Việt Nam (năm 2012, nguồn: MV Corp), khoảng 150 trang web không thanh toán tiền tác quyền nhạc số. Điều này đã góp phần làm doanh số bán đĩa của ngành ghi âm Việt Nam giảm 80% (năm 2012, nguồn: RIAV).

Theo TS Vũ Mạnh Chu, với những quy định hiện nay đối với việc bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan trên môi trường mạng Internet và điện thoại di động, tùy mức độ vi phạm có thể bị các mức phạt như: phạt tiền đến 1 tỷ đồng (đối với cá nhân), 2 tỷ đồng (đối với đơn vị) hoặc bị gỡ bỏ đình chỉ hoạt động website.

Vì vậy, việc ký kết hợp tác thu tác quyền nhạc số với các trang web lớn tiên phong trả tiền tác quyền trong lĩnh vực nhạc số gồm: zing.mp3.vn, nhaccuatui.com, nhacvui.vn, socbay.com, nghenhac.infor, go.vn và việc sẽ “tuyên chiến” với khoảng 150 trang web đang vi phạm bản quyền nhạc số, sự kiện này được xem như một “cuộc chiến” sống còn đối với ngành ghi âm Việt Nam mà tổ chức đại diện là RIAV.

Từ ngày 1/11/2012 các trang web đã ký thỏa thuận hợp tác sẽ đồng loạt thu tiền tải nhạc.



Thực trạng bản quyền nhạc số hiện nay (Nguồn: VCPMC + RIAV)

Phí tải nhạc “rẻ” hơn đĩa lậu

Tải 1 bản nhạc 1.000 đồng

Từ 1/11/2012 đồng loạt thu tiền tải (download) nhạc trên mạng Internet và viễn thông. Tải 1 bản nhạc 1.000 đồng có thể dùng cho nhiều thiết bị nghe nhạc khác nhau. Nghe nhạc trên Internet và mạng viễn thông vẫn còn hoàn toàn miễn phí.

Dự kiến của MV Corp đến năm 2014 sẽ có 10% người dùng Internet ở VN và 13,5 triệu người dùng mobile trả tiền tải nhạc (có nghĩa doanh thu tải nhạc từ mobile tương đương với 13,5 tỷ đồng).

Sau phần ký kết thỏa thuận hợp tác với 6 trang web nêu trên là phần tọa đàm cùng phóng viên báo chí. Trả lời câu hỏi: Cơ sở nào để RIAV và MV Corp đưa ra giá thu tiền tải một bản nhạc trên các trang web hoặc điện thoại di động là 1.000 đồng? Ông Phùng Tiến Công cho biết: Ngoài việc đạt được thỏa thuận với RIAV, việc đưa ra mức giá 1.000 đồng được tính trên cơ sở rẻ hơn mua đĩa lậu. Nếu một đĩa nhạc sản xuất lậu với 10 bản nhạc và bán 10.000 đồng thì mỗi bản nhạc tương đương 1.000 đồng. Nhưng người sử dụng không phải nhọc công ra tiệm đĩa mà chỉ ngồi ở nhà và tải nhạc qua Internet hoặc điện thoại di động. Tuy nhiên ông Phùng Tiến Công cũng cho biết, đây là bước khởi động, tùy tình hình thị trường và thỏa thuận với chủ khai thác quyền sản phẩm ghi âm trong tương lai mà sẽ có những điều chỉnh.

Về công tác đối soát để có được số lượng tải nhạc trung thực nhằm bảo đảm quyền lợi cho các chủ sản phẩm, cũng theo ông Phùng Tiến Công hiện nay chủ yếu dựa vào sự trung thực của các đơn vị khai thác kinh doanh trên mạng mà chưa có một đơn vị đối soát độc lập.

Về việc chỉ có 6 trang web lớn ký hợp tác thu tiền tải nhạc, còn 150 trang web khác “xài chùa” có phải là một cuộc chơi không công bằng? TS Vũ Mạnh Chu cho biết: Họ phải cảnh tỉnh, nếu không sẽ bị phạt nặng lên đến tiền tỷ hoặc bị tháo gỡ như đã nói trên.

Được biết, ngoài số lượng 40.000 bản nhạc thuộc quyền sở hữu khai thác của mình, trong thời gian tới RIAV sẽ ký kết với các ca sĩ, nhà sản xuất để tăng số lượng kho nhạc số phục vụ cho việc khai thác trên mạng Internet và viễn thông. 

Nhạc sĩ sẽ được bao nhiêu từ 1.000 đồng phí tải 1 bản nhạc?

Theo tìm hiểu của TT&VH, RIAV đã bán trọn gói 3 năm cho MV Corp (số tiền không được tiết lộ). 1.000 đồng sau khi trừ chi phí (phí dùng thẻ cào là 100đ, dùng SMS là 500 đồng), số còn lại đơn vị kinh doanh mạng được chia 45%. 55% còn lại là phần của RIAV giao cho MV Corp, dự kiến trong 55% này tác giả ca khúc (nhạc sĩ) được chia 25%.

Tóm lại nhạc sĩ sẽ được hưởng 225 đồng (nếu người tải nhạc sử dụng thẻ cào); được 125 đồng (nếu người tải nhạc sử dụng SMS).


Bình Minh


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm