Sẵn sàng “nghe có ý thức”

29/10/2012 09:35 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH) - Đã gần kề ngày 1/11/2012, ngày mà các trang web nghe nhạc lớn nhất của mạng internet Việt Nam sẽ đồng loạt thu phí tải nhạc. Vì sự phát triển của âm nhạc Việt Nam, chúng ta hãy sẵn sàng “Nghe có ý thức”…

Tải một bản nhạc 1.000 đồng/ lượt, còn bơm 1 bánh xe máy 2.000 đồng, giá 1 bó rau muống 5.000 đồng, gửi xe xem live show ca nhạc 15.000-20.000 đồng… Nói lên điều này để thấy “nghịch lý” của tác quyền nhạc số mà chúng ta sắp thực hiện. Nhưng để đạt được cái gọi là “nghịch lý” này, cả một guồng máy xã hội đang vào cuộc. Thật là một… nghịch lý.

Thành công của thông điệp trực quan

Trong thời gian gần đây, việc khởi xướng “Nghe có ý thức” của nhóm nhạc sĩ Quốc Trung, Huy Tuấn đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của dư luận và báo chí. Thật ra, việc sử dụng nhạc số có bản quyền trên môi trường internet, Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV) cũng đã có nhiều lần vận động, tổ chức họp báo rồi đại diện các trang web cùng đại diện RIAV ký kết thỏa thuận ngay tại bàn chủ tọa buổi họp báo. Nhưng để trở thành một chiến dịch lan tỏa rộng rãi trong công luận thì vẫn chưa có.

Phải nói rằng, nhóm Quốc Trung, Huy Tuấn có công lớn trong việc dấy lên phong trào mạnh mẽ trong công luận và việc làm của họ cần được ủng hộ mạnh mẽ.

Thành công của việc này, để khơi dậy ý thức của đông đảo mọi người, có lẽ là nhờ vào cách mà Quốc Trung và Huy Tuấn thực hiện: “Nghe có ý thức” như một “slogan” cụ thể để truyền tải thông điệp; bên cạnh đó dòng chữ “nghe có ý thức” và hình chiếc tai nghe nhạc được in trên áo, mũ mang hình thức như một “logo” có tính quảng cáo “trực quan” đã đem lại một hiệu quả lớn.

Ban đầu những điều này được chia sẻ trên Facebook - môi trường của nhiều người “văn minh”, dễ chia sẻ ý tưởng này và dễ tạo thành “sốt” trong thời đại internet hiện nay. Tất cả những điều đó rất phù hợp với thời đại và họ đã thực sự thành công.

Ngay sau đó, trên sóng đài truyền hình quốc gia, trong các buổi truyền hình trực tiếp của chương trình Bài hát Việt, Bài hát yêu thích, Vietnam Idol, các nghệ sĩ, giám khảo, thí sinh, MC đã mặc những chiếc áo có in logo “Nghe có ý thức” đã làm cho chiến dịch này càng lan tỏa rộng rãi.


"Nghe có ý thức" lên Vietnam Idol 2012

Nội dung thông điệp “Nghe có ý thức” mà nhóm này gửi đến người nghe nhạc và các trang web dùng các bài nhạc cho mục đích kinh doanh là hãy tôn trọng tác quyền ca khúc. Điều mà thời gian dài vừa qua chưa được thực hiện, làm thiệt hại lớn đến các ca sĩ, nhạc sĩ và các nhà sản xuất âm nhạc. Đồng thời nó cũng làm ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành công nghiệp ghi âm Việt Nam, chất lượng của thị trường âm nhạc Việt Nam.

Đã đến lúc mọi người cùng đồng tâm hiệp lực để hướng đến một thị trường âm nhạc Việt Nam phát triển.

Hai kẻ “đồng sàng dị mộng”

Gọi “đồng sàng dị mộng” cũng chỉ mang tính chất ví von, vì thực ra nó cũng chưa chính xác lắm. Hiện nay, liên quan đến việc thu phí tác quyền ca khúc trên môi trường Internet, nhóm vận động là chủ nhân của chiến dịch “Nghe có ý thức”, nhưng đơn vị tổ chức thực hiện là Công ty MV Corp. Nhưng nhóm vận động lại không đồng ý với phương thức của đơn vị tổ chức thu tiền.

Với việc chỉ thu tiền tải nhạc mà không thu tiền nghe nhạc (từ 1/11/2012), nhạc sĩ Quốc Trung cho rằng: “Tôi không coi đây là một bước đột phá trong việc bảo vệ bản quyền nhạc số tại Việt Nam mà đây là một sự thỏa hiệp mập mờ trong việc hợp thức hóa hành động sai trái nhiều năm qua của những trang web đó” (theo VOV Online). Còn nhạc sĩ Huy Tuấn thì cho đó là “hành động ngây ngô, trên thế giới không ai làm như thế cả”. Theo nhạc sĩ Huy Tuấn, như thế thì không hiệu quả, bởi nếu muốn nghe thì cứ lên các trang web mà nghe, cần gì phải tải về cho tốn tiền.

Công ty MV Corp là đơn vị đã bỏ tiền ra mua khoán trọn gói tác quyền toàn bộ mấy chục ngàn bản nhạc mà RIAV đang sở hữu để kinh doanh. Họ nói rằng, việc còn miễn phí nghe, chỉ thu tiền tải nhạc là nhằm thay đổi dần thói quen dùng miễn phí của người nghe nhạc. Lộ trình để đi đến việc thu phí nghe nhạc là 3 năm.

Một trong những quan ngại khác lớn nhất hiện nay về việc thu tiền nghe nhạc trên internet là chất lượng đường truyền không ổn định, đã thu tiền mà nghe nhạc “chập chờn” thì không thể được.

Ngoài ra, người nghe nhạc cũng cần tải nhạc về để nghe trên các thiết bị cá nhân của họ, nhất là trong lúc đang đi picnic, du lịch, đi trên xe hơi… Bởi không phải bất cứ lúc nào cũng thuận tiện để vào internet nghe nhạc.

Xem ra, bên nào cũng có lý của mình, rất tiếc 2 “gương mặt” mà công luận cũng như giới âm nhạc tin tưởng và ủng hộ việc làm của họ, họ lại không cùng chung quan điểm để có thể cộng hưởng tạo thành một sức mạnh lớn hơn.

Thôi thì trong lúc “việc ai nấy làm”, những người quan tâm đến sự phát triển của âm nhạc Việt Nam hãy “Nghe có ý thức”…

HỮU TRỊNH

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm