Phòng làm việc giản dị của GS Ngô Bảo Châu tại Mỹ

18/02/2013 07:12 GMT+7 | Giáo dục


Căn phòng rộng chừng 20 mét vuông được bài trí rất đơn giản, vật dụng nhiều nhất là sách. Trên bàn làm việc chỉ có chiếc máy tính Apple màn hình lớn, và cuốn sổ tay ghi chép.

Khác với hình dung, nơi làm việc của Ngô Bảo Châu - một GS tên tuổi trên thế giới - người được nhận giải thưởng Field về Toán học đang giảng dạy tại ĐH Chicago (Mỹ) lại hết sức giản dị và khiêm nhường. Một căn phòng rộng chừng 20 mét vuông được bài trí rất đơn giản, vật dụng nhiều nhất là sách. Trên bàn làm việc chỉ có chiếc máy tính Apple màn hình lớn và cuốn sổ tay ghi chép. Dường như với anh, các con số, phương trình, lý thuyết toán học, các bổ đề đã và đang được chứng minh... đều nằm trong đầu và trong ổ nhớ của chiếc máy tính này.



  GS Ngô Bảo Châu trong phòng làm việc ở ĐH Chicago.

Một số người có dịp tới thăm phòng làm việc của GS Ngô Bảo Châu có thể đã ngỡ ngàng về nơi làm việc giản đơn của một trong những GS danh tiếng của ĐH Chicago, hay phải nghĩ lại về điều mà một nhà khoa học chân chính thường sắp đặt cho cuộc sống của mình cả trong khoa học và đời thường.

Trên tường phía sau bàn làm việc treo một bức tranh khổ lớn màu vàng, đậm màu triết lý của tác giả khi phác họa chân dung Ngô Bảo Châu. Anh nói, đây là bức tranh của bạn anh, một họa sĩ có tên tuổi vẽ tặng. Trên bức tường đối diện có chiếc bảng xóa khá lớn để anh viết ra những gì mình đang suy nghĩ hay những gì cần trao đổi, tranh luận với các đồng nghiệp hay nghiên cứu sinh.

Trong phòng làm việc của anh không thấy những tấm huy chương, kỷ vật được trao từ những giải thưởng lớn về toán học hay những bức hình chụp cùng các nguyên thủ của Việt Nam, Pháp hay Ấn Độ, dù ai được may mắn đến thăm nơi làm việc của anh đều muốn tận mắt nhìn thấy những vật kỷ niệm cao quý đó.

Sự giản dị cũng toát ra từ chính con người và tính cách của vị GS trẻ này, từ trang phục, cách giao tiếp đến những cử chỉ thân thiện và chan hòa với tất cả mọi người. Thấy có khách tới thăm, GS Ngô Bảo Châu tự mình đi lấy nước, ấm chén pha trà mời và niềm nở trò chuyện. Không chỉ riêng Ngô Bảo Châu, tất cả các giáo sư khác ở ĐH Chicaco cũng đều đang làm việc trong những căn phòng tương tự.


  PGS Trần Lưu Vân Hiền tại phòng làm việc của con trai.

GS Ngô Bảo Châu nhận lời mời làm giáo sư tại khoa Toán ĐH Chicaco từ ngày 1/9/2010. Các trường đại học ở Mỹ xem việc mời được các nhà khoa học từng được giải Nobel hay Fields là những thành công của họ. Trước GS Ngô Bảo Châu, khoa Toán của trường đã mời được một tác giả giải thưởng Fields từ Nga.

Khi mời GS Ngô Bảo Châu, trường đã đưa ra hàng loạt đề xuất thuận lợi nhất cho anh kể cả việc không có một yêu cầu tối thiểu nào về giảng dạy. Với các giáo sư nhận giải Fields, việc nghiên cứu và tổ chức nghiên cứu được ưu tiên trên hết. Tuy nhiên, GS Ngô Bảo Châu yêu thích giảng dạy nên vẫn nhận dạy một học kỳ cho sinh viên sau đại học. Hiện anh làm việc với 4-5 nghiên cứu sinh. Anh đặc biệt vui thích và hài lòng khi đang làm việc với một nhà toán học trẻ tuổi của Việt Nam.

Công việc giảng dạy, nghiên cứu chiếm nhiều thời gian nên GS Châu nói cũng khó khăn khi sắp xếp thuyết trình tại nhiều nước khác nhau. GS Lê Tuấn Hoa, Giám đốc Điều hành Viện Toán cao cấp, Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam cho biết, các đồng nghiệp Hàn Quốc nhiều lần nhờ mời giúp GS Ngô Bảo Châu sang nước này vì họ đã nhiều lần mời mà chưa được. Tuy nhiên, chưa bao giờ GS Ngô Bảo Châu từ chối những dịp về với cộng đồng Toán học Việt Nam và dành cả mấy tháng hè của mình về làm việc tại Hà Nội.

Vì thế, GS Lê Tuấn Hoa nói rằng, chỉ có thể với tinh thần hiệp sĩ toán học, nhà toán học đoạt giải thưởng Fields danh giá đó mới về với Việt Nam và chưa nản chí với vô vàn khó khăn khi thực hiện tinh thần hiệp sĩ đó vì nền toán học Việt Nam, vì thế hệ trẻ Việt Nam.

ĐH Chicago nổi tiếng không chỉ ở Hoa Kỳ mà được xem là một trong các trường đại học hàng đầu thế giới. Hiện trường có 85 người nhận giải Nobel. Khoa Toán có 3 GS nhận giải Fields - giải thưởng cao nhất của thế giới về Toán học. Với kết quả học tập tốt, Ngô Thanh Hiên, con gái lớn của GS Ngô Bảo Châu vừa được trường tiếp nhận. Mùa thu tới, Hiên sẽ là sinh viên năm thứ nhất của trường.

Tiếp sau GS Ngô Bảo Châu, GS Vật lý lý thuyết Đàm Thanh Sơn cũng được mời về làm việc tại ngôi trường danh tiếng này. Đầu năm 2013, có người bạn chúc GS Ngô Bảo Châu: "Thế giới hiện còn 5 bài toán thế kỷ. Chúc Châu sẽ giải được một trong những bài toán thế kỷ đó"!

Theo VOV

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm