Phim Việt đã hết sợ… ma

20/01/2012 13:49 GMT+7 | Phim

(TT&VH Cuối tuần) - Phước Sang từng tự hào là hãng phim của mình chưa bao giờ bị lỗ, điều này chứng tỏ sự nhanh nhạy và hiểu thị trường của nhà sản xuất. Những trường hợp như Đẻ mướn có doanh thu 12 tỷ đồng, Khi đàn ông có bầu đạt doanh thu trên 10 tỷ đồng sau 4 tuần công chiếu... từng gây sốc trong giới một thời. Tết năm nay, với phim hài Hello cô Ba, Phước Sang đang rất tự tin về doanh thu của nó.

* Là một nhà sản xuất luôn theo sát thị trường, anh nghĩ gì về phim Việt năm 2011, đặc biệt dịp tân niên 2012 có tới 3 phim ra rạp, còn dịp Tết cổ truyền thì có đến 5-6 phim?

- Tôi cho đây là một tín hiệu đáng mừng, vì sau một hồi loay hoay, thị trường bây giờ đã có, tình trạng “sợ ma” khi đi một mình không còn nữa, mà đã “buôn có bạn, bán có phường”. Điều này mang đến cho điện ảnh Việt Nam nhiều cái lợi, mà khán giả là người lợi nhất, khi họ có nhiều cái để chọn lựa, ai thích kiểu gì thì xem kiểu ấy, từ kinh dị, liêu trai, kiếm hiệp, tâm lý… cho tới hài hước, viễn tưởng.

Người làm kinh doanh cũng giống như người chạy marathon, đường trường thì cần biết phân phối sức và cần người chạy chung, để mình đủ động lực mà thi thố, chạy một mình, hoặc bỏ cuộc, hoặc… bỏ mạng như chơi. Bản thân tôi luôn mong muốn tất cả phim ra rạp năm nay đều có lãi, vì đây là giai đoạn ổn định thị trường, ai thắng ai thua không quan trọng bằng việc để nhiều người có niềm tin mà đầu tư vào điện ảnh. Chúng ta thử hình dung, 6-7 phim Tết mà tổng doanh thu vào khoảng 20 triệu USD thì trong những năm tới, khán giả sẽ có thêm rạp chất lượng để xem, nhà sản xuất cũng mạnh dạn hơn trong các dự án triệu đô thực sự, chứ không chỉ nói cho có nói.

* Nếu lấy cột mốc năm 2003 khi phim Gái nhảy kéo khán giả trở lại rạp, rồi các phim của hãng phim Phước Sang thắng lớn mùa Tết, rồi phim vượt doanh thu hơn hai triệu đô gần đây là Long Ruồi, anh thấy thị trường năm nay so với các năm trước có gì khác biệt?

- Khác biệt lớn nhất có lẽ đến từ khán giả, khi trình độ xem phim của họ cao lên, họ buộc những nhà sản xuất cũng phải làm khác, làm mới. Ở đâu cũng thế, số phim dở luôn nhiều hơn phim hay, thế nhưng với khán giả Việt Nam thì gần như chỉ có phim hay, vì khi nhập, nhà phát hành luôn lựa chọn phim chất lượng, thành ra phim nội địa càng khó khăn.

* Thế còn những lo lắng từ phía sản xuất như anh, khi mà thị trường bắt đầu cạnh tranh gay gắt?

- Điều tôi lo ngại nhất lúc đất chật người đông là có ai đó “bị ép” ra rìa, thất bại và bỏ cuộc sớm, trong khi thị trường vừa mới được gây dựng, còn khá yếu ớt. Tôi cho rằng đây chưa phải là lúc để đấu đá sống chết, mà hãy cùng nhau thỏa thuận một số tiêu chí và nguyên tắc để marathon cùng nhau. Nói “một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ” chắc mọi người không tin, chứ thực sự, khi ai đó không thành công hay thất bại, bài học và nỗi lo lắng chia đều cho mọi nhà sản xuất.

Cũng giống như bóng đá nội địa, các ông bầu đã ngồi lại để tìm kiếm một tiếng nói chung cho các mùa giải sạch, chơi đẹp, điện ảnh cũng cần phải thế. Nếu làm được điều này, các nhà sản xuất sẽ dẹp bớt các lo lắng không đáng có, bởi khi bước vào thị trường thực sự, mỗi người sẽ có một sở trường của mình. Làm phim bây giờ có cái khó là phải đầu tư kỹ lưỡng, phải chọn đề tài độc, còn cái dễ là khi đã xây dựng thành công thương hiệu, cũng giống như chứng khoán, cổ phiếu càng dễ lên giá.

* Sở trường của hãng phim Phước Sang có phải là phim hài?

- Có thể nói như vậy, nó đã đúng trong nhiều năm qua, bởi phim hài là một phân khúc riêng biệt của thị trường điện ảnh, mà chúng tôi thì mạnh về điều đó. Ai thích hài thì mời vào chỗ của tôi, nó cũng giống như một trận bóng đá, có người đá tiền đạo, có người thủ môn, có người hậu vệ, đổi cho nhau rất là khó.

Tuy nhiên, vì tôi là nghệ sĩ làm kinh doanh, nên cái máu phiêu nó hơi khác, những phim như Áo lụa Hà Đông, Huyền thoại bất tử… là cách để “làm cho đã”. Đúng là mỗi năm mỗi khác, nếu được góp sức từ nhiều phía, hệ thống rạp nhiều như bây giờ, thì những Áo lụa Hà Đông, Huyền thoại bất tử… còn thành công hơn nữa. Cho nên, nói hài là đặc sản của hãng phim Phước Sang cũng được, mà nói hãng này nhiều khi khá chịu chơi, cũng chẳng sai.

* Có người nói hãng phim của anh thành công về hài là nhờ Hoài Linh, nghe điều này anh biện hộ thế nào?

- Thực tế luôn là câu trả lời sinh động nhất, bởi phim thường cần đến ngôi sao, mà Hoài Linh là danh hài có duyên, mời anh ấy đóng phim là đương nhiên. Cũng nên nhớ rằng chúng tôi không ngồi chờ mà chủ động mời anh ấy, phải thuyết phục và phân tích thiệt hơn này nọ, chứ lúc ấy, cát-sê của Hoài Linh bên sân khấu cao ngất ngưởng, bỏ mấy tháng cho phim, đâu phải dễ.

Hơn nữa, không phải Hoài Linh đóng phim nào cũng giúp nhà sản xuất thắng lợi, vì cái chất của anh ấy hợp với hài, biểu đóng chính luận thì ai tin, nên sự cộng tác của chúng tôi là đôi bên hiểu sở trường của nhau. Tôi đã đợi một năm để Hoài Linh đủ thời gian tham gia phim Tết năm nay, điều đó chứng tỏ sự cần người đúng vai, buộc chúng tôi không thể cẩu thả. Nói trước sợ bước không qua, chứ khi xem xong bản hoàn chỉnh phim Tết Hello cô Ba mà chúng tôi vừa sản xuất, với cách đặt Hoài Linh và nhiều diễn viên khác vào đúng vị trí của mình, tôi mạnh dạn nói rằng nó sẽ đem lại thắng lợi.

Cũng nói thêm, phim của hãng Phước Sang bị cho là dùng nhiều sao, nhưng thử để ý mà xem, họ đều có nét diễn của riêng mình, dù xuất hiện ít hay nhiều, chính vì vậy mà tôi giảm được áp lực về cát-sê.

Cảnh trong Hello cô Ba - bộ phim hài mà Phước Sang rất tự tin về sự thắng lợi doanh thu

* Anh từng nói, với một phim như Avatar thì mấy chục năm nữa Việt Nam mới làm được, trong khi khán giả Việt Nam thì được xem song hành với Mỹ, thậm chí còn xem trước cả giới làm nghề, vì họ bận rộn, đâu có thời gian đi xem. Trong bối cảnh như vậy, theo anh tại sao khán giả vẫn còn ủng hộ phim Việt, dù nó thấp kém hơn thấy rõ?

- Điều này thuộc về văn hóa và tâm tư tình cảm, người Việt xem câu chuyện Việt vẫn thấy gần gũi, thích thú hơn. Đó là chưa nói, với trình độ ngày một thay đổi theo hướng tiến bộ, khán giả không quay lưng với phim Việt vì họ tự nhận về mình trách nhiệm cứu phim Việt. Tôi từng đọc nhiều bài viết trên mạng, họ thẳng thắn nói rằng muốn trung gian góp vốn cho nhiều người được làm nghề, chứ cũng 90 phút đó, họ có quá nhiều phim hay để xem. Ở đây, dù không hô hào, nhưng rõ ràng khán giả (người dân) đã có cách tự bảo vệ bản sắc và yêu nước theo kiểu của riêng mình.

* Anh dự báo như thế nào về thị trường phim năm 2012 và một vài năm tới?

Nghệ sĩ Phước Sang sinh năm 1969, thủ khoa diễn viên khóa 9 Trường Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM. Hiện có ba sân khấu: Kịch Sài Gòn, Kịch Nam Quang và 135 Hai Bà Trưng; hai nhà hàng tiệc cưới: Quốc Thanh và Nhân Đôi; một hãng phim: Hãng Phước Sang; một vài công ty về bất động sản, đào tạo diễn viên...

- Tôi từng nói: “Làm phim hài, nhất là phim mùa Tết, chúng tôi đã xác định ngay từ đầu đối tượng khán giả của mình là đại chúng. Vì vậy, nếu có một vị giáo sư hoặc một nhà phê bình nào lỡ mua vé vào rạp rồi sau đó thấy phim nhảm, mì ăn liền thì đó là việc ngoài tiên liệu của chúng tôi”. Tôi cho rằng việc nên làm trong các năm tới là tiến hành phân loại phim và phân loại khán giả, để tránh tình trạng ngồi nhầm rạp rồi la ó tùm lum.

* Anh nghĩ gì về chuyện thẩm duyệt phim hiện nay, nó giữ vai trò như thế nào trong việc phân loại phim hoặc kích thích sản xuất?

- Nó đã có nhiều cải tiến để đuổi kịp sự nở rộ của thị trường, nhưng đôi lúc, cũng còn lệch nhau, khiến đôi bên khó xử. Quan điểm của tôi là hãy mở rộng tiêu chí và thước đo, thậm chí dán mác phân khúc khán giả cho từng phim, nhằm kích thích các nhà sản xuất mạnh dạn đầu tư. Đó là cách hiệu quả để chống băng đĩa lậu, nơi mà cái gì cũng có, ngay cả những thứ mình kiểm duyệt bỏ đi. Khi nhà sản xuất có nhiều khung giá trị để đầu tư thì phần lợi lớn nhất thuộc về khán giả, tiếp đó là nguồn thuế đóng cho nhà nước thêm dồi dào. Còn khi nhà sản xuất bị bó buộc với một số khung cửa hẹp thì phần lợi sẽ bị đẩy về phía băng đĩa lậu, lúc ấy đôi ba bên cùng chết, mà khán giả thì bị lệch pha.

Văn Bảy (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm