Phía sau một thần tượng

18/05/2011 07:03 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH Cuối tuần) - Gần 4 năm sau ngày mất nhà thơ Phạm Tiến Duật - người được ca tụng như “con chim lửa của Trường Sơn huyền thoại”, “cây săng lẻ của rừng già”, “nhà thơ lớn nhất thời chống Mỹ”... với những bài thơ “có sức mạnh của một sư đoàn” - là lúc vợ con ông cùng những người bạn vừa tập hợp thêm tư liệu, hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị ông được phong tặng giải thưởng Hồ Chí Minh đợt này...

Người ở lại…

Anh lính Phạm Tiến Duật và cô giáo Nguyễn Ái Vân trong lần đi chơi ở Hà Nội (1969). Ảnh do nhạc sĩ Trần Tiến chụp.

Căn hộ ở tầng 5 khu tập thể Trung Tự có lẽ là tài sản vật chất lớn nhất và duy nhất nhà thơ để lại cho vợ con.

Trước khi tìm đến ngôi nhà này, tôi đã rất phân vân. Trong những ngày tháng cuối cùng của nhà thơ được vô vàn người yêu mến ấy, rất nhiều bài báo đã viết về ông, về thơ và về cuộc sống riêng của ông, thậm chí, viết rất chi tiết, rất cụ thể…, nhưng gần như tuyệt nhiên không đả động tới ngôi nhà ở khu tập thể Trung Tự.

Giờ đây, từng đồ vật thân thiết trong ngôi nhà ấy dường như còn mang hơi ấm của nhà thơ, in dấu hình ảnh ông. Và tất cả đều sống vẹn nguyên trong ký ức của người phụ nữ ở lại - bà Nguyễn Ái Vân, vợ nhà thơ, người “vắng mặt” trong những bài báo “về những ngày tháng cuối cùng” ấy, và cũng vì thế mà bà nhận được không ít lời trách móc từ phía những người yêu thơ Phạm Tiến Duật.

Như ông vừa đi chơi đâu đó mấy hôm. Như sinh thời, ông vẫn vắng nhà thường xuyên… Chiếc giường này là nơi Phạm Tiến Duật từng ngồi bó gối mấy đêm liền tham gia soạn thảo Văn bia Trường Sơn (ông từng là thư ký văn học của trung tướng Đồng Sỹ Nguyên). Những câu chữ chắt lọc thể hiện tình ý của vị trung tướng từng khiến ông ôm đầu kêu lên: “Chảy máu mắt, chảy máu mắt mất thôi!”, viết nhiều nhưng bà chưa thấy khi nào ông phải lao tâm khổ tứ đến vậy… Chỗ kia là chiếc bàn nhỏ cạnh giá sách, ông từng thức trắng nhiều đêm liền chuẩn bị nội dung cho những buổi nói chuyện về cuộc đời và sự nghiệp của các danh nhân Việt Nam theo lời mời của một số trường đại học. Nhiều ngày đêm, ông ngồi đọc rồi mê mải viết hết trang này đến trang khác…

Bàn thờ nhà thơ để giữa nhà, hướng Nam. Bà Vân chỉ vào khoảng không gian vừa bằng chiếc chiếu ngay trước bàn thờ, bùi ngùi nhớ lại bữa cơm đoàn tụ cuối cùng với gia đình, vào dịp 2/9/2005, hai năm trước ngày ông ngã bệnh rồi đi viện và mất. Hôm ấy, con rể nhà văn Đỗ Chu (nhà văn Đỗ Chu là một trong những người bạn văn, bạn thân của Phạm Tiến Duật) mang đến món gỏi cá. Khách còn có họa sĩ Nguyễn Khánh Toàn - người công tác tại tạp chí Diễn đàn Văn nghệ - nơi ông làm tổng biên tập. Ông bà, con cháu quây quần cùng ăn uống với khách. Từng câu nói hay mỗi lời đùa vui của ông còn nguyên trong bà như một cuốn phim quay chậm... Bạn bè ông thi thoảng vẫn đến nhà cùng ông lai rai vài chén rượu và thưởng thức các món ăn do bà chế biến. Bà Vân nấu ăn ngon, nhất là những món ăn truyền thống của người Hà Nội. Ông thích món ốc riêu nguội hay ốc nấu chuối đậu do bà Vân làm. Ông thi thoảng tạt về nhà, ăn cơm, chơi với cháu nội, rồi đi. Ông yêu cháu nội lắm, mỗi lần về nhà thường gửi tiền bà mua quà cho cháu. Không ở cùng các con nhưng vào cuối tuần, ông thường hẹn ăn trưa với các con hoặc bố con lai rai cà phê… Phạm Tiến Duật có hai con trai, người con trai đầu mới xây dựng gia đình, người thứ hai làm việc tại một hội văn nghệ ở Hà Nội, nhưng cả hai không ai theo nghiệp văn chương của bố.

Nước mắt sau những cuộc phiêu lưu…

Bà Vân tỏ ý không hài lòng khi đọc một bài báo viết rằng, ông chọn giải thoát cho những khủng hoảng trong cuộc sống riêng bằng những cuộc phiêu lưu bên ngoài… Với bà, trong những phút giây lơ đãng của số phận ấy, ông chông chênh, ngả nghiêng theo đuổi những thú vui mà điều đó có thể làm tổn thương đến nhiều người. Chỉ vậy thôi. Sau mỗi lần đi, ông lại về xin lỗi bà và các con vì xao nhãng trách nhiệm, như đứa trẻ mắc lỗi lầm trở về nhà hối hận khóc rưng rức trước mặt người thân. Bà biết, tình cảm thường xuất phát từ cả hai phía. Nhưng bà có lý lẽ và… trái tim để bênh vực ông. Với bà, những gì thiên hạ thêu dệt và đổn thổi về ông, dẫu có bao nhiêu phần trăm sự thật, vẫn chẳng thấm tháp gì so với những người khác. Chẳng qua, ông là người nổi tiếng, ông là nghệ sĩ nên bị soi xét và chú ý một cách thái quá, mà thôi…

Nhà thơ Phạm Tiến Duật cùng vợ (1995). Ảnh tư liệu do gia đình cung cấp

Phải là người yêu thương ông đến nhường nào, hay có thể thời gian đã khỏa lấp những giận hờn, đớn đau, dằn vặt bấy lâu khiến bây giờ nhắc đến ông, trong bà Vân chỉ còn những hình ảnh tốt đẹp đầy ắp yêu thương và kỷ niệm. Ngày ấy, anh lính Phạm Tiến Duật mỗi lần từ chiến trường Trường Sơn ra Hà Nội họp hành hay đi trại sáng tác thường gặp gỡ lứa bạn đồng môn Văn khoa ĐH Sư phạm I và văn nghệ sĩ Hà Nội (Trọng Khôi, Dương Thụ, Lưu Quang Vũ, Vũ Quần Phương, Bằng Việt, Vương Trí Nhàn…) ở tạp chí Văn nghệ Quân đội (số 4 Lý Nam Đế, Hà Nội)... Cô giáo Nguyễn Ái Vân là em ruột NSND Trọng Khôi. Thế là chàng trai Phú Thọ và cô gái Hà Nội biết nhau từ đấy... Những cánh thư và những lần nhà thơ ra Bắc, tìm đường lên Trường cấp 3 Quảng Oai (Ba Vì, Hà Tây cũ) thăm cô giáo dạy Toán chắp cánh cho mối tình thời chiến nảy nở… Hàng trăm bức thư và ảnh của anh chiến sĩ Tiểu đoàn 102 thuộc Đoàn vận tải Quang Trung, đường 559 gửi về cho cô giáo Vân đều bị hỏng vì trận lụt lịch sử năm 1974, khi bà Vân vừa sinh con thứ hai ở Hà Nội. Mỗi bức thư ông viết về cho bà đều ngút ngàn yêu thương khiến bà có khi thuộc từng đoạn dài. Nhiều bức thư của ông bị cạy cửa lấy đi. Có lẽ vì người ta quá yêu thích văn thơ ông…

Hạnh phúc con người

Sinh thời, tôi có được đôi ba lần gặp ông vì công việc, khi phỏng vấn ông về “chân” MC chương trình dành cho người cao tuổi Vui khỏe có ích trên VTV3, lúc gặp ông nhân chuyến xuất ngoại dự hội thảo về thơ khi ông đang giữ cương vị Phó trưởng ban Đối ngoại - Hội Nhà văn VN… Ông có tài nói dễ mê hoặc người khác. Chẳng những hoạt ngôn, ông có thể nói chuyện cả buổi, mà còn nói hay, nói có sức nặng của hàm lượng thông tin và chữ nghĩa trong diễn đạt tình ý. Chẳng có gì lạ khi tôi và nhiều bạn cùng thế hệ, từ yêu thơ nên yêu mến và ngưỡng mộ ông biết nhường nào, ngưỡng mộ luôn cả những giai thoại về người đàn ông đẹp trai, hay chữ và đào hoa…

Nhưng có lẽ, chỉ tới khi gặp người phụ nữ đã gắn bó với ông trong phần lớn cuộc đời, nghe câu chuyện rút từ gan ruột của bà kể về người bạn đời quá cố, tôi mới hiểu phía sau những hào hoa của một thần tượng ấy là gì, phía sau người đàn ông hồn nhiên và mê say nhường ấy, phía sau người chồng dễ khóc và dễ cười đến vậy là ai.... Người đi trong đau khổ của đời mình mà khuôn mặt lúc nào cũng tươi vui rạng rỡ. Người thường làm “chủ trò” trong những cuộc vui và khá đắt sô với nghề MC trong những năm cuối đời nhưng lại lúng túng trong xoay chuyển đời mình…

“Nếu có điều gì để tiếc cho anh, thì tôi tiếc rằng, những năm tháng sau này, nếu cuộc đời riêng của anh hạnh phúc hơn thì anh sẽ đỡ khổ về tinh thần hơn. Và lẽ ra anh phải được hạnh phúc hơn vì anh là một nghệ sĩ theo đúng nghĩa nhất của từ này. Anh sống thật và yêu thật, hết lòng không giấu giếm hay giả tạo. Sinh thời, không phải ai cũng hiểu đúng về anh” - đấy là lời kết bài báo mới nhất phỏng vấn một trong những đồng nghiệp của ông (nhân dịp người này kêu gọi quyên góp xây dựng nhà lưu niệm nhà thơ Phạm Tiến Duật ở Phú Thọ quê hương ông). Có thể tôi cũng rơi vào số những người không hiểu đúng về ông. Nhưng tôi biết, dẫu có thế nào, Phạm Tiến Duật vẫn là người hạnh phúc. Hạnh phúc trong sự yêu mến, ngưỡng mộ của những người yêu thơ ông trên khắp cả nước. Và hạnh phúc khi ông vẫn sống trong ký ức, trong tình yêu trọng vẹn không có trách than, oán thán của người phụ nữ, mà đôi khi, vì tình yêu ấy, họ đã phải rơi nhiều nước mắt…

Long Nghệ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm