Nhạc sĩ Nguyễn Cường: Tôi chọn dạng nghệ thuật… cực nghèo

09/07/2012 13:50 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH) - Xuất hiện vào 20h mỗi tối thứ 6 cuối tháng, với hai tiêu chí: Vang lên và Mèo nhỏ bắt chuột con, mỗi đêm diễn gồm hai phần: Phần đầu là trích đoạn các tác phẩm nổi tiếng thế giới, phần hai giới thiệu những tác phẩm khí nhạc Việt Nam, CLB CEG của nhạc sĩ Nguyễn Cường đã đi đến số thứ 3 vào cuối tháng 6 vừa qua tại phòng trà Café Trung Nguyên, 52 Hai Bà Trưng, Hà Nội mà không còn một chỗ trống.

Đó là một sự "trở lại" đầy bất ngờ khi cách đây chục năm, nhạc sĩ Nguyễn Cường cùng các nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc, Đỗ Hồng Quân, Trần Mạnh Hùng đã từng gặp nhau tại một bữa tiệc "lệ quyên" để bàn về CLB CEG nhưng kết quả là tiệc tan, tan luôn cả ý tưởng. Chưa kể một vài lần sau đó, dự án này tiếp tục diễn ra trong sự… thất bại thảm hại. 


Khí nhạc Việt Nam vẫn ở trên... giấy

* Điều gì khiến nhạc sĩ Nguyễn Cường vốn quá "nổi" với những ca khúc về Tây Nguyên lại khao khát có một không gian dành cho nhạc cổ điển và đặc biệt là khí nhạc Việt Nam đến như vậy?

- Từ trước đến nay, người ta chỉ nghĩ đến tôi với những ca khúc pop -rock vì nó nổi quá trong khi tôi đã được đào tạo rất tử tế từ khí nhạc và cũng viết khá nhiều những tác phẩm khí nhạc. Chỉ có điều, nó không có cơ hội được vang lên. Hiếm hoi mới có nhóm solist của Na Uy đã từng diễn, còn đâu, nó cứ lọt thỏm giữa những bề nổi, là những ca khúc pop-rock kia được tung hô ghê gớm. Điều đó khiến tôi cảm thấy bất công với chính những đứa con của mình.

Tất nhiên không thể so sánh những thể loại âm nhạc khác nhau trên mọi phương diện nhưng mỗi sản phẩm, cũng cần có vị trí của nó. Không phải ai cũng biết có khi phải mất cả năm trời mới cho ra một tác phẩm khí nhạc, còn những ca khúc pop rock kia, chỉ cần 15 phút là xong.   

Ở các nước trên thế giới, khí nhạc phát triển trước, sau đó mới đến pop, rock thì ở Việt Nam, điều đó lại diễn ra ngược lại. Và hiện nay, 90-99% nhạc khí của Việt Nam là ở trên bàn giấy. Mà như thế thì chỉ gọi là tư liệu thôi. Tác phẩm là phải qua những nghệ sĩ biểu diễn, ra mắt công chúng. Trước những suy nghĩ đó, khát vọng rất lớn của tôi là đem được những tác phẩm khí nhạc của những nhạc sĩ Việt Nam vang lên.

* Những chương trình nhạc cổ điển thường rất khó "móc túi" được người nghe. Có phải vì tránh rủi ro này nên chương trình của CEG mới chọn hình thức vào cửa miễn phí?

- Hoàn toàn không. Chuyện bán vé, tôi nghĩ đây là cái sai của nhà tổ chức chứ không phải do công chúng. Do mình không tạo được tâm lý cho người đến nghe. Tâm lý của người đi nghe khi bỏ tiền ra là họ phải được thoải mái chứ không phải đến một nơi sang trọng nửa vời rồi mất tiền mà không có được điều họ muốn.

Còn việc CEG đang làm là tạo dựng một địa chỉ văn hóa và hình thành thói quen đi nghe nhạc cho công chúng để cứ đến đúng giờ đó, ngày đó, địa điểm đó là họ đến nghe.  

Thước đo dân trí là thái độ nghe nhạc

* Vậy CLB CEG sẽ xoay sở thế nào để tồn tại khi không bán vé, thậm chí không tài trợ?

- Nhiều người hỏi tôi, chương trình này không bán vé, không tài trợ thì tồn tại bao lâu? Tôi nói luôn, bán vé là chết, tài trợ cũng chết luôn. Vì chúng tôi làm bằng cái tâm, bằng sự tự nguyện của cả nghệ sĩ biểu diễn và nhạc sĩ gửi bài đến tham gia. Các nghệ sĩ biểu diễn đến đây, dù là sinh viên, giảng viên hay NSND, NSƯT thì tất cả cũng đều được hưởng một mức thù lao bằng nhau (500.000 đồng/người). Với những nhạc sĩ có bài đăng kí thì họ phải tự bỏ tiền để dựng bài, kể cả khi có tài trợ.

Tôi xác định nghệ thuật chỉ có 2 dạng, một là cực kì nghèo, hai là đại gia và tôi chọn dạng thứ nhất. Đó cũng là phương án cho dự án này. Đây là một chương trình vào cửa tự do. Nhưng bước đầu, những khán giả chúng tôi mong đợi không phải ai xa lạ vì họ có thể chính là những người bạn, người thân, quen của các những nghệ sĩ. Chúng tôi sẽ không nhận tiền của người đi xem, nhưng vươn tới sẽ nhận của người mời người khác đi xem. Đó mới là cái khó. Chúng tôi cũng muốn có thêm hàng ghế VIP để có thể cải thiện đời sống cho anh em nghệ sĩ nhưng dù có đạt đến mức đó thì nguyên tắc trả thù lao vẫn không có gì thay đổi.

* Với một chương trình vào cửa tự do như vậy, chắc thước đo thành công của chương trình này sẽ không còn nằm ở số lượng ghế ngồi của khán giả?

- Đúng. Thành công của CEG sẽ "đo" ở khả năng duy trì chương trình có diễn ra điều độ được hay không, dù một tháng làm một show nhưng tháng nào cũng phải có.

Sân chơi này sẽ không quá quan trọng về số lượng khán giả vì đây là thứ âm nhạc hướng vào bên trong, dành cho từng người chứ không như những thể loại ồn ào náo nhiệt như pop, rock, thưởng thức theo kiểu tập thể mà cần phải đông.

* Điều gì khiến ông tự tin là dự án lần này sẽ diễn ra lâu dài?

- Chương trình này không đòi hỏi khán giả đi nghe phải biết đồ rê mi là cái gì. Họ chỉ cần mở lòng ra để nghe, nghe từ trái tim để thấy đơn giản nó là hay hay không hay. Âm nhạc chỉ cần có thế.

Nhiều người cho rằng vì dân trí của mình thấp nên nhạc cổ điển mới kén người nghe nhưng tôi đánh giá những người như thế mới là dân trí thấp. Vì họ không thực sự lao vào làm để thấy được thái độ nghe nhạc chính là dân trí. Mà thái độ của khán giả ở chương trình này tôi đã thấy, một sự trân trọng dành cho âm nhạc từ trẻ nhỏ. Ở số thứ 2, một đứa trẻ muốn bóc bim bim để ăn, nhưng tự nó đã dừng hành động đó lại để giữ yên lặng. Xã hội đang tiến đến sự sang trọng và tôi tin những chương trình như thế này sẽ đáp ứng được nhu cầu đó.

* Xin cảm ơn ông!

Lam Ngọc (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm