Nhà văn Đỗ Bích Thúy & 'Cánh chim kiêu hãnh': Tinh khôi đến… chói mắt

25/10/2013 14:31 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Như con tằm ăn lá dâu nhả tơ làm kén với những trang văn mảnh, khéo và tinh, Đỗ Bích Thúy đã chỉn chu thêu thùa qua hàng chục tác phẩm hấp dẫn về vùng cao của mình. Văn của chị, cũng như chị: đẹp rờ rỡ và trong, tinh khôi đến chói mắt. Đôi lúc đọc văn chị, không ít độc giả phải thẳng lưng, nghiêm ngắn bẻ lại cổ áo trước khi lần giở.

Nhà văn Đỗ Bích Thúy sinh ra và lớn lên ở Hà Giang, về Hà Nội học báo chí, nổi tiếng sau khi đoạt giải Nhất truyện ngắn tạp chí Văn nghệ Quân đội với chùm truyện ngắn Sau những mùa trăng, Đêm cá nổi, Ngải đắng ở trên núi. Tiểu thuyết Cánh chim kiêu hãnh (NXB QĐND, tháng 10/2013) là tiểu thuyết thứ hai trong gia tài 13 cuốn sách của Đỗ Bích Thúy viết về vùng đất địa đầu của Tổ quốc: miền biên ải Hà Giang. 


Bìa Cánh chim kiêu hãnh.

Đậm đặc vỉa tầng văn hóa Tày-Mông

Cánh chim kiêu hãnh nói về những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, đuổi Nhật ở Hà Giang, giai đoạn những năm 40 của thế kỉ trước. Là chuyện về những người thanh niên thôn bản vùng cao đi theo Việt Minh đánh giặc, ban ngày đi làm, tối đến tắt bếp đi ngủ nhưng nửa đêm không ai bảo ai tất cả đều thức dậy, bí mật rèn đao, rèn súng.

Tiểu thuyết Cánh chim kiêu hãnh đậm đặc vỉa tầng văn hóa Tày – Mông, xen kẽ là những trang viết thú vị về tập tục người vùng cao, về phiên chợ ở đó có những người đàn ông uống say, nằm lăn ra đất, “đầu cắm vào gốc cây mận đang độ ra hoa trắng xóa”. Với không ít đoạn văn trữ tình mô tả những đêm trăng, sương sớm đầy quyến rũ và ám ảnh với mùi hương bạch yến, cây sổ già, cái cọn nước, rừng mả ở Quản Bạ, Phó Bảng, Đồng Văn.

Cánh chim kiêu hãnh tiếp tục mạch nguồn về đề tài dân tộc và miền núi mà nhà văn Đỗ Bích Thúy đã dày công tạo dựng nên những con người miền núi với vẻ đẹp thuần khiết và tâm hồn nhân hậu. Những con người dù cực khổ với đủ thứ thuế ngựa thồ, thuế khói lửa, thuế rửa bát, thuế muối… nhưng vẫn đoàn kết, tin tưởng ở cách mạng, ở tình yêu. Như khát vọng ở đầu nguồn, nơi chốc chốc lại vọng lên nhưng câu hát mời gọi đôi lứa: “Gió về thổi lá bên cây/ Nếu ta là hạt mưa sương/ Ta sẽ tan trên bàn tay chàng/ Gió thổi lá cây ngả nghiêng bên suối/ Nếu ta là hạt mưa sương/ Ta xin tan dưới bàn chân chàng…” (trang 109).


Nhà văn Đỗ Bích Thúy.

Tế bào văn chương & giá trị nhân bản

Việc đọc một cuốn sách dĩ nhiên là quan trọng, nhưng ngắm người viết ra nó còn quan trọng hơn. Sành điệu, hoạt ngôn, tươi trẻ và váy áo hồi hộp, Đỗ Bích Thúy mỗi lần xuất hiện đâu đó là có cả một “lực lượng” tháp tùng bằng ánh mắt. Đôi lúc “nhìn trộm” facebook nhà văn Đỗ Bích Thúy, xem chị tán “láo”, phẩm bình về ăn mặc như thế nào, dường như chị cũng là một trong những nữ nhà văn đương đại “comment” (bình luận) rất “khỏe”. Đủ các thứ chuyện trên đời, nhưng rồi cuối cùng lại là bàn tới chủ đề “tôi đã trở về trên núi cao”, tất nhiên là bằng tác phẩm, dù là tiểu thuyết, truyện ngắn hay những tản văn của chị.

Với Đỗ Bích Thúy, tác phẩm mới là điều quan trọng, chẳng ai có thể lấy đi hoặc cản trở các tế bào văn chương miền núi của chị đang sinh sôi và nảy nở những giá trị nhân bản. Chị đã nhiều lần từ chối khi được hội nghề nghiệp bầu ban chấp hành. Suy cho cùng tự do cũng phải cần có sự ràng buộc nơi chốn, mọi con đường đều phải hướng tâm  về chân - thiện - mỹ. Văn chương cũng vậy – dù là lĩnh vực sáng tạo, con diều bay mãi trên bầu trời cũng cần có sợi dây đẩy đưa, kéo giữ. Miền biên ải Hà Giang đã xuyên thấm, kéo giữ Đỗ Bích Thúy để sống và viết trong thế giới của mình với tất cả tấm lòng son đỏ.

“Đổi gió” với tiểu thuyết về một đề tài mới, hẳn là chị cũng muốn thay đổi, làm mới cảm xúc của mình. Nhưng Cánh chim kiêu hãnh về những con người vùng cao, cho dù viết ở dạng thức nào, tin rằng đề tài dân tộc và miền núi, nơi đã “làm tổ” trong tâm hồn nữ nhà văn, biểu tượng đó chắc chắn Đỗ Bích Thúy sẽ không để “thất truyền”.

LÃNG MA
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm