Nhà thơ Khánh Nguyễn và 'Ngọn gió lang thang' xứ người

20/09/2015 18:41 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Khánh Nguyễn tên thật là Nguyễn Khánh Hòa, là một nhà ngoại giao Việt Nam. Đời người làm ngoại giao đi đây đi đó khiến lòng người rộng mở, nhưng nỗi nhớ quê hương và gia đình gắn họ với cội nguồn, khiến tâm hồn họ rất gần với tâm hồn nhà thơ.

Tập thơ Ngọn gió lang thang vừa ra mắt với sự góp mặt của đông đảo bạn bè văn chương và ngoại giao của tác giả.

Ở nơi này và ngóng nơi kia

Nhà thơ Khánh Nguyễn sinh năm 1950 tại Nam Định. Ông tốt nghiệp Đại học La Habana, Cuba, về sau công tác tại Ủy ban Khoa học Kỹ thuật Nhà nước và Bộ Ngoại giao. Trong thời gian làm việc ở Vụ Cuba – Mỹ Latin thuộc Bộ Ngoại giao (nay là Vụ Châu Mỹ), ông đi công tác tại Cuba, Argentina, Chile, Mexico và các nước Mỹ Latin khác.

Nghề ngoại giao là một nghề đặc biệt. “Những người làm nghề ngoại giao luôn ở trạng thái phân thân của cảnh ngộ và tâm trạng. Cuộc sống của họ trải dài, giăng mắc trong những hành trình xuyên lục địa, vượt quốc gia, đi về giữa nước mình, nước người và ngược lại. Họ ở nơi này và ngóng nơi kia” – nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên viết về tác giả.


Nhà thơ Khánh Nguyễn đọc thơ cho bạn bè và tập thơ “Ngọn gió lang thang”

Ngày nay, nhiều người có thể đi đó đi đây mà không cần phải làm nghề ngoại giao, chính vì thế tâm trạng của những người làm nghề ngoại giao càng có thêm nhiều chia sẻ. “Ở nơi này và ngóng nơi kia” chính là cách dùng từ đắt giá. Chính tâm trạng đó đã khiến nhà ngoại giao Khánh Nguyễn tìm đến thơ ca.

Còn nhà thơ Khánh Nguyễn chia sẻ: “Cuộc đời ngoại giao tôi di chuyển rất nhiều. Nhưng đa phần cán bộ ngoại giao Việt Nam ở Nam Mỹ đều phải để vợ con ở nhà. Ngoài công việc, trong thời gian rảnh rỗi, chúng tôi đều rất tâm trạng, nhớ vợ thương con. Rộng hơn là nỗi nhớ đất nước quê hương. Vì vậy, tôi cầm bút vì nhu cầu nội tâm chứ không vì mục đích cao siêu nào khác”.

Việt Nam hiện hữu trong những vần thơ về xứ khác

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, người từng học ở Cuba cùng dịp nhà thơ Khánh Nguyễn làm ngoại giao ở đất nước Nam Mỹ này, kể lại nhiều kỷ niệm cảm động của những người bạn Việt ở Cuba.

Nguyễn Quang Thiều kể: “Sứ quán Việt Nam ở Cuba khác những cơ quan ngoại giao VN khác mà tôi biết. Ở đó chúng tôi có thể ghé qua lục cơm nguội bất cứ lúc nào”. Đó là một sự thân thương không tìm thấy ở bất cứ đâu.

Chia sẻ nỗi niềm người Việt từng xa xứ, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho rằng các nhà ngoại giao trở thành thi sĩ vì tâm hồn họ rất hợp với thơ ca. Họ đi khắp nơi như một người lãng du, đến thành phố này rồi đi bờ biển khác. Trong thời gian đó, họ lắng nghe và cảm nhận thật nhiều.

Bởi vậy, thơ Khánh Nguyễn có đủ thiên nhiên, con người, tâm trạng. Thơ ông cũng có nỗi buồn đẹp đẽ của một người xa quê. Cảnh đẹp, cây cối, món ăn, những con đường... trong thơ ông không chỉ là cảnh vật Nam Mỹ mà còn mang bóng dáng Việt Nam. Từ mọi vùng miền ông đều khiến nhớ về Việt Nam, về người phụ nữ của mình ở Việt Nam.

“Lời thơ anh không khác con người anh, dung dị, nồng ấm” – nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhận xét. Để chia sẻ nỗi niềm với người bạn lâu năm, Khánh Nguyễn đọc bài thơ Về Cuba: “Tôi lại về đây sau nhiểu năm xa cách. Mảnh dất nuôi tôi những tháng năm dài. Sôi nổi một thời, nghĩa tình, nhân hậu. Hiên ngang, gan góc Cuba”.

Tập thơ Ngọn gió lang thang do NXB Văn học ấn hành. Tập thơ chiêm nghiệm lại cuộc đời đi sứ của tác giả, gồm 2 phần Giấc mộng trưa Hè và Làm nghề hát rong, Sau một thời bôn ba, nhà thơ trở về gốc rễ là quê nhà. Ông viết những vần thơ: “Rồi sẽ đến ngày mắt mờ, chân mỏi. Ta loanh quanh trong mảnh sân nhà. Như trẻ nhỏ, vui đùa cùng trẻ nhỏ. Lại thèm một ngày làm lữ khách đi xa”.

Hạ Huyền
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm