Nguyễn Trọng Tạo vẫn nồng nàn "Làng quan họ quê tôi"

16/02/2012 14:19 GMT+7 | Âm nhạc


(TT&VH) - Đà Lạt hôm ấy có mưa. Cơn mưa ngậm bản giao hưởng buồn miên du khắp phố. Tôi đang nằm co ro trong gác trọ, lặng nghe mình thở giữa bốn bức tường trống toang. Nhà thơ ngõ Đoài - Vương Tùng Cương điện thoại bảo: “Đến 27 phố Thi Sách đi! Nguyễn Trọng Tạo vừa mới bay từ Hà Nội vào”. Thế là lần đầu tiên tôi được diện kiến tác giả ca khúc Làng Quan họ quê tôi vang bóng một thời…

Năm nay đã ngoài 60 tuổi mà nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo vẫn còn hào hoa lắm. Cái chất phong trần lãng tử ngấm cả vào vóc hình. Ông ôm đàn, tiếng đàn liêu trai, dìu dặt, sáng trong, mê đắm. Tôi nhẩm theo rồi cùng ông lãng du về miền Quan họ qua tâm tưởng xa xôi… Giai điệu dịu êm, ca từ da diết, nhạc phẩm Làng Quan họ quê tôi dù đã trải qua gần nửa thế kỷ, nhưng vẫn tươi rói trong chiều mưa Đà Lạt có ông, có tôi và vợ chồng nhà thơ Vương Tùng Cương.

Những ngữ cảnh để Làng Quan họ quê tôi ra đời

Nguyễn Trọng Tạo sinh ra ở một làng quê xứ Nghệ, ở đó, có những bài hát về làng quê nuôi lớn tâm hồn bao đứa trẻ quê. Những bài hát như Làng tôi của Văn Cao, Làng tôi của Hồ Bắc… những bài hát mà Nguyễn Trọng Tạo nói: “Nó đã nâng bước lớp trẻ chúng tôi hòa vào mọi làng quê đất nước. Dù năm tháng chiến tranh đạn bom ác liệt, nhiều ngôi làng tan hoang, nhưng những câu hát êm đềm ấy thì mãi mãi thắp sáng trái tim con người luôn hướng về làng quê yêu dấu”.

Ông nói tiếp: “Ra khỏi cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, tôi được điều về Hà Nội. Và tôi luôn nhớ làng tôi… Bỗng một hôm nhà thơ Nguyễn Phan Hách đưa tôi bài thơ Làng Quan họ của anh. Hôm ấy tôi đến làm việc với Nhà xuất bản Tác phẩm mới và tình cờ gặp lại anh Hách mới chuyển về làm việc ở đấy. Anh rất vui vì đêm trước tình cờ nghe được một bài hát mới của tôi, bài Nụ cười Việt Nam, phổ thơ Chính Hữu.

Có lẽ vì thế mà anh nảy ra ý định nhờ tôi phổ nhạc cho bài thơ của anh. Tôi thấy ngại, nhưng cũng vui vẻ hẹn anh: “Vâng, tôi sẽ xem và nếu phổ được, tôi sẽ hát cho ông nghe để xin ý kiến nhà thơ”.

Miên man trong hoài cảm, Nguyễn Trọng Tạo tiếp: “Tôi vốn rất mê những làn điệu dân ca Quan họ. Từ thời máy bay Mỹ ném bom xuống những trận địa pháo phòng không đặt ở làng tôi, tôi đã được nghe những anh chị văn công xung kích của quân đội đến làng hát cho bộ đội và dân làng tôi nghe những bài hát Quan họ mượt mà. Quan họ chinh phục tôi từ đó. Tôi cũng bị Quan họ chinh phục bởi phim Đến hẹn lại lên. Bộ phim ấy đã dấy lên trong tôi tình yêu thương những con người xứ ấy, những con người suốt đời làm lụng và ca hát, nhưng bao biến động đã vỗ sóng lên số phận không may của họ. Tôi đã mê những câu thơ đẹp và đau đến nao lòng của “ông Hoàng thơ Kinh Bắc” Hoàng Cầm khi được đọc sớm bản thảo Về Kinh Bắc của ông: “Cúi lạy mẹ con trở về Kinh Bắc/ Chiều xưa ghẻ quạt voi lồng/ Thân cau cụt vẫy đuôi mèo trắng mốc/ Chuồn chuồn khiêng nắng sang sông”… Nhưng tôi đâu biết một ngày mình sẽ viết ra bài hát Làng Quan họ quê tôi!

Lại nói chuyện hôm gặp anh Nguyễn Phan Hách, sau khi chia tay anh, tôi cũng quên mất bài thơ còn cất trong túi áo. Mấy ngày sau, tôi đem áo ra giặt. Bên cái giếng xây gạch sứt mẻ của gia đình bà Tâm mù trong làng Khương Hạ, Hà Nội, nơi các nhà văn quân đội chúng tôi đang ở nhờ, tôi móc túi ra bài thơ anh Hách gửi và đọc lại. Lúc ấy từ cái loa làng phát ra những điệu hát Quan họ mê hồn. Tôi bỗng thấy bài thơ đang trở thành bài hát trong đầu tôi. Và câu nhạc mở đầu đã hiện lên. Tôi bỏ lại chậu áo quần bên giếng, vào nhà lấy giấy bút ngồi phổ nhạc cho thơ.

Viết được nửa bài hát thì kẻng báo giờ ăn cơm tập thể. Nhà thơ Nguyễn Hoa ở cùng nhà với tôi từ đâu về lấy bát đũa định rủ tôi đi ăn cơm, nhưng thấy tôi đang “say” sáng tác, anh lặng lẽ đi một mình, sợ tôi sẽ dang dở mạch cảm xúc.

Khi tôi viết nốt nhạc kết thúc thì Nguyễn Hoa cũng đưa cơm về cho tôi. Tôi bảo xong rồi, và cám ơn bạn. Anh cười và bảo hát xem nào? Tôi hát cho anh nghe Làng Quan họ quê tôi. Anh lặng người run rẩy trong xúc động, rồi nói: “Tôi không biết nhạc. Nhìn vào bản nhạc chỉ thấy như giá đỗ. Nhưng bài này hay lắm Tạo ạ”. Lời nhận xét đầu tiên của người bạn khiến tôi rất vui. Lúc đó là một chiều tháng 9 năm 1978”.

Những người đầu tiên trình diễn Làng Quan họ quê tôi

Nguyễn Trọng Tạo cho biết: “Ca sĩ đầu tiên hát Làng Quan họ quê tôi là Kim Phúc, lúc đó mới 18 tuổi, đang theo học năm thứ nhất tại Trường Âm nhạc Việt Nam, và được nghệ sĩ Tôn Thất Triêm đệm đàn trong đêm giao lưu của các nhà thơ quân đội với trường. Tiết mục được hoan nghênh nhiệt liệt, khiến tôi cũng bất ngờ. Nhưng người thu thanh đầu tiên bài hát này là ca sĩ Thanh Hoa (hát cùng tốp nữ), và được phát sóng trên Đài Tiếng nói Việt Nam vào tháng 6 năm 1979. Từ đó, nó trở thành bài hát quen thuộc của người yêu nhạc, rồi được dàn nhạc giao hưởng Leipzig trình diễn trong tuần văn hóa Việt Nam tại Đức, được hãng JVC đưa vào chương trình karaoke của Nhật. Bài hát này được nhiều ca sĩ thu thanh, thu hình, sản xuất đĩa nhạc. Gần đây nhất là Anh Thơ, Trọng Tấn, Trung Anh… Nhiều biên đạo múa cũng lấy nhạc Làng Quan họ quê tôi dàn dựng múa.

Có người thắc mắc với tôi vì sao lời ca trong các bản thu thanh có chỗ khác nhau? Và lời nào là “chuẩn”? Có một thay đổi quan trọng là câu hát gốc “Làng Quan họ quê tôi, những năm bom Mỹ thả” được đổi thành “Làng Quan họ quê tôi, tiếng ca xanh ước hẹn”. Đó là do Nhà xuất bản Âm nhạc khi thu đĩa hát (1984) đã yêu cầu tôi sửa lại để phát hành ra quốc tế thuận lợi hơn?! Và tôi bất đắc dĩ phải sửa lại. Tuy nhiên, sau đó nhiều ca sĩ vẫn hát theo như bản nhạc ban đầu công bố, và tôi thích được hát như bản đầu tiên này. Còn một số từ do ca sĩ nhầm nên đã làm sai lạc đi, như “Con sông Cầu làm bao xanh, ngang lưng làng Quan họ xanh xanh”  bị hát sai thành “Con sông Cầu làng bao quanh, ngang lưng làng Quan họ xanh xanh”; câu “Chị cả tựa mạn thuyền, anh hai ngồi bẻ lái”  bị hát sai thành “Chị cả tựa mạn thuyền, anh hai ngồi thổi sáo”… thì cũng là tam sao thất bản vậy. Điều quan trọng là bài hát đã đi vào lòng người, nó làm cho tâm hồn người ta đẹp hơn, yêu đời hơn, yêu quê hương đất nước hơn”.

Mặc dù tuổi đời đã khá cao. Ở ông, vẫn còn đó sự chân thành gần gũi, vẫn còn đó sự nồng nàn tin yêu cùng nỗi ưu uất thường trực như là nghiệp chướng tiền định đối với những - con - người - sinh - ra - làm - nghệ - sĩ. Vẫn mơ màng nơi đáy mắt, Nguyễn Trọng Tạo lại ôm đàn và hát: “Người ơi, làng Quan họ quê tôi. Những năm bom Mỹ thả, loan phượng vẫn ăn xoài. Hương thơm đồng lúa chín. Quan họ về mà là về trao duyên. Ấy Quan họ về… là về trao duyên ơ hớ…”.

Ngoài trời, mưa vẫn rơi…

Trịnh Chu

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm