'Người gieo chữ ở làng phong' giành giải nhất cuộc thi viết 'Cô giáo của tôi'

12/11/2013 15:40 GMT+7 | Giáo dục

Ngày 12/11, tại Hà Nội đã diễn ra lễ tổng kết và trao giải cuộc thi viết về "Cô giáo của tôi". Cuộc thi được phát động từ tháng 9/2012 và kết thúc vào 31/10/2013 đã thu hút 71.300 bài dự thi từ khắp các tỉnh, thành trong cả nước.

Ban Tổ chức đã lựa chọn 201 tác phẩm in trên báo Giáo dục và Thời đại, 32 tác phẩm được lọt vào chung khảo và 11 tác phẩm xuất sắc được trao giải.

Giải nhất được trao cho tác phẩm "Người gieo chữ ở làng phong" của tác giả Thu Lương - Đài Tiếng nói Việt Nam. Giải Nhì được trao cho 2 tác phẩm "Cái thước" của tác giả Lê Văn Vỵ (Trung tâm Giáo dục thường xuyên Hương Khê, Hà Tĩnh) và tác phẩm "Tiếng hú" của tác giả Phan Thị Thảo Hiền (Trường THPT Phan Thiết, Bình Thuận). Ban Tổ chức cũng trao 3 giải Ba và 5 giải Khuyến khích.


Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa trao giải cho tác giải đoạt giải Nhất cuộc thi viết về "Cô giáo của tôi"

Ngoài ra, đơn vị tham gia xuất sắc nhất của cuộc thi được trao tặng phẩm là Phòng Giáo dục Đào tạo Bình Gia, Lạng Sơn và nhân vật trong tác phẩm đoạt giải Nhất là cô giáo Hà Thị Thu Oanh, trường Tiểu học Trưng Nữ Vương, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng cũng được nhận tặng phẩm của Ban Tổ chức.

Cuộc thi là cơ hội cho mỗi tác giả được thắp lên ngọn lửa con tim, kéo quá khứ trở về, đưa cái đẹp bất tử của lòng yêu thương đến bạn đọc. Đây cũng là diễn đàn, là cơ hội dành cho sự tri ân của con người đến con người; cho học sinh đến với cô giáo của mình. Sự tri ân không bao giờ là muộn, nhất là đối với những người đã nâng bước ta vào đời.

Cuộc thi thu hút cả những cây bút chuyên nghiệp, những nhà văn, nhà báo và cả những cây bút không chuyên nên rất đa dạng, phong phú và đầy dấu ấn cá nhân. Những người cầm bút viết nên các tác phẩm dự thi trải dài theo đất nước, từ miền núi cao tới hải đảo xa xôi, từ nông thôn tới thành thị; họ là những người học trò từ lứa tuổi tiểu học tới bậc trên đại học - viết về cô giáo của mình. Họ là những người giáo viên viết về đồng nghiệp của mình; là những nhà văn viết về tấm gương nhà giáo; là những nhà báo chuyên nghiệp của nhiều loại hình báo chí viết về điển hình tiên tiến trong nhà trường.

Chủ đề đặc biệt gần gũi, ấn tượng tưởng chừng dễ viết nhưng cũng lại là thách thức cho những người cầm bút; chính tấm gương của những thầy cô giáo đã khơi dậy khả năng của những người cầm bút. Một cô giáo hy sinh tuổi xuân, hy sinh tình yêu để đến với trẻ em làng phong; một cô giáo mẫu mực giữ mãi trong tim mình hình ảnh người yêu ra trận không trở về để thay anh làm người con dâu hiếu thảo dù chưa hề làm đám cưới, sinh cho anh một đứa con. Một cô giáo mà nhiều thế hệ học sinh nhìn thấy trong sự nghiêm khắc là tình yêu thương bao la; một cô giáo là mẫu hình để cô trò nhỏ nối bước làm cô giáo... là hiện hữu về những tấm gương thực, việc thực cho tác giả.

Đặc biệt, cuộc thi đã thu hút rất đông các tác giả "nhí". Hơn 1000 em học sinh trường tiểu học Gia Thụy - Gia Lâm (Hà Nội); các em trường THCS Kinh Bắc, Nghĩa Đạo, Bắc Song Hồ (Bắc Ninh); THCS Sơn Kim (Hà Tĩnh)... với nét chữ đẹp, ngay ngắn thẳng hàng đã gửi đến lời tri ân của mình tới các thầy cô giáo.

N. Anh
TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm