Nghề giáo thời… khủng hoảng

16/11/2012 08:16 GMT+7 | Giáo dục

(TT&VH) - Trong buổi tọa đàm về vai trò và vị thế của nhà giáo diễn ra sáng qua (15/11) tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, vai trò của "xã hội học tập" được đánh giá như sự sống còn của cộng đồng. Bên cạnh đó, trung tâm của quá trình "xã hội học tập" ấy, nghề giáo đã được nhìn với lăng kính đa chiều.

Cuộc tọa đàm có sự tham dự của bà Nguyễn Thị Nghĩa - Thứ trưởng Bộ GĐ&ĐT, đại diện UNESCO tại Việt Nam, nhiều nhà giáo dục trong và ngoài nước…

Các diễn giả tại tọa đàm

Thế giới: nghề giáo cũng lung lay bởi đồng tiền

TS. Katherine Muller- Marin, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam, chia sẻ: "Nghề giáo đang ngày một thay đổi trên khắp thế giới, song cái cốt yếu cao đẹp của nghề này vẫn còn đó. Xã hội có nhu cầu và kỳ vọng rất cao đối với giáo viên. Một xã hội học tập có những kỳ vọng thậm chí còn cao hơn thế. Xã hội hiện nay đang tìm kiếm những giáo viên có sự hiểu biết sâu rộng và những tính cách đa chiều".

Trong khi đó, báo cáo Học để tồn tại: Thế giới giáo dục hôm nay và Mai sau của UNESCO chỉ ra rằng: Trong bối cảnh hiện nay, học tập không còn là đặc quyền của giới thượng lưu, cũng không phải vấn đề chỉ dành riêng cho một nhóm tuổi cụ thể nào; mà thay vào đó, giáo dục phải lan tỏa toàn thể cộng đồng và suốt vòng đời của mỗi cá nhân. Báo cáo kêu gọi các quốc gia thành viên UNESCO tái cơ cấu hệ thống giáo dục của mình dựa trên hai nền tảng cơ bản: thứ nhất, xã hội học tập là xã hội trong đó tất cả các cơ quan đều trở thành các đơn vị cung ứng dịch vụ giáo dục; thứ hai, tất cả các công dân đều được tham gia học tập, triệt để tận dụng các cơ hội do xã hội học tập mang lại.

Theo những báo cáo trên, nghề giáo luôn là "tâm điểm", là chìa khóa của "khai sáng", của xã hội học tập. Song trên thực tế, trong một thế giới kinh tế thị trường, "nghề cao quý" đang bị lung lay giá trị ghê gớm bởi đồng tiền. "Nghề giáo đang gặp khó khăn trên toàn thế giới. Khủng hoảng kinh tế tràn qua kéo theo những hệ lụy nặng nề tới tiền lương giáo viên. Và khi tiền lương không đủ sống,nhiều người phải tách khỏi đội ngũ. Điều này đồng nghĩa với số lượng học sinh trong lớp sẽ tăng. Trong khi đó, trang thiết bị không tăng thêm (nếu không muốn nói là giảm đi) dẫn đến tình trạng rất  khó khăn trong việc giáo dục của giáo viên" - ông Gyorgysziraczki- Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế Việt Nam chia sẻ.

Việt Nam: "Đạo học" giúp “giữ lửa” nghề giáo

Ở Việt Nam, chuyện điểm chuẩn ngành sư phạm liên tục "rơi tự do" trong cả gần chục năm nay cũng là minh chứng điển hình. Cụ thể, ngay ở "tiền đồn" của việc đào tạo giáo viên như Đại học Sư phạm Hà Nội, mỗi năm điểm chuẩn lại hạ đi một vài... "nửa điểm". Nếu năm 2005, ngành "hot" của trường là sư phạm sinh: 25 điểm thì 2012 vừa rồi, điểm chuẩn với bộ môn này là 18,5. Hay các ngành chủ chốt như sư phạm toán, sư phạm vật lý, năm 2005, điểm chuẩn lần lượt là: 25,5 và 26, đến năm nay lần lượt là: 21 và 20…

Song theo các chuyên gia, đặt trong bối cảnh xu thế chung, tình hình của Việt Nam không quá "bết bát": "Ở Việt Nam, tình hình lại khác. Dù đồng lương giáo viên cũng không thật cao so với những ngành nghề khác, nhưng người Việt tôn trọng "đạo học" và đánh giá cao nghề giáo. Điều này làm nghề giáo ở Việt Nam không quá tệ hại như những nước khác" - ông Gyorgysziraczki chia sẻ.

Hơn thế, nghề giáo Việt Nam còn được "giữ lửa" bởi cả ngàn năm lịch sử hiếu học của dân tộc. Chẳng thế mà, trong một tọa đàm mang tính quốc tế, trước khi khai mạc, các nhà sư phạm trong và ngoài nước đều nghiêng mình trong lễ dâng hương tưởng nhớ các bậc tiên hiền trong nền giáo dục của dân tộc như cụ Chu Văn An và các bậc anh quân đời trước.

Phú Mỹ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm