Mòn mỏi chờ giám định nhiễm chất độc da cam

25/08/2012 13:59 GMT+7 | Y tế

9 năm vào sinh ra tử trên các chiến trường Quảng Nam, Quảng Ngãi, ông Trần Văn Thụ… không ngại lửa khói, đạn bom. Nhưng, bây giờ, ông lại thấy mệt mỏi vì những thủ tục xét duyệt trợ cấp người có công.

Công và nỗi đau ở lại

Ông Trần Văn Thụ (thôn Hữu Cước, xã Liên Hồng, huyện Đan Phượng) nhập ngũ khi mới 20 tuổi (tháng 2/1968). 2 tháng sau, ông được điều động vào công tác tại Cục Hậu cần Quân khu 5. Trong suốt 9 năm kháng chiến tại các mặt trận Quảng Nam, Quảng Ngãi, bản thân ông Thụ nhiều lần bị bom Mỹ đánh sập hầm, vùi mình trong đất, rồi bị máy bay Mỹ rải chất độc hóa học đến ngạt thở, phải úp mặt xuống suối mới thoát chết.

Theo sổ y bạ do Ban Quân y, Bộ Tham mưu Quân khu 5 cấp trước khi ông Thụ xuất ngũ: Năm 1969, trên đường công tác, ông Thụ bị sốt rét ác tính gây viêm gan. Năm 1971, ông lại bị bom Mỹ đánh, sức ép vùi lấp gây tổn thương cơ thể, từ đó đến nay ông đi lại khó khăn. Ngoài ra, ông Thụ còn mắc bệnh thần kinh ngoại biên cấp tính. Bản thân ông Thụ đã được tặng thưởng nhiều Huân, Huy chương như: Huân chương Chiến sỹ giải phóng loại 1, 2, 3; giấy khen tham gia đánh cứ điểm Trà Bồng năm 1970; Huân chương Dũng sỹ quyết thắng cấp III…



Ông Thụ giữ đầy đủ chứng từ gốc trong hồ sơ xin xét duyệt nạn nhân chất độc màu da cam

May mắn trở về sau chiến tranh, nhưng chất độc dioxin đã ngấm vào cơ thể ông. Trong một lá đơn gửi Cục Người có công ngày 17/7/2012, ông Thụ giãi bày: "Bản thân tôi luôn ốm đau nên không lao động được. Con trai Trần Thanh Tú (con trai thứ 3) vừa đẻ ra đã bị kém mắt, không học được. Tôi đã đưa cháu đi chạy chữa 3 - 4 năm liền vẫn không khỏi. Cháu đích tôn Trần Minh Quang (9 tuổi) đẻ non được 1,8 kg, lại bị dị tật, câm điếc hoàn toàn. Cháu ngoại Trần Diệu Linh (7 tuổi) cũng bị u phổi và mù một bên mắt, 8 năm nay vẫn điều trị tại Bệnh viện Nhi T.Ư. Cháu nội Trần Mạnh Tiến (5 tuổi) đẻ non lại bị ảnh hưởng não, bị liệt nửa người bên phải, nhưng được chạy chữa kịp thời nên đã gần khỏi, chỉ bị ngọng. Một cháu đã chết lúc 4 tháng tuổi…". Ông Thụ vẫn giữ tất cả hồ sơ bệnh án của con, cháu mình.

Mòn mỏi chờ hồi âm

Đầu năm 2011, ông Thụ gửi hồ sơ xin giám định chất độc da cam, nhưng lên đến Sở LĐTB&XH Hà Nội thì bị trả lại. Bất bình với kết quả đó, ông bế đứa cháu nội bị mù một mắt lên kiến nghị với lãnh đạo Sở. Sau đó, Sở đã yêu cầu Phòng LĐTB&XH huyện Đan Phượng nhận lại hồ sơ của ông Thụ và chuyển cho Sở xét duyệt lần 2.

Theo ông Nguyễn Văn Bình, Phó Trưởng phòng LĐTB&XH huyện Đan Phượng: "Hồ sơ của ông Thụ đã được Phòng thụ lý và chuyển lên Sở từ ngày 1/11/2011". Thế nhưng, đã 9 tháng trôi qua, ông Thụ vẫn chưa nhận được bất cứ phản hồi nào.

Được biết, đầu tháng 8 vừa rồi (ngày 7 và 9/8/2012), Sở LĐTB&XH Hà Nội đã gửi giấy mời, yêu cầu Phòng LĐTB&XH huyện Đan Phượng thông báo cho những người có công lên giám định sức khỏe, nhưng không hề có tên ông Thụ. Như thế có phải người có trách nhiệm đã "lỡ" quên trường hợp của ông Thụ, hay vì xét duyệt hồ sơ chính sách cho người có công quá khó khăn, nên chưa đến lượt ông?

Theo KTĐT

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm