Mario Balotelli: Tại sao luôn là anh?

26/06/2012 09:42 GMT+7

(TT&VH) - Why always me? (Tại sao luôn là tôi?) Anh đã từng vén áo lên hỏi cả thế giới như thế, và khiến nhiều lời chỉ trích rơi vào mồ chôn của những định kiến. Nhưng màn trình diễn rạng sáng qua đã phá hỏng những nỗ lực ấy của tiền đạo gốc Ghana.

Gần một năm trước, anh đứng lặng người, khuôn mặt vô cảm, trước hàng triệu con mắt theo dõi trên toàn thế giới, đưa ra câu hỏi đầy day dứt ấy. Thời điểm ấy, Balotelli bị coi là một sản phẩm "lỗi" trong đội hình được cho là chỉ xây bằng tiền của Manchester City. Thời điểm ấy, anh bị cho là kẻ chỉ biết gây rối, vào sân để quậy phá, và là chủ đề màu mỡ cho các trang báo lá cải chuyên soi mói đời tư.

Tại sao luôn là anh ? Đó có thể là định kiến của miệng lưỡi người đời, nhưng cũng là một sự thách thức công tâm với chính bản thân Balotelli - Ảnh: Getty

Nhưng tại sao luôn là anh nhỉ? Diego Maradona là một con nghiện ma túy, George Best là một gã nát rượu và Eric Cantona thì từng cư xử chẳng khác nào một tên côn đồ (hãy nhớ lại cú song phi của anh ta vào một CĐV Crystal Palace vào đầu năm 1995), nhưng tại sao đó vẫn là những tượng đài của bóng đá, còn Super Mario, mới 20 tuổi và chẳng hiểu mấy lẽ đời, lại bị coi như một gã hư hỏng không thể cải tạo? Tại sao người ta không tin rằng anh có thể trở thành người đưa đội bóng vượt qua khó khăn? Tại sao luôn phải coi anh như một tên hề mới thỏa mãn nổi thói châm chọc của người đời và tâm lý đám đông muốn đạp người ta xuống để (tự) cảm thấy mình lớn lên?

Một năm trước, cú đúp vào lưới Manchester United trong chiến thắng 6-1 của Man City đã là câu trả lời đanh thép, và khối kẻ đã phải ôm mặt xấu hổ, khi phải đối diện với ánh nhìn có nét ngạo mạn, pha lẫn sự giễu cợt và có thể đánh thức lòng trắc ẩn của Balotelli.

Đứa trẻ còn lâu mới lớn

Nhưng một năm sau, chính chúng ta lại phải hỏi tiền đạo gốc Ghana câu hỏi mà anh đã đặt ra cho nhiều người 8 tháng trước, rằng tại sao luôn là anh?

Tại sao luôn là anh? Cầu thủ chỉ giỏi múa may trong những pha bóng vô thưởng vô phạt và quá yếu bản lĩnh cần thiết trong những tình huống có thể giúp đội bóng của anh cởi nút thắt của trận đấu? Tại sao Balotelli đủ tự tin để biểu diễn một pha đỡ bóng bằng gót ở sát biên ngang trong trận gặp TBN, lại không dám sút một cú thật quyết đoán khi đối mặt với thủ môn Iker Casillas chỉ từ khoảng cách có vài mét? Tại sao anh lại yếu bóng vía và thiếu tự tin đến thế trong những pha bóng mà Andrea Pirlo đã đặt tiền đạo gốc Ghana vào thế đối mặt với Joe Hart, và chỉ cần anh dứt điểm với vài phần tự tin vẫn thường được thể hiện trên cái mặt câng câng bất cần đời của mình?

Con số

2 - Cả hai bàn thắng của Balotelli ghi được cho đội tuyển Italia tính đến thời điểm này trong hai năm khoác áo thiên thanh đều diễn ra trên đất Ba Lan, một vào lưới đội chủ nhà Ba Lan trong trận giao hữu vào tháng 11 năm ngoái, và mới đây là pha lập công ấn định chiến thắng 2-0 trước Ireland ở vòng bảng, nhưng rạng sáng 25-06, trên đất Ukraina, anh đã không thể ghi được bàn thắng từ rất nhiều cơ hội được trao

10 - Một mình Balotelli đã tung ra số lần dứt điểm nhiều hơn số cú sút của … cả đội tuyển Anh cộng lại (10 và 9), trước đó, chỉ có Ronaldo, người đã tung ra tổng cộng 12 cú dứt điểm trong trận gặp Hà Lan ở vòng bảng, là sút nhiều hơn Balotelli trong một trận ở EURO lần này.

Tại sao luôn là anh?  Cầu thủ đã bỏ lỡ biết bao nhiêu cơ hội ngon ăn trong cả trận vẫn ngoan cố giành một quả đá phạt của đàn anh Pirlo, để rồi đá thắng nó lên khán đài một cách cẩu thả và vô trách nhiệm? Tại sao trong rất nhiều tình huống mà đội Italia bế tắc trước bức tường người của tuyển Anh, Balotelli vẫn phớt lờ các đồng đội và cố đâm đầu vào chiến lũy ấy, bằng những cú sút thể hiện sự ích kỷ trẻ con và phá hỏng công sức của toàn đội với cách chơi bóng quá cá nhân, hoàn toàn theo bản năng của mình?

Rất may là anh đã không khiến Italia phải ôm hận trên chấm phạt đền, nhưng 120 phút mà gánh nặng thất bại giống như lưỡi hái thần chết vẫn đeo đẳng bên những người thiên thanh, bất chấp thế trận áp đảo và những thống kê vượt trội, là quá đủ để cho Balotelli phải tự đứng trước gương và nhìn thẳng vào đó với ánh mắt mà anh đã dành cho những người đã chỉ trích anh với con mắt khắc nghiệt một năm về trước. Để tự vấn chính mình với câu hỏi đầy day dứt ấy, khi trách nhiệm của một người đàn ông, một tuyển thủ quốc gia không thể chấp nhận một sự dễ dãi đến buông thả như thế.

Tại sao luôn là anh? Đó có thể là định kiến của miệng lưỡi người đời, nhưng cũng là một sự thách thức công tâm với chính bản thân Balotelli. Không thể mãi tự coi mình là nạn nhân, Super Mario, và sự trưởng thành chỉ có thể đến, khi anh biết rằng mình cũng phải có trách nhiệm trả lời câu hỏi ấy, thay vì câng mặt nhìn ra xung quanh và đòi hỏi một sự bao dung chưa chắc đã xứng đáng với những nỗ lực hời hợt và sự vô trách nhiệm của anh.

Phạm An

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm